loai bo vi nhua bang dau bap 1

Loại bỏ vi nhựa bằng đậu bắp – giải pháp mới cho nguồn nước sạch

Một nghiên cứu mới được công bố ngày 22/03 tại cuộc họp mùa xuân của Hiệp hội Hóa học Mỹ đã đưa ra giải pháp thay thế các hóa chất tổng hợp đang được sử dụng trong chuỗi nhà máy xử lý nước thải, và loại vũ khí bí mật này có tên là đậu bắp – một nguyên liệu quen thuộc, dễ tìm thấy trong cuộc sống thường ngày của chúng ta. Vậy thì đậu bắp có khả năng loại bỏ vi nhựa trong nước hiệu quả ra sao và cụ thể tiến trình ấy như thế nào? Mời bạn đọc tiếp những thông tin được cung cấp trong bài viết của Biogency phía dưới đây.

Vi nhựa và tác hại của chúng

Vi nhựa là gì?

Vi nhựa là những mảnh nhựa có kích thước rất nhỏ, chỉ khoảng bằng hoặc dưới 5mm. Theo con số ước tính, vi nhựa được sinh ra từ khoảng 8 tỷ tấn nhựa đã được sản xuất từ thập niên 1950, sự thật là chỉ có chưa tới 10% trong số nhựa đó được tái chế. Lượng nhựa còn lại trong quá trình phân hủy đã bị phá vỡ ra thành vi nhựa. Ngày nay vi nhựa được tìm thấy ở khắp mọi nơi trên Trái Đất, từ đại dương, sông ngòi cho đến trong không khí và đất, đặc biệt chúng có thể có mặt trong thực phẩm của chúng ta.

Nhiều nghiên cứu đã được chứng minh vi nhựa có thể gây hại cho sự sống và sự phát triển của sinh vật dưới nước theo nhiều cách.

loai bo vi nhua bang dau bap 2

Tác hại của vi nhựa

Tác hại của vi nhựa lên sinh vật trong nước là những ảnh hưởng trực tiếp có thể kể đến như:

  • Ảnh hưởng đến hệ thống sinh sản của sinh vật
  • Đẩy lùi sự phát triển khiến sinh vật còi cọc, chậm lớn
  • Gây tổn thương gan

Bên cạnh đó vi nhựa cũng được cho là có tác hại lên sức khỏe của con người. Nhiều nghiên cứu đang được tiến hành để xác minh việc vi nhựa có thể gây ung thư và đột biến ADN ở con người. Mặc dù vậy đây vẫn chưa phải kết luận chính thức và các nhà khoa học cần tìm hiểu thêm một thời gian nữa mới có thể công bố kết quả chính xác.

Phương pháp loại bỏ vi nhựa bằng đậu bắp

Khởi nguồn của nghiên cứu

Quy trình xử lý nước thải loại bỏ vi nhựa theo cách truyền thống thường mất hai bước. Đầu tiên phải thu gom và loại bỏ phần vi nhựa nổi ra khỏi mặt nước. Lượng vi nhựa nổi này thường chỉ chiếm một phần nhỏ. Phần còn lại sẽ được lọc bằng cách sử dụng chất tạo bông, hoặc hóa chất dính để hút vi nhựa gom lại thành những khối lớn hơn. Những khối vi nhựa này chìm xuống đáy và sau đó dễ dàng được lấy ra khỏi nước.

Vấn đề là phương pháp truyền thống này có thể gây ra hệ lụy. Những chất tạo bông và chất dính tổng hợp, chẳng hạn như polyacrylamide, bản thân chúng có thể phân hủy thành các hóa chất độc hại ra nguồn nước.

Tác giả của bài nghiên cứu khoa học được đề cập trong bài, bà Rajani Srinivasan, thuộc Đại học bang Tarleton, cho rằng “Để tối ưu hóa loại bỏ vi nhựa hoặc vật liệu có trong bất kỳ môi trường nào, chúng ta nên sử dụng các vật liệu từ tự nhiên không gây rủi ro độc hại.”

Các nghiên cứu trước đây của bà Srinivasan đã nhằm mục tiêu hướng tới việc xem xét vấn đề này, cụ thể là cách thức mà chất nhờn từ đậu bắp và một số loài thực vật khác có thể loại bỏ các chất ô nhiễm từ vải sợi khỏi nước, thậm chí cả vi sinh vật. Và bà Srinivasan bắt đầu tiến hành thử nghiệm xem liệu đậu bắp có thể áp dụng tương tự cho việc loại bỏ vi nhựa hay không.

Bà Srinivasan và các đồng sự đã tìm ra cách chiết xuất chất nhầy có trong đậu bắp, nha đam (lô hội), xương rồng, cỏ cari, me và psyllium – vỏ hạt mã đề (một loại thảo mộc thường được trồng ở Ấn Độ và khu vực Địa Trung Hải),… và xem chúng hoạt động như thế nào trong tiến trình loại bỏ vi nhựa.

Kết quả của phương pháp loại bỏ vi nhựa bằng đậu bắp

Nhóm các nhà khoa học của bà Rajani Srinivasan đã tiến hành thử nghiệm các phản ứng chuỗi carbohydrate, được gọi là polysaccharid, từ những cây riêng lẻ cũng như kết hợp, lên các môi trường nước bị ô nhiễm vi nhựa khác nhau. Sau đó họ thu được những hình ảnh hiển vi trước và sau phản ứng, các nhà khoa học dựa vào đó để so sánh, phân tích và thống kê xem có bao nhiêu hạt vi nhựa đã được loại bỏ.

Sau nhiều lần thử nghiệm nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng polysaccharid từ đậu bắp kết hợp với polysaccharid từ cỏ cari là có hiệu quả loại bỏ vi nhựa khỏi nước đại dương tốt nhất; trong khi polysaccharid từ đậu bắp kết hợp với quả me thì hoạt động hiệu quả nhất đối với các mẫu nước ngọt.

loai bo vi nhua bang dau bap 3

Kết luận rút ra được là, các polysaccharid có nguồn gốc thực vật đều hoạt động tốt, có hiệu quả tương đương hay thậm chí có phần vượt trội hơn so với chất tạo bông polyacrylamide trong quá trình loại bỏ vi nhựa khỏi nước. Điều tối quan trọng chính là các hợp chất được chiết xuất và tổng hợp từ thực vật sẽ không gây độc hại cho môi trường và sinh vật, lại có hiệu quả cao khi đưa vào sử dụng trong các nhà máy xử lý hiện nay.

Bà Srinivasan và nhóm nghiên cứu của mình đang rất hy vọng trong tương lai gần sẽ mở rộng quy mô nghiên cứu, đồng thời thương mại hóa quy trình này nhằm giúp con người có thể tiếp cận nguồn nước sạch, an toàn và thân thiện với môi trường hơn.

——————————

Hy vọng với bài viết này Biogency đã cung cấp cho bạn những thông tin thú vị, hữu ích về phương pháp loại bỏ vi nhựa trong nước bằng đậu bắp. Mong rằng sắp tới đây chúng ta sẽ dễ dàng ứng dụng phương pháp này vào đời sống hàng ngày.

Chịu trách nhiệm nội dung

Phó Giám Đốc - Đồng Thị Tú Anh

Chữ ký