Bên cạnh những lợi ích kinh tế to lớn mà nghề nuôi tôm mang lại, bà con chăn nuôi tôm cũng đứng trước nhiều thách thức lớn về tình hình dịch bệnh. Theo các kết quả nghiên cứu và thống kê cho thấy, bệnh IHHNV là bệnh có thể gặp ở tất cả các vùng nuôi và gây ra thiệt hại kinh tế lớn cho người nuôi. Bà con nuôi tôm cần lưu ý đến các dấu hiệu bệnh lý và tác nhân gây bệnh để ngăn ngừa và xử lý bệnh IHHNV trên tôm, nhằm giảm thiểu thiệt hại tối đa và đảm bảo cho mùa vụ của mình. Bài viết hôm nay Biogency sẽ đi sâu vào chi tiết về bệnh IHHNV trên tôm và phương án xử lý bệnh hiệu quả.
IHHNV là tên loại virus làm hoại tử cơ quan tạo máu và lập biểu mô của tôm (hypothermal and hematopoietic necrosis virus, IHHNV). Đây được coi là tác nhân gây bệnh nguy hiểm nhất trên tôm thẻ chân trắng. IHHNV lần đầu tiên được phát hiện tại Hawaii vào năm 1981, nó từng gây ra cảnh tôm Penaeus stylirostris thi nhau chết hàng loạt.
Các nội dung chính
Nguyên nhân gây ra bệnh IHHNV
Các nghiên cứu đã chỉ ra được tác nhân gây bệnh IHHNV – bệnh hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu là giống Parvovirus. Đây là loại virus ký sinh trong nhân tế bào tuyến anten, tế bào hệ bạch huyết, tế bào mang, tế bào dây thần kinh, chúng không có thể ẩn mà có thể vùi, có khả năng làm hoại tử và sưng to nhân của vật chủ.
Triệu chứng và khả năng lây lan của bệnh IHHNV
Triệu chứng tôm bệnh IHHNV
Tôm nhiễm bệnh IHHNV thường có các triệu chứng dễ nhận thấy như sau:
- Hôn mê
- Hoạt động yếu
- Chủy biến dạng
Đối với tôm sú (Penaeus monodon): tôm khi bị bệnh đến lúc sắp chết thường sẽ chuyển thành màu xanh, cơ bụng màu đục. Ấu trùng và hậu ấu trùng tôm sú có thể đã nhiễm virus nhưng bệnh không xảy ra, mà đến giai đoạn postlarvae 35 thì dấu hiệu chính của bệnh mới thể hiện, lúc này sẽ kèm theo tỷ lệ chết cực kỳ cao.
Đối với tôm thẻ chân trắng (Penaeus vannamei): khi tôm nhiễm bệnh sẽ thể hiện rõ hội chứng dị hình còi cọc, tôm giống chủy biến dạng, sợi anten cong xoăn, vỏ kitin xù xì hoặc biến dạng. Tôm bỏ ăn, phân đàn cao. Hệ số còi cọc trong đàn tôm giống thẻ chân trắng mắc bệnh IHHNV rơi vào khoảng 10 – 30%, khi bệnh nặng hơn thì hệ số còi cọc có thể lớn tới 30- 50%.
Khả năng lây lan bệnh IHHNV trong đàn tôm
Bệnh IHHNV được ghi nhận là có khả năng lan truyền theo cả chiều dọc và chiều ngang.
Trong quần thể đàn tôm nhiễm bị IHHNV, những con tôm đã mắc bệnh nhưng vẫn sống sót sẽ mang theo virus suốt cuộc đời. Sau khi tham gia sinh sản, chúng sẽ truyền virus cho thế hệ con (lây truyền theo chiều dọc). Ngoài ra, khi những con tôm khỏe ăn con bệnh sẽ càng làm bệnh này lây lan cực kỳ nhanh trong quần thể đàn tôm nuôi (lây nhiễm theo chiều ngang).
Những phương án xử lý bệnh IHHNV trên tôm
Những loại bệnh do virus thường không có thuốc đặc trị. IHHNV là bệnh do giống Parvovirus gây ra nên hiện nay cũng chưa có thuốc đặc hiệu chữa trị triệt để. Vì vậy phương án xử lý, khắc phục bệnh là định hướng chính để quản lý bệnh IHHNV trong thực tế sản xuất. Dưới đây là những giải pháp có thể khắc phục bệnh IHHNV trong thực tế:
- Chỉ nên lựa chọn dùng tôm mẹ không nhiễm virus để tham gia quá trình sinh sản nhân tạo trong các trại tôm giống (tham khảo cách chọn tôm giống khỏe mạnh)
- Sử dụng kỹ thuật PCR để chọn ra những đàn tôm giống không nhiễm IHHNV.
- Có thể áp dụng kỹ thuật sốc postlarvae bằng formol (150 – 200 ppm) (2ml formol pha vào 10 lít nước ao) trong thời gian 30 phút, sau đó sục khí mạnh để loại bỏ những con postlarvae yếu và mang mầm bệnh trong người trước khi thả tôm giống xuống ao nuôi thương phẩm.
- Chuẩn bị kỹ công tác tẩy rửa, vệ sinh trước và sau một vụ nuôi để loại trừ các virus tự do, đồng thời ngăn chặn sự xâm nhập của những cá thể sinh vật dễ mang virus (cua, còng, chim ăn cá).
- Đưa vào áp dụng hình thức nuôi tôm ít thay nước, tránh lấy nước trực tiếp từ biển để ngăn sự xâm nhập của virus vào ao, duy trì các yếu tố liên quan môi trường ở mức ổn định và phù hợp với ao nuôi.
- Trong ao chứa nước, có thể dùng KMnO4, Chlorine để tiêu diệt các sinh vật mang mầm bệnh và làm mất đi khả năng cảm nhiễm của virus tự do trong nước
- Tùy theo đặc tính của từng địa phương mà lựa chọn vụ nuôi phù hợp, giải pháp đơn giản mà hiệu quả để khắc phục bệnh trong thực tiễn sản xuất chính là tránh mùa mà bệnh thường xuất hiện.
- Ngoài ra, kiểm soát chất lượng nước và giữ cho môi trường ao nuôi luôn thích hợp, ổn định là phương pháp trọng yếu và có hiệu quả.
- Nếu bệnh đã diễn ra trong ao nuôi, cần dùng thuốc sát trùng với nồng độ cao (chlorine > 70 ppm) để diệt virus và sinh vật mang virus trước khi thả ra môi trường bên ngoài, việc này nhằm giảm thiểu sự lây lan dịch bệnh trên diện rộng.
Bệnh IHHNV trên tôm là bệnh không mới, thậm chí thường gặp nhưng phương pháp đặc trị tối ưu thì ở thời điểm hiện tại vẫn chưa tìm ra. Vì vậy bà con cần lưu ý thật kỹ những phương án xử lý nhằm khắc phục bệnh trong khả năng cho phép, bởi vì đây là giải pháp hiệu quả nhất giúp bà con quản lý được tình hình bệnh IHHNV trên tôm nuôi ở hiện tại.
Với những thông tin về bệnh IHHNV trên tôm và phương án xử lý bệnh mà Biogency cung cấp bên trên, chúng tôi tin rằng đã giải đáp được phần lớn những thắc mắc, băn khoăn của bà con trong công tác chăn nuôi tôm. Hy vọng bà con sẽ ứng dụng thành công những phương án xử lý này và có một mùa vụ ổn định, thành công. Mọi thông tin cần tư vấn, hỗ trợ bà con có thể liên hệ trực tiếp với Biogency qua Hotline 0909 538 514.
Chịu trách nhiệm nội dung
Phó Giám Đốc - Đồng Thị Tú Anh