Bệnh teo cơ ở cua biển: Nguyên nhân và cách điều trị bệnh

Bệnh teo cơ ở cua biển: Nguyên nhân và cách điều trị bệnh

Trong các mô hình nuôi trồng thủy sản thì mô hình nuôi cua biển thương phẩm được xem là loài ít bệnh tật nhất so với tôm, cá. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp cua bị bệnh, thường gặp nhất là bệnh teo cơ gây chết cua, thiệt hại kinh tế.

Bệnh teo cơ ở cua biển là gì?

Cua biển là một trong những đối tượng nuôi thủy sản có giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao, kỹ thuật nuôi lại không quá khó, thích hợp với các điều kiện ao hồ, và có thể nuôi với nhiều hình thức khác nhau. Các mô hình nuôi cua biển ở nước ta ngày càng mở rộng trên nhiều tỉnh thành. Tuy nhiên tình hình nuôi cua biển vẫn còn gặp không ít khó khăn, một trong số đó là tỷ lệ mắc bệnh ở cua khá cao, teo cơ hay rệp cua là bệnh điển hình.

Rệp cua (Lepas) bám trên phần thịt ở khoang mang, có thể quan sát thấy qua lỗ thoát ở gốc càng cua. Chúng phát triển nhanh về số lượng, không chỉ gây cản trở hoạt động của cua, mà chúng hút chất dịch trong thịt cua, làm cua gầy và chết hàng loạt gây thiệt hại kinh tế lớn.

Bệnh teo cơ ở cua biển: Nguyên nhân và cách điều trị bệnh
Cua biển Cà Mau bất ngờ bị chết trên diện rộng là do giáp xác chân tơ.

Nguyên nhân gây nên bệnh teo cơ ở cua biển và triệu chứng

Nguyên nhân gây bệnh teo cơ ở cua biển được cho là do ký sinh trùng giáp xác chân tơ Sacculina sp.. Đây là một loại ký sinh trùng rất nguy hiểm, nhìn sơ qua sẽ khó nhận diện, vì chúng siêu siêu nhỏ lại bám vào phần thịt của khoang mai, chỉ khi quan sát kỹ mới có thể thấy qua lỗ thoát ở gốc càng cua.

Sacculina sp. tìm nơi ẩn mình trên cơ thể một con cua rồi xâm nhập vào bên trong bằng cách tìm một kẽ hở nằm giữa tiếp điểm của những chiếc càng. Sau khi xé được lớp vỏ cứng bên ngoài, chúng bấu chặt mình vào cơ thể vật chủ. Đột nhập được vào bên trong, Sacculina sp. chỉ việc “ăn và đẻ”. Đến khi trưởng thành, Sacculina sp. trông như một trái trứng mềm, nhún nhảy trên cơ thể con cua.

Bệnh teo cơ ở cua biển: Nguyên nhân và cách điều trị bệnh
Hình thái bụng và gonopod – chân giao cấu (mũi tên màu đỏ) của cua đực bình thường (a & d) và ởcua đực bị nhiễm ký sinh trùng và biến đổi giới tính mà không có externa (b & e) và bị nhiễm với externa (c & f). Externa được đánh dấu bằng một mũi tên màu đen.
Bệnh teo cơ ở cua biển: Nguyên nhân và cách điều trị bệnh
Hình thái bụng và pleopod (mũi tên màu đỏ) của cua cái bình thường (a & d), cua bị nhiễm ký sinh trùng mà không có externa (b & e) và cua nhiễm ký sinh trùng với túi externa (c & f). Externa được đánh dấu bằng một mũi tên màu đen.

Triệu chứng:

  • Cua hoạt động chậm chạp.
  • Màu sắc nhợt nhạt (hồng).
  • Mai cua bị đóng rong, bám bẩn, bắt cua lên tách ra trong mang, xoang thân có ký sinh trùng bám.
  • Cua có thể sống 2-3 ngày nhưng chất lượng thịt cua giảm (bị ộp).

Cách điều trị bệnh teo cơ ở cua biển

Bệnh teo cơ do ký sinh trùng giáp xác chân tơ gây ra khó phát hiện nếu trước đó người nuôi không có kinh nghiệm. Do đó bà con cần chú ý theo dõi cua thường xuyên để kịp thời xử lý điều trị, giảm thiệt hại vụ nuôi.

Để điều trị bệnh teo cơ ở cua biển, bà con tiến hành giảm độ mặn dưới 1‰ ֵhoặc chuyển cua qua nước ngọt, tắm cua trong dung dịch formalin 20-30ppm trong 20-30 phút hoặc dung dịch CuSO4 8ppm hoặc KMnO4 20ppm trong 10-20 phút hoặc phun xuống ao 0,7ppm hỗn hợp CuSO4 và FeSO4 tỷ lệ 5:2.

Cách phòng bệnh teo cơ ở cua biển

Nhằm đảm bảo cua biển phát triển tốt, ít có nguy cơ nhiễm bệnh teo cơ nói riêng và bệnh do ký sinh trùng nói chung thì bà con cần ưu tiên các phương pháp phòng bệnh lên hàng đầu.

  • Sát trùng ao: Lựa chọn giống tốt, đảm bảo chất lượng, cua khỏe mạnh, không nhiễm bệnh. Bên cạnh cải tạo kỹ thì trước khi thả giống cần tiến hành sát trùng ao bằng chlorin 10 ppm hoặc 100 ppm formalin và loại bỏ lớp bùn đáy trước khi thả giống. Có thể thả cá rô phi để chúng sử dụng ký sinh trùng này làm thức ăn.
  • Giữ môi trường nước trong sạch cho cua: Môi trường ô nhiễm cua dễ vi trùng (virus) tấn công gây bệnh như: bệnh đốm đen, đốm nâu, đen mang, đóng rong, ký sinh trùng,… Bà con chú ý thay nước định kỳ, diệt khuẩn, sử dụng vôi để ổn định các yếu tố môi trường. Kết hợp sử dụng vi sinh để loại bỏ chất thải, làm sạch đáy ao, giữ môi trường nước nuôi cua sạch, giảm thiểu các mầm bệnh.
  • Cho ăn đúng cách: Để phòng các mầm bệnh có trong thức ăn, nhất là thức ăn tươi sống người nuôi cần chú ý khử trùng thức ăn trước. Cho cua ăn đủ về số lượng, tránh cho ăn nhiều, ưu tiên đảm bảo yếu tố dinh dưỡng, nên bổ sung thêm vitamin C, khoáng chất suốt quá trình nuôi để tăng cường sức đề kháng và khả năng tăng trưởng của cua.

Mầm bệnh phổ biến trên cua biển gồm nấm, động vật nguyên sinh, vi khuẩn, virus, chúng xuất hiện ở hầu hết các giai đoạn từ trứng, ấu trùng, cua con và cua thương phẩm dù là nuôi ương hay tự nhiên. Do đó, không riêng bệnh teo cơ, bà con nuôi cua cần đặc biệt chú ý chủ động có phương án phòng ngừa mầm bệnh ngay từ ban đầu.

>>> Xem thêm: Kinh nghiệm nuôi cua biển trong hộp thành công

Chịu trách nhiệm nội dung

Phó Giám Đốc - Đồng Thị Tú Anh

Chữ ký