Tìm hiểu về công nghệ Biofloc trong nuôi tôm

Tìm hiểu về công nghệ Biofloc trong nuôi tôm

Công nghệ Biofloc không còn là khái niệm xa lạ, dù mới du nhập vào nước ta nhưng đã đem lại thành công tại nhiều mô hình nuôi trồng thuỷ sản và ngành nuôi tôm nói riêng, nổi bật là ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Bài viết này, cùng BIOGENCY tìm hiểu chi tiết hơn về công nghệ Biofloc trong nuôi tôm.

Công nghệ Biofloc trong nuôi tôm là gì?

Công nghệ Biofloc (viết tắt là BFT) là quá trình tự Nitrat hóa trong ao nuôi tôm không cần thay nước. Được khởi xướng bởi Giáo sư Yoram Avnimelech người Israel, dựa trên nền tảng thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn dị dưỡng bằng cách bổ sung nguồn Cacbon bên ngoài như mật rỉ đường vào ao nuôi trong điều kiện không thay nước. Vi khuẩn dị dưỡng sẽ chuyển hóa các chất hữu cơ dư thừa trong ao nuôi thành sinh khối cơ thể của chúng giúp hạn chế tối đa được việc thay nước và làm giảm lượng nước thải phát sinh.

Nguyên lý hoạt động của công nghệ Biofloc.
Nguyên lý hoạt động của công nghệ Biofloc.

Lợi ích khi ứng dụng công nghệ Biofloc trong nuôi tôm

Công nghệ Biofloc có hai vai trò quan trọng khi ứng dụng vào nuôi trồng thuỷ sản nói chung và nuôi tôm nói riêng đó là xử lý chất thải hữu cơ và là nguồn dinh dưỡng tốt cho tôm sử dụng.

Xử lý chất thải hữu cơ

Công nghệ Biofloc loại bỏ các chất đạm từ thức ăn dư thừa, phân tôm bằng cách hình thành các khối cặn bông kết dính với nhau lơ lửng trong nước. Cơ chế này giúp làm sạch nước, giảm hàm lượng chất ô nhiễm trong ao, góp phần kiểm soát tốt chất lượng nước.

Trong nuôi tôm, việc kiểm soát chất lượng nước đóng vai trò to lớn, quyết định thành bại của vụ nuôi. Nước tốt giúp tôm sinh trưởng, phát triển khoẻ mạnh, chất lượng và năng suất vượt trội, giảm nguy cơ vi khuẩn gây bệnh tấn công, lây lan dịch bệnh, lây nhiễm chéo giữa các ao tại khu vực khi có dịch bệnh.

Mặt khác, khi không cần thay nước sẽ giúp giảm chi phí nuôi tôm như thay nước, xi phông đáy ao, thức ăn, tiết kiệm nước, điện năng, chi phí vận hành, nhân công,… Giảm lượng nước thải phát sinh cũng góp phần bảo vệ môi trường, tăng tính bền vững của ngành nuôi tôm.

Ao nuôi tôm theo mô hình Biofloc.
Ao nuôi tôm theo mô hình Biofloc.

Nguồn dinh dưỡng tốt cho tôm

Biofloc là một hỗn hợp của tảo, vi khuẩn, nguyên sinh động vật (protozoans) và các hạt vật chất hữu cơ như phân tôm cá và các mảnh vụn thức ăn. Mỗi hạt floc được gắn kết lại với nhau trong một ma trận lỏng lẻo bởi các chất nhờn được tiết ra từ vi khuẩn, chúng bị ràng buộc bởi các vi sinh vật dạng sợi, hoặc do lực hút tĩnh điện. Cộng đồng vi sinh trên biofloc cũng bao gồm các động vật phù du và giun tròn.

Tôm là loài có những đặc điểm sinh lý học phù hợp cho phép chúng tiêu hóa protein từ vi khuẩn và sử dụng các hạt Biofloc như là một nguồn thức ăn.

Lưu ý khi ứng dụng công nghệ Biofloc trong nuôi tôm

Ứng dụng công nghệ Biofloc là giải pháp nuôi tôm an toàn sinh học, giảm thiểu mầm bệnh, góp phần phát triển ngành tôm bền vững. Tuy nhiên, để ứng dụng hiệu quả, đòi hỏi bà con cần nắm rõ nguyên lý, các lưu ý quan trọng sau:

  • Công nghệ Biofloc hoạt động dựa trên nguyên lý vi khuẩn dị dưỡng ăn vật chất hữu cơ nên vi khuẩn sẽ tiêu thụ năng lượng và hàm lượng oxy hòa tan để phát triển do đó công nghệ này cần phải được sục khí liên tục 24 giờ/ngày.
  • Vị trí đặt quạt nước phải hợp lý để đảm bảo được khả năng tạo khối vi khuẩn. Mục đích của việc quạt nước là giữ các hạt lơ lửng trong nước.
  • Duy trì việc kiểm soát hàm lượng Carbon, Nitơ trong ao nuôi, đồng thời bổ sung thêm mật rỉ đường, tinh bột ép viên cho tôm.
  • Ao nuôi áp dụng công nghệ này cần phải được lót bạt và hạn chế sự trao đổi nước nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh giữa các ao.
  • Oxy hòa tan (DO) Trên 4,0 mg L-1 (lý tưởng) và ít nhất 60% độ bão hòa.
  • Nhiệt độ 28–30 ° (lý tưởng cho các loài nhiệt đới).
  • pH 6.8–8.0 Các giá trị nhỏ hơn 7.0 là bình thường trong BFT nhưng ảnh hưởng đến quá trình Nitrat hóa.
  • Độ mặn thích hợp cho từng loài nuôi.
  • Mật độ thả cao với 130-150 PL10/m2.

Bên cạnh đó, công nghệ Biofloc vẫn có mặt hạn chế về mặt vận hành khá phức tạp, kiểm soát floc hơi khó (ít quá không đạt hiệu suất xử lý, nếu nhiều quá dễ bị dính vào mang tôm), nhiều trường hợp bị sụp floc. Do đó, đòi hỏi nhà vận hành theo dõi sát sao đảm bảo tỷ lệ C:N = 20:1. Mặt khác, nếu không kiểm soát tốt công nghệ Biofloc dễ tạo điều kiện cho sự phát triển của tảo sợi hoặc vi khuẩn vibrio.

Nuôi tôm bền vững là xu hướng phát triển ngành tôm.
Nuôi tôm bền vững là xu hướng phát triển ngành tôm.

Nhìn chung, cũng giống như các công nghệ khác, công nghệ Biofloc cũng có ưu điểm và hạn chế cần khắc phục. Tuy nhiên không thể phủ nhận các mô hình kết hợp công nghệ giúp nuôi tôm bền vững, an toàn sinh học, thân thiện môi trường sẽ là xu hướng phát triển bắt buộc của ngành tôm nói riêng và thuỷ sản nói chung trong tương lai.

Giải pháp sinh học BIOGENCY cũng hướng đến việc giúp bà con nuôi tôm theo mô hình ít thay nước, giảm thiểu dịch bệnh và giúp tôm về size lớn với chất lượng thịt tốt hơn. Bà con quan tâm hãy liên hệ ngay cho BIOGENCY qua HOTLINE 0909 538 514, chúng tôi sẽ hỗ trợ nhanh nhất!

>>> Xem thêm: Kiểm soát Amoni và Nitrit khi ương tôm thẻ theo công nghệ Biofloc