Đặc điểm sinh học và tập tính của cá chẽm (cá vược)

Đặc điểm sinh học và tập tính của cá chẽm (cá vược)

Cá chẽm là giống cá được nuôi tại nhiều địa phương, mang lại giá trị kinh tế cao do nhu cầu tiêu thụ tốt cả ở trong nước và xuất khẩu. Để nuôi cá đạt hiệu quả về sản lượng và chất lượng, việc hiểu các đặc điểm sinh học và tập tính của loài cá này là rất cần thiết. Để biết chi tiết, bà con hãy cùng BIOGENCY xem ngay bài viết dưới đây nhé!

Thông tin về cá chẽm

Cá chẽm (hay còn được gọi là cá vược) có tên khoa học là Lates Calcarifer, thuộc lớp Osteichthyes, bộ Perciformes, họ Serranidae, giống Lates. Đây là giống cá tương đối dễ nuôi, phát triển nhanh, ít bệnh tật, được nhiều bà con nuôi trồng, giúp mang lại nguồn lợi nhuận kinh tế tốt.

Loài cá này có thể sống ở cả môi trường nước mặn và nước ngọt. Ngoài tự nhiên, cá phân bố chủ yếu ở Ấn Độ Dương – Tây Thái Bình Dương, trải dài trên các vùng biển Trung Đông, Nam Á, Đông Á, Đông Nam Á và Châu Đại Dương. Ở nước ta, cá chẽm thường sống ở vùng biển, cửa sông, kênh rạch thuộc khu vực Tây Nam Bộ và Đồng Bằng Bắc Bộ.

Đặc điểm sinh học và tập tính của cá chẽm (cá vược)
Cá chẽm sống ở vùng biển, cửa sông thuộc khu vực Tây Nam Bộ và Đồng Bằng Bắc Bộ nước ta.

Đặc điểm sinh học của cá chẽm

Về đặc điểm cơ thể, cá có thân hình thon dài và dẹt hai bên, cuống đuôi cá khuyết sâu, phần lưng hơi gồ cao, bắp đuôi ngắn. Đầu cá thuôn dài, nhọn về phía đầu, phần miệng cá rộng và hơi lệch với hàm trên kéo dài đến sau hốc mắt. Răng cá nhọn, khỏe, có dạng nhung, không có răng nanh. Xương nắp mang chính của cá có gai cứng. Thân cá phủ vảy lược nhỏ và có hai vây lưng tách rời.

Đặc điểm sinh học và tập tính của cá chẽm (cá vược)
Cá chẽm có thân hình thon dài và dẹt hai bên, lưng gồ cao, bắp đuôi khá ngắn.

Trong tình trạng khỏe mạnh, mặt lưng của cá sẽ có màu nâu. Màu sắc phần hai bên thân và bụng cá có thể thay đổi tùy theo môi trường sống. Nếu cá sống trong nước biển, hai bên thân và bụng cá sẽ có màu bạc. Khi sống ở môi trường nước ngọt, thân và bụng cá có màu nâu vàng. Đối với cá chẽm trưởng thành, lưng cá chuyển sang màu xanh lục hoặc vàng nhạt, bụng có màu vàng bạc.

Đặc điểm sinh học và tập tính của cá chẽm (cá vược)
Cá chẽm khỏe mạnh thường có mặt lưng màu nâu

Đặc điểm giới tính của loài cá này khá đặc biệt. Cá có thể thay đổi giới tính từ cá đực thành cá cái sau lần sinh sản đầu tiên, được gọi là cá chẽm thứ cấp. Trong khi đó, cá cái phát triển trực tiếp từ trứng được gọi là cá cái sơ cấp. Do đó, cá trong giai đoạn trưởng thành có cân nặng từ 1.5 – 2kg phần lớn cá là đực, đến khi đạt từ 4 – 6 kg thì phần lớn là cá cái.

Để phân biệt giới tính của giống cá này, bà con có thể dựa vào một số đặc điểm khác biệt ở phần mõm cá và kích thước thân cá. Cá đực có phần mõm hơi cong, trong khi đó, mõm cá cái thẳng. Đồng thời, thân của cá đực thon và dài hơn cá cái. Về kích thước, ở cùng một độ tuổi, cá cái thường có kích thước lớn hơn so với cá đực. Ngoài ra, bụng cá cái cũng lớn hơn cá đực khi vào mùa sinh sản.

Đặc điểm sinh học và tập tính của cá chẽm (cá vược)
Cá đực có phần mõm hơi cong, trong khi đó, cá cái có phần mõm thẳng

Tập tính của cá chẽm

Cá chẽm là loài cá có tính cách khá hung dữ, đặc biệt là khi săn mồi. Loại cá này có thể bắt con mồi là các loại động vật dưới nước có kích cỡ bằng với cơ thể. Trong giai đoạn còn nhỏ, thức ăn của loài cá này thường là các loài thực vật phù du trôi nổi trong nước (20%) và các loại cá, tôm nhỏ (80%). Khi phát triển đến kích thước trên 20cm, cá chỉ ăn thức ăn là động vật, bao gồm các loài giáp xác chiếm khoảng 70% và cá nhỏ chiếm 30%.

Đặc điểm sinh học và tập tính của cá chẽm (cá vược)
Cá chẽm có kích thước lớn sẽ cho ra nhiều trứng hơn so với cá nhỏ

Loài cá chẽm có tính di cư xuôi dòng, tức là cá trưởng thành ở vùng nước ngọt và di cư vào vùng nước mặn để sinh sản. Giống cá này trải qua phần lớn thời gian sinh trưởng (khoảng từ 2-3 năm) trong các khu vực nước ngọt như sông, hồ. Khi vào giai đoạn trưởng thành (khoảng từ 3 – 4 năm tuổi), cá sẽ di cư từ vùng nước ngọt ra vùng cửa sông, ven biển có độ mặn thích hợp từ 30 – 32% để sinh sản.

Khả năng sinh sản của cá phụ thuộc vào kích thước và trọng lượng cơ thể. Một con cá cái có trọng lượng từ 5.5 – 11kg sẽ cho ra 400.000 trứng/kg cá. Cá có kích thước lớn hơn, từ 12 – 22kg có thể đẻ từ 600.000 – 700.000 trứng/ kg cá. Khi sinh sản, cá đực và cá cái sẽ tách đàn rồi ghép cặp để thụ tinh cho trứng.

Đặc điểm sinh học và tập tính của cá chẽm (cá vược)
Cá chẽm có kích thước lớn sẽ cho ra nhiều trứng hơn so với cá nhỏ

Loài cá này cho trứng thành nhiều đợt theo chu kỳ trăng. Cá cái thường đẻ vào lúc khởi đầu của tuần trăng hoặc khi trăng tròn, từ 6 đến 8 giờ tối đồng thời với thủy triều lên. Việc đẻ trứng vào thời điểm này giúp trứng và ấu trùng dễ dàng trôi vào vùng cửa sông. Sau đó, ấu trùng cá sẽ tiếp tục phát triển và di chuyển ngược dòng đến vùng nước ngọt đến khi trưởng thành.

Trứng cá sau khi thụ tinh từ 30 – 40 phút sẽ bắt đầu phân cắt. Sự phân chia tế bào này tiếp tục diễn ra từ 15 – 20 phút/lần và trong vòng 3 giờ, trứng cá phát triển thế bào phôi. Tim phôi của cá bắt đầu hoạt động sau khoảng 15 giờ. Sau 18 giờ tính từ lúc thụ tinh, trứng cá sẽ nở nếu ở trong điều kiện môi trường nước phù hợp với nhiệt độ từ 28 – 30 độ C và độ mặn từ 30 – 32%.

Đặc điểm sinh học và tập tính của cá chẽm (cá vược)
Cá chẽm tiếp tục bơi ra biển sau khi trưởng thành để tiếp tục sinh sản

Trên đây tổng hợp cho bà con thông tin về đặc điểm sinh học và các tập tính phát triển, di cư, sinh sản của cá chẽm. Hy vọng thông qua bài viết này, bà con đã hiểu thêm về các đặc tính quan trọng của giống cá này. Ngoài ra, nếu muốn biết thêm kinh nghiệm nuôi trồng các loại thủy hải sản khác giúp mang lại hiệu quả kinh tế, bà con hãy xem thêm các bài viết của BIOGENCY, hoặc liên hệ qua số hotline 0909 538 514 nhé!

>>> Xem thêm: Phòng và trị một số bệnh thường gặp khi nuôi cá chẽm

Chịu trách nhiệm nội dung

Phó Giám Đốc - Đồng Thị Tú Anh

Chữ ký