Thiếu nước sạch ở Việt Nam: Vấn đề đáng lo ngại hiện nay

Thiếu nước sạch ở Việt Nam: Vấn đề đáng lo ngại hiện nay

Mặc dù sở hữu một mạng lưới sông ngòi dày đặc nhưng có một nghịch lý là Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch nghiêm trọng.

Thực trạng thiếu nước sạch tại Việt Nam

Không còn là câu chuyện của thế giới, Việt Nam đang phải đối diện với tình trạng thiếu nước sạch ngày một nghiêm trọng. Theo thống kê mới nhất, có khoảng 31 triệu người dân nông thôn chưa được tiếp cận nước sạch đạt chuẩn. Hàng năm, tại Việt Nam có khoảng 20.000 ca tử vong do điều kiện vệ sinh không đảm bảo, 9.000 người tử vong do nguồn nước bị ô nhiễm.

Tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch chỉ đạt lần lượt là 70% và 82% (số liệu năm 2020 của Tổng cục Thống kê). Ở TP. Hồ Chí Minh việc đảm bảo cung ứng nước sạch cho người dân cũng đang đối mặt với rất nhiều thách thức, nổi bật là tình hình xâm nhập mặn phức tạp.

Tại khu vực ĐBSCL, đầu mùa khô 2024 đã xảy ra 2 đợt xâm nhập mặn tăng cao khiến hàng ngàn hộ dân thiếu nước sạch để sử dụng, cây trồng không có nước để tưới tiêu. Hiện có hơn 50.000 hộ dân đang thiếu nước sạch và phải sử dụng các giải pháp khác nhau để đảm bảo có nước sinh hoạt.

Người dân huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) đến các xe chở nước sạch miễn phí cung cấp cho bà con.
Người dân huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) đến các xe chở nước sạch miễn phí cung cấp cho bà con.

Ở thủ đô Hà Nội, tình trạng thiếu nước sạch vào mùa hè những năm gần đây cũng diễn ra nghiêm trọng không kém khiến hàng ngàn hộ dân khốn khổ.

Nguyên nhân dẫn đến thiếu nước sạch ở Việt Nam

Việt Nam sở hữu một mạng lưới sông ngòi dày đặc với hơn 2.360 con sông có chiều dài trên 10km. Là quốc gia nằm trong top có trữ lượng nước tự nhiên nhiều nhất thế giới thế nhưng theo thống kê của Hội Tài nguyên nước Quốc tế, nước ta vẫn nằm trong nhóm quốc gia thiếu nước sạch.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này bắt nguồn từ cả yếu tố tự nhiên và con người, trong đó chủ yếu do tác động của con người.

Biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu dẫn đến hạn hán, xâm nhập mặn, sự bốc hơi nước tăng cao, làm giảm lượng nước ngọt trên Trái Đất. Hiện tượng nóng lên toàn cũng ảnh hưởng đến chu trình nước, mưa ít, nước khan hiếm.

Hiệu ứng nhà kính làm băng tan 2 cực nhanh, đẩy mực nước biển dâng cao xâm lấn đất liền, ảnh hưởng dòng nước ngầm các khu vực ven biển, dẫn đến xâm nhập mặn nghiêm trọng, thiếu nước sạch. Xem thêm: Thực trạng phát thải khí nhà kính tại Việt Nam trong 2024>>>

Hoạt động gây ô nhiễm nguồn nước

Các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt của con người thải ra lượng lớn chất thải, hoá chất độc hại xâm nhập vào nguồn nước gây ô nhiễm nặng nề. Đặc biệt rất nhiều nguồn nước thải chưa qua xử lý từ các nhà máy là nguyên nhân chính gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước.

Nước thải từ các nhà máy chưa xử lý xả thải ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước.
Nước thải từ các nhà máy chưa xử lý xả thải ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước.

Hoạt động phá rừng

Rừng đóng vai trò như vòi nước ngầm tự nhiên, điều hoà lượng nước, giảm dòng chảy và chuyển nước thành nước ngầm. Tuy nhiên hiện nay rừng bị tàn phá bởi bàn tay con người gây ra các hậu quả nghiêm trọng bao gồm biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính làm trái đất ấm dần lên, hạn hán, nước biển dâng cao,…

Lãng phí trong sử dụng tài nguyên nước

Lãng phí nước trong sinh hoạt hằng ngày, hoạt động tưới tiêu cho đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh khiến tình trạng khan hiếm nước sạch càng trở nên nghiêm trọng. Việc khai thác nước ngầm quá mức cũng góp phần làm cạn kiệt nguồn nước này.

Tác động tiêu cực của việc thiếu nước sạch

Tình trạng thiếu nước sạch không chỉ cản trở sinh hoạt hằng ngày mà trên hết là gây ra những vấn đề sức khỏe, đe dọa sự sống, sâu xa hơn là cản trở sự phát triển của con người và xã hội.

  • Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có khoảng 9.000 người tử vong do sử dụng nguồn nước ô nhiễm và điều kiện vệ sinh kém.
  • Số ca mắc các bệnh liên quan đến nguồn nước như tiêu chảy, ung thư, viêm nhiễm ở phụ nữ tăng cao. Năm 2020, cả nước ghi nhận gần 250.000 ca tiêu chảy cấp phải nhập viện (số liệu của Cục Y tế Dự phòng).
  • Thiếu nước sạch cho tưới tiêu và xâm nhập mặn gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp. Năm 2020, ngành nông nghiệp Việt Nam chịu thiệt hại khoảng 13.000 tỷ đồng do hạn hán và xâm nhập mặn (theo ước tính của Bộ NN&PTNT).
Nguồn nước ô nhiễm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ con người
Nguồn nước ô nhiễm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ con người

Giải pháp để giảm thiểu tình trạng thiếu nước sạch ở Việt Nam

Để giải quyết tình trạng thiếu nước sạch, đòi hỏi sự chung tay nỗ lực từ mỗi cá nhân đến các cơ quan, cộng đồng, quốc gia. Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng, nâng cao nhận thức và ý thức bảo vệ nguồn nước của cộng đồng, đến tăng cường công tác quản lý, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ nguồn nước

Để giảm thiểu tình trạng thiếu nước sạch, trước hết cần đẩy mạnh vai trò của hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung và nguồn nước nói riêng. Yêu cầu bắt buộc các nhà máy sản xuất phải xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường. Siết chặt và áp đặt hình phạt nghiêm minh đối với các hành vi gây ô nhiễm nguồn nước. Xem thêm: Tổng hợp 10 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về xử lý nước thải>>>

Sử dụng tài nguyên nước hợp lý và hiệu quả

Tích cực tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức tiết kiệm nước trong sinh hoạt và sản xuất đến người dân, doanh nghiệp. Tăng cường kiểm tra định kỳ hệ thống đường ống nước để kịp thời phát hiện và sửa chữa rò rỉ.

Tích cực tiết kiệm nước trong sản xuất công nghiệp

Chú ý quản lý lượng nước đầu vào, sử dụng công nghệ tiên tiến. Ưu tiên áp dụng các phương pháp tưới nước tiết kiệm cho cây trồng trong nông nghiệp như tưới phun sương, tưới màng sương. Xử lý nước thải và tái sử dụng nước một cách hiệu quả, thiết kế các công trình tiết kiệm nước như bồn rửa tích hợp toilet để tận dụng nước thải.

Trồng rừng để bảo vệ nguồn nước

Tăng cường trồng rừng để gia tăng độ che phủ rừng, bảo vệ và phát triển các khu vực rừng đầu nguồn. Nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò quan trọng của rừng trong việc bảo vệ nguồn nước.

Phát triển khoa học kỹ thuật

Nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ tiên tiến để khai thác, sử dụng và quản lý nguồn nước hiệu quả hơn. Phát triển các hệ thống xử lý nước thải hiện đại, thân thiện với môi trường. Áp dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật để dự báo và phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn.

Hợp tác quốc tế

Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quản lý và sử dụng nguồn nước bền vững. Chia sẻ nguồn nước một cách hợp lý và công bằng giữa các quốc gia, chung tay giải quyết các vấn đề liên quan đến nguồn nước xuyên quốc gia.

Bảo vệ nguồn nước là trách nhiệm của mỗi cá nhân. Mỗi người cần có ý thức sử dụng tài nguyên nước hợp lý, nâng cao tinh thần tiết kiệm nguồn nước. Đó chính là chìa khóa quan trọng để giảm thiểu các tác động tiêu cực của tình trạng thiếu nước sạch.

>>> Xem thêm: Xu hướng xử lý nước thải không dùng hóa chất