Tác dụng của lá bàng khô trong việc thay thế kháng sinh khi nuôi trồng thủy sản

Tác dụng của lá bàng khô trong việc thay thế kháng sinh khi nuôi trồng thủy sản

Lá bàng khô chứa nhiều hoạt chất quý được nghiên cứu và ứng dụng trong nuôi trồng thuỷ sản, được kỳ vọng với tiềm năng thay thế cho hoá chất, kháng sinh, góp phần giảm thiểu áp lực đối với ngành thuỷ sản hiện nay.

Lá bàng khô chứa nhiều hợp chất có ích cho nuôi trồng thủy sản

Từ xa xưa, trong dân gian lá bàng khô đã sử dụng để để tạo màu, ngăn ngừa một số vi khuẩn, nấm trên cá rồng và các loài cá ưa nước mềm như cá dĩa, cá xiêm…

Cùng với tiến bộ của khoa học, lá bàng khô được nghiên cứu cho thấy chứa nhiều dược chất quý có tác dụng quan trọng trong phòng, điều trị các căn bệnh đối với các loại thuỷ sản như:

  • Flavonoid giúp kháng nấm, viêm, ức chế enzyme.
  • Calcium cao giúp làm tăng cơ bắp, bộ xương khỏe mạnh, răng và các vây cá to đều và đẹp.
  • Tanin mang lại lợi ích cho môi trường nước, axit humic được xem là một loại kháng sinh cho cá và là thuốc diệt nấm hiệu quả.
  • Violaxanthin, góp phần tiêu diệt các loại vi khuẩn, nấm.
  • Với liều lượng phù hợp, hoạt chất từ lá bàng có khả năng tiêu diệt các loại côn trùng, vi khuẩn có hại… giúp tạo môi trường nuôi trong sạch.
Tác dụng của lá bàng khô trong việc thay thế kháng sinh khi nuôi trồng thủy sản
Lá bàng khô được sử dụng như một “thần dược” trong nuôi cá cảnh.

>>> Xem thêm: Cây chó đẻ trị bệnh gì cho tôm?

Các nghiên cứu về lá bàng khô được thực hiện và ứng dụng thành công tại nhiều quốc gia trong điều trị nấm, ký sinh trùng và kháng khuẩn. Điển hình như:

  • Kết quả nghiên cứu của Chitmanat & cs. (2005) cho biết, chiết xuất thô từ lá bàng ở nồng độ 800mg/L đã loại bỏ đáng kể ngoại ký sinh trùng Trichodina sp. trên cá rô phi (trọng lượng trung bình 3,62±0,06g/con) sau 2 ngày điều trị. Ngoài ra, chiết xuất từ lá bàng còn làm giảm nhiễm nấm ở trứng cá rô phi.
  • Năm 2009, nghiên cứu chiết xuất từ dung dịch lá bàng khô ở nồng độ 120 ml/L có hiệu quả trong việc kiểm soát sán lá đơn chủ và P. pillulareem, tuy nhiên nó không có tác dụng chống lại trùng quả dưa I. multifiliis sau 7 ngày điều trị. Hiện nay, các công trình về lá bàng và chiết xuất của nó vẫn được các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu.
  • Kết quả nghiên cứu của Yakubu & cs. (2020), cho thấy  dịch chiết lá Terminalia catappa đã tăng cường đáp ứng miễn dịch và khả năng kháng bệnh của cá rô phi đỏ lai (Oreochromis sp.) chống lại  vi khuẩn Streptococcus agalactiae ở liều 31,25 và 62,5 mg/kg.

Tác dụng của lá bàng khô trong việc thay thế kháng sinh

Vấn đề lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản đã được đề cập từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp tháo gỡ hiệu quả. Các loại chế phẩm sinh học ra đời được kỳ vọng trong việc thay thế hoá chất, kháng sinh, góp phần giảm thiểu áp lực đối với ngành thuỷ sản hiện nay.

Gần đây, nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Nguyễn Tất Thành và Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh đã sản xuất thành công chế phẩm sinh học từ lá bàng khô. Sản phẩm chứa nhiều dược chất, đặc biệt là Violaxanthin giúp tiêu diệt vi khuẩn, nấm trong nước, trên cơ thể cá, an toàn với con người. Ngoài ra, khi sử dụng chế phẩm từ lá bàng, nước thải ra môi trường có chỉ số tốt hơn nước sử dụng kháng sinh. Bên cạnh đó, chế phẩm còn góp phần phát triển năng suất sinh sản của cá, đặc biệt là với cá tra, cá basa, cá ngừ.

Tác dụng của lá bàng khô trong việc thay thế kháng sinh khi nuôi trồng thủy sản
Nhóm nghiên cứu chế phẩm sinh học từ lá bàng khô. (Nguồn: vjst.vn)

Sản phẩm chế phẩm sinh học từ lá bàng khô đã được thử nghiệm cho thấy hiệu quả trong việc làm sạch ao nuôi, giảm nồng độ Nitơ, Photpho, da cá tra đẹp, hết bị nấm và phát triển khoẻ mạnh. Nhóm nghiên cứu cho biết sẽ tiếp tục cải tiến chế phẩm sinh học như bổ sung một số vi sinh giúp cá tăng sản lượng, đầu ra của nước thân thiện với môi trường tự nhiên hơn…

Chiết xuất từ lá bàng giúp tôm giảm tỷ lệ chết và tăng trưởng tốt

Mặc dù chế phẩm sinh học từ lá bàng khô được sản xuất chưa áp dụng trên tôm, tuy nhiên nhiều nghiên cứu cho thấy, chiết xuất từ lá bàng giúp cải thiện tăng trưởng và tỷ lệ sống trên tôm. Cụ thể:

  • Các chiết xuất từ lá bàng có thể loại bỏ Zoothamnium spp. trên hậu ấu trùng tôm sú trong 24 giờ sau khi tiếp xúc (Watchariya & cs., 2004).
  • Chiết xuất từ lá bàng giúp cải thiện tỷ lệ sống sót cũng như tăng trưởng năng suất của hậu ấu trùng tôm sú theo nghiên cứu của Ikhwanuddin & cs. (2014)
  • Theo nghiên cứu của Gesila Grace P. Pañares (2022), kết quả cho thấy rằng việc bổ sung 10% chiết xuất từ lá bàng vào khẩu phần ăn ảnh hưởng tích cực đến sự tăng trưởng và tỷ lệ sống của hậu ấu trùng tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii).

Lá bàng khô là nguyên liệu dễ kiếm, giá thành rẻ, việc nghiên cứu và ứng dụng thành công chế phẩm sinh học từ lá bàng khô là tín hiệu đáng mừng cho ngành thuỷ sản nước ta trước các áp lực về hoá chất và kháng sinh trong nuôi trồng thuỷ sản. Hy vọng rằng trong tương lai các chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh sẽ có mặt trên thị trường.

>>> Xem thêm: Top 5 thảo dược trị bệnh gan cho tôm

Chịu trách nhiệm nội dung

Phó Giám Đốc - Đồng Thị Tú Anh

Chữ ký