Suy thoái môi trường là một thuật ngữ chỉ sự thay đổi về chất lượng và số lượng các thành phần của môi trường. Đây là hệ quả xảy ra do những tác động của con người và ngày càng trở nên nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu. Để tìm hiểu rõ hơn về kiến thức này, mời bạn theo dõi bài viết dưới đây của Biogency nhé!
Các nội dung chính
Suy thoái môi trường là gì?
Suy thoái môi trường hay Environmental Depression, là quá trình môi trường tự nhiên bị tổn hại và suy giảm chất lượng, dẫn tới giảm sự đa dạng sinh học. Đây là vấn đề nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu đến con người và các loài sinh vật trong môi trường tự nhiên. Những ví dụ có thể minh chứng cho sự nghiêm trọng của suy thoái môi trường có thể kể đến như:
- Rừng Amazon: Đây là khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới và được ví như “lá phổi xanh” của Trái Đất. Tuy nhiên, rừng Amazon đang phải đối mặt với nạn phá rừng trầm trọng do hoạt động khai thác gỗ trái phép và mở rộng diện tích canh tác. Theo thống kê, mỗi phút có khoảng 1,5 ha rừng Amazon bị tàn phá, tương đương với diện tích 3 sân bóng đá.
- Biển Chết: Nằm giữa ranh giới Israel và Jordan, Biển Chết từng là điểm du lịch nổi tiếng với độ mặn cao, giúp du khách nổi dễ dàng trên mặt nước. Tuy nhiên, do tác động của biến đổi khí hậu và hoạt động khai thác khoáng sản, mực nước biển Chết đang sụt giảm với tốc độ đáng báo động, khoảng 1 mét mỗi năm.
Một thành phần của môi trường sẽ bị coi là suy thoái khi có đầy đủ các dấu hiệu sau đây:
- Thành phần đó phải có sự suy giảm cả về số lượng và chất lượng hoặc có sự thay đổi về số lượng dẫn tới thay đổi về chất lượng và ngược lại.
- Thành phần bị suy thoái phải gây ra những ảnh hưởng xấu và lâu dài đến đời sống của con người và sinh vật như ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, hoạt động sản xuất, gây lũ lụt, hạn hán, xói mòn,…
Nguyên nhân gây suy thoái môi trường
Thực tế, có rất nhiều nguyên nhân gây suy thoái môi trường như:
- Sự xáo trộn đất đai: Khi đất đai bị phá hủy hoặc thay đổi, một số loài cỏ dại như mù tạt tỏi vẫn có khả năng phát triển mạnh mẽ. Vì loài cỏ này không phải là nguồn thức ăn của các loài động vật khác nên khi mù tạt tỏi sinh sôi, nó sẽ xâm lấn và chiếm chỗ của các loài thực vật bản địa quan trọng. Điều này làm gián đoạn chuỗi thức ăn tự nhiên, gây mất cân bằng sinh thái.
- Ô nhiễm môi trường: Tình trạng ô nhiễm môi trường khiến các thành phần môi trường bị giảm về chất lượng và số lượng (nguồn nước sạch, không khí sạch giảm, đất đai xuống cấp,…). Điều này có thể gây nên những tác động xấu đến sức khỏe của con người, thu hẹp môi trường sống tự nhiên của động thực vật,…
- Bùng nổ dân số: Dân số gia tăng nhanh chóng gây áp lực lớn lên các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bao gồm đất, nước, không khí,… Ngoài ra, đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng phá rừng lấn đất để xây khu công nghiệp, nhà ở, làm nông nghiệp,… Chính những điều này đã dẫn tới sự suy thoái môi trường.
- Bãi rác: Các bãi rác được tạo ra ngày càng nhiều do lượng rác thải sinh hoạt, rác thải sản xuất, y tế,… ngày càng tăng. Điều này dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, phá hủy cảnh quan và làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của con người và các sinh vật.
- Phá rừng: Việc chặt phá rừng trái phép và quá mức làm giảm diện tích rừng, tăng lượng phát thải khí carbon, gây hiện tượng nóng lên toàn cầu. Hiện tượng này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều sinh vật, đặc biệt là gấu trắng Bắc Cực. Ngoài ra, nạn phá rừng cũng sẽ phá hủy môi trường sống của nhiều loài động, thực vật.
- Các nguyên nhân tự nhiên: Những hiện tượng thiên tai như động đất, tuyết lở, thiên tai,… sẽ tàn phá và gây tuyệt chủng các loài sinh vật trong khu vực bị ảnh hưởng.
>>> Xem thêm: Chúng ta làm gì để bảo vệ môi trường?
Sự khác biệt giữa ô nhiễm môi trường và suy thoái môi trường
Suy thoái môi trường và ô nhiễm môi trường là hai thuật ngữ khác nhau nhưng thường bị nhầm lẫn với nhau. Do đó, bảng dưới đây sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cụ thể nhất để phân biệt hai khái niệm này.
Ô nhiễm môi trường | Suy thoái môi trường | |
Nguyên nhân | Việc thải vào môi trường các chất gây ô nhiễm, chất độc hại (hóa chất, tràn dầu,…) làm nhiễm bẩn các thành phần môi trường. | Hành vi khai thác, sử dụng quá mức các thành phần môi trường (tàn phá rừng, khai thác khoáng sản,…) dẫn đến suy giảm và cạn kiệt các nguồn tài nguyên. |
Cấp độ thể hiện | ● Thể hiện cấp độ “cấp tính” cao hơn. ● Có thể xảy ra đột ngột, tức thì trong thời gian ngắn và gây nên hậu quả nguy cấp với con người và các loài sinh vật. |
● Thể hiện mức độ “mãn tính” cao hơn ô nhiễm môi trường. ● Đây là kết quả của quá trình cạn kiệt dần giá trị sinh thái và làm mất đi chức năng cơ bản của các thành phần môi trường, tạo ra ảnh hưởng xấu và lâu dài. |
Giải pháp phòng ngừa, khắc phục | ● Phòng ngừa: Ngăn chặn hành vi xả thải chất ô nhiễm ra môi trường. ● Khắc phục: Làm sạch chất gây ô nhiễm môi trường. |
● Phòng ngừa: Hạn chế khai thác, sử dụng các tài nguyên thiên nhiên. ● Khắc phục: Khôi phục các thành phần bị suy thoái, cả về chất lượng lẫn số lượng (cải tạo đất, trồng rừng,…). |
Giải pháp giảm thiểu suy thoái môi trường
Như vậy, suy thoái môi trường là hệ quả xảy ra khi các thành phần môi trường bị sử dụng quá mức dẫn tới cạn kiệt. Do đó, để khắc phục và giảm thiểu tình trạng này, giải pháp tốt nhất là khôi phục các thành phần đã bị suy thoái và duy trì các thành phần chưa bị suy thoái.
Cụ thể, bạn có thể tham khảo các biện pháp sau đây:
- Sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời,…) để thay thế cho các nguồn năng lượng không tái tạo như than đá trong sản xuất điện để giảm thiểu ô nhiễm và kiểm soát biến đổi khí hậu.
- Bảo tồn và mở rộng khu vực đa dạng sinh học để duy trì quần thể loài và đảm bảo sự cân bằng sinh thái.
- Quản lý các nguồn tài nguyên đất, nước, rừng,… một cách bền vững.
- Cải tạo đất, trồng rừng để tạo môi trường sống cho các loài động, thực vật, khôi phục lại thành phần môi trường bị suy thoái.
- Khuyến khích lối sống xanh và bền vững, bao gồm giảm lượng rác thải sinh hoạt, ưu tiên sử dụng sản phẩm xanh và có khả năng tái chế, kéo dài vòng đời của một sản phẩm,…
- Thực hiện các biện pháp giáo dục, tăng cường nhận thức cộng đồng về tình trạng suy thoái môi trường thông qua các dự án giáo dục, truyền thông, cuộc thi bảo vệ môi trường,…
Như vậy, Biogency đã chia sẻ tới bạn những thông tin khái quát nhất về suy thoái môi trường – một hệ quả nghiêm trọng do hành vi khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên của con người. Đặc biệt, tình trạng này sẽ gây ra những ảnh hưởng xấu và lâu dài đến con người, cũng như thiên nhiên và rất khó khắc phục.
>>> Xem thêm: Các sản phẩm ứng dụng công nghệ vi sinh vật trong xử lý môi trường
Chịu trách nhiệm nội dung
Phó Giám Đốc - Đồng Thị Tú Anh