Bệnh đỏ thân không chỉ phổ biến ở tôm thẻ chân trắng mà nó còn phổ biến ở tôm sú. Tôm sú đỏ thân có thể xuất hiện trong tất cả giai đoạn nuôi, nhưng phổ biến hơn ở 2 tháng nuôi đầu tiên trong ao nuôi thịt. Nguyên nhân tôm sú đỏ thân là gì? Và làm cách nào để phòng trị bệnh? Mời bà con cùng Biogency theo dõi bài viết dưới đây.
Các nội dung chính
Tôm sú đỏ thân do đâu? Dấu hiệu nhận biết
Tôm sú đỏ thân thường do 3 nguyên nhân gây ra, là do nhiễm vi-rút, do môi trường và do nhiễm khuẩn. Trong đó, nguyên nhân đầu tiên – do nhiễm vi-rút là đáng lo ngại nhất.
Vi-rút gây bệnh đỏ thân ở tôm sú là SEMBV (Systemic Ectodermal and Mesodermal Baculovirus), ngoài ra còn có vi-rút WSSV (White Spot Syndrome Virus) và nhóm vi khuẩn Vibrio (Staphylococcus, Vibrio vulnificus, V.alginolyticus). Sự kết hợp giữa các nhóm vi-rút và vi khuẩn này là nguyên nhân khiến dịch bệnh đỏ thân bùng phát trên diện rộng trong thời gian ngắn.
Vi-rút gây bệnh đỏ thân xuất hiện trong ao nuôi tôm thường do các nguyên nhân sau:
- Vi-rút gây bệnh đỏ thân còn sót lại ở vụ nuôi trước mà không được tiêu diệt, khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ bùng phát ở vụ sau.
- Vào thời điểm giao mùa làm sức đề kháng của tôm giảm, tạo điều kiện cho vi khuẩn, vi-rút xâm nhập.
- Vi khuẩn, vi-rút có sẵn từ bản thân con giống thả xuống ao, sau khi thả nuôi một thời gian làm bệnh bùng phát.
- Không bổ sung thêm vitamin và khoáng chất để tăng đề kháng cho tôm, khi sức đề kháng của tôm giảm là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, vi-rút xâm nhập.
- Nước ao, đáy ao bẩn, nhiều khí độc nhưng không được xử lý làm vi khuẩn, vi-rút dễ sinh sôi, phát triển.
Khi tôm sú nhiễm bệnh đỏ thân rất dễ nhận biết bằng mắt thường bởi các dấu hiệu như:
- Cơ thể của tôm chuyển dần sang màu đỏ hồng hoặc đỏ bầm (có nhiều trường hợp tôm bị đỏ thân từ đốt đuôi trở lên).
- Phần vỏ ở đầu ngực của tôm bắt đầu xuất hiện các đốm trắng li ti (có kích thước từ 0,5 – 2 mm).
- Gan tụy tôm chuyển sang màu trắng xám.
- Tôm chán ăn, ăn yếu, kèm với đó là khả năng tiêu thụ thức ăn kém làm ruột rỗng.
- Tôm bơi tấp mé bờ nhiều hơn bình thường.
Tác hại của bệnh đỏ thân gây ra
Tôm sú đỏ thân là vấn đề gây đau đầu cho bà con vì hầu như các trường hợp xảy ra đều do nhiễm vi-rút, vi khuẩn và tốc độ bùng phát thành dịch nhanh. Cụ thể: Khi nhiễm vi-rút, vi khuẩn gây bệnh đỏ thân, tôm có thể chết rải rác do nguồn tôm giống, thời điểm tôm nhiễm bệnh và tình trạng sức khỏe của tôm khác nhau. Đồng thời, tình trạng bội nhiễm cũng diễn ra nhanh chóng, đặc biệt là vào vụ đông xuân, khi nhiệt độ ao nuôi xuống dưới 30 độ C. Chỉ trong từ 5-7 ngày, tỷ lệ nhiễm bệnh có thể lây lan trên toàn ao nuôi và gây chết 100% tôm trong ao – hội chứng chết đỏ.
Với tốc độ lây lan nhanh và gây chết tôm trên diện rộng, tôm đỏ thân là dịch bệnh gây tổn thất nhiều về kinh tế cho bà con. Không những thế, nó còn gây ảnh hưởng đến các vụ nuôi sau nếu không cải tạo ao và xử lý dụng cụ nuôi kỹ lưỡng.
Biện pháp phòng trị tôm sú đỏ thân
Tôm sú đỏ thân do môi trường hoặc do nhiễm khuẩn có thể xử lý bằng cách thay nước kết hợp với sử dụng chế phẩm sinh học để kiểm soát chất lượng nước để xử lý. Tuy nhiên, trường hợp tôm sú đỏ thân do 2 nguyên nhân trên lại xảy ra không nhiều.
Tôm sú đỏ thân do nhiễm vi-rút hiện chưa có thuốc đặc trị cũng như biện pháp điều trị hiệu quả. Do đó, điều bà con có thể làm là phòng tôm sú đỏ thân ngay từ khi bắt đầu nuôi. Những biện pháp bà con có thể làm để phòng bệnh đỏ thân trên tôm sú là:
- Chọn con giống sạch bệnh: Bà con nên chọn con giống ở những đơn vị uy tín, giống tôm phải khỏe mạnh, kích thước đều, có sức đề kháng tốt, được kiểm tra âm tính với các vi-rút gây bệnh bằng phương pháp PCR.
- Xử lý, cải tạo đáy ao kỹ, đặc biệt là nếu ao nuôi trong vụ trước bị nhiễm bệnh hoặc trong vùng có ao bị nhiễm bệnh. Sử dụng vôi bột, Chlorine để diệt địch hại như cua, ốc, côn trùng… và khử khuẩn đáy ao. Sau đó phơi ao thật khô dưới trời nắng trước khi đưa nước vào để nuôi vụ kế tiếp.
- Các dụng cụ nuôi như quạt nước, dụng cụ cho ăn, nhá, sục oxy… cũng cần được vệ sinh kỹ lưỡng và phơi phô sau mỗi vụ để tái sử dụng cho vụ nuôi kế tiếp.
- Trong quá trình nuôi nên sử dụng men vi sinh định kỳ để ổn định chất lượng nước, xử lý khí độc, thức ăn thừa, phân tôm để tránh nước ao ô nhiễm gây bệnh cho tôm.
- Tăng đề kháng cho tôm bằng cách định kỳ đánh Vitamin và khoáng chất xuống ao nuôi.
- Tôm ăn khỏe thì khả năng kháng bệnh cũng cao hơn. Do đó nên sử dụng men đường ruột DFM để cung cấp hệ vi sinh vật có lợi cho đường ruột tôm, giúp tôm tiêu hóa thức ăn tốt hơn và hấp thu tối đa dưỡng chất.
- Lắng nước, lọc nước khi muốn cấp thêm nước/thay nước ao nuôi để tránh mầm bệnh xâm nhập vào ao.
- Xi-phông đáy ao nuôi tôm thường xuyên để loại bỏ bùn đáy, mùn bã hữu cơ, xác tôm lột…
Khi phát hiện tôm sú đỏ thân trong ao nuôi và xác định nguyên nhân là do vi-rút gây ra, bà con nên đánh giá tình hình tôm, nếu có thể thu hoạch được bà con nên thu hoạch ngay để tránh tổn thất. Sau khi thu hoạch tôm xong, bà con cũng cần xử lý nước ao trước khi xả nước có mầm bệnh vi-rút ra môi trường.
Trường hợp nếu tôm chưa đạt kích cỡ thương phẩm, bà con có thể dùng chất diệt khuẩn mạnh như Formalin phun trực tiếp xuống ao, nồng độ thích hợp là từ 15 – 30ml/m3 để tiêu diệt những con tôm nhiễm vi-rút và các vi-rút tự do ngoài môi trường. Sau đó, bà con cần loại bỏ toàn bộ tôm chết ra khỏi ao, tiến hành thay nước sạch vào ao và sử dụng men vi sinh Microbe-Lift để ổn định chất lượng nước. Trong quá trình này, bà con cần theo sát tình hình sức khỏe của tôm. Nếu sức khỏe tôm có cải thiện tốt lên, nghĩa là việc xử lý mang lại hiệu quả. Ngược lại, bà con nên hủy ao và xử lý, cải tạo ao để thả vụ nuôi mới.
Tham khảo: Các bệnh thường gặp ở tôm sú và các phòng trị
Phòng bệnh hơn chữa bệnh, để tránh tình trạng tôm sú đỏ thân xảy ra trong ao nuôi của mình, bà con nên thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng bệnh cho tôm để giảm thiểu rủi ro mà bệnh đỏ thân mang lại. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào cần giải đáp, bà con liên hệ đến Biogency qua Hotline 0909 538 514 để được hỗ trợ chi tiết. Chúc bà con nuôi tôm thành công!
Chịu trách nhiệm nội dung
Phó Giám Đốc - Đồng Thị Tú Anh