Để đảm bảo mùa vụ thành công, việc trang bị đầy đủ dụng cụ và thiết bị nuôi tôm là yếu tố không thể thiếu. Mỗi dụng cụ/thiết bị đều có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát môi trường nuôi và đảm bảo sức khỏe cho tôm. Dưới đây là danh sách các thiết bị nuôi tôm cần thiết mà bà con cần lưu ý trang bị trước khi bắt đầu vụ nuôi. Cùng Biogency tìm hiểu ngay nhé!
Các nội dung chính
Quạt nước
Quạt nước được sử dụng trong ao nuôi tôm để xáo trộn và làm luân chuyển nước, từ đó giúp cân bằng nhiệt độ và tăng cường lượng oxy trong nước. Ngoài ra, thiết bị này còn hỗ trợ giảm thiểu khí độc và phân tán chất thải, xác tôm vào trung tâm ao. Nhờ đó, bà con có thể hút bùn đáy một cách dễ dàng và không mất quá nhiều thời gian.
Một lợi ích tuyệt vời khác của quạt nước là khả năng phân bố đều vi sinh vật, thuốc và hóa chất khắp ao nuôi. Việc này góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và cải thiện sức khỏe tổng thể của tôm. Dựa vào diện tích ao và nhu cầu sử dụng, bà con có thể lựa chọn một trong ba loại quạt nước sau:
- Quạt nuôi tôm 2 cánh.
- Quạt nuôi tôm 4 cánh.
- Quạt dài.
>>> Xem thêm: Cách lắp máy quạt nước nuôi tôm
Sục khí
Máy sục khí được trang bị để bổ sung oxy hòa tan cho các mô hình nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh mật độ cao. Thiết bị không chỉ cung cấp oxy cần thiết cho sự phát triển của tôm mà còn giúp ngăn chặn tình trạng lắng đọng của bùn và chất thải. Từ đó, bà con có thể giảm nguy cơ tích tụ khí độc và vi khuẩn dưới đáy ao. Khi trang bị thiết bị sục khí cho ao, bà con hãy chọn một trong 3 loại sau:
- Máy sục khí kiểu cánh quạt: Loại này hoạt động dựa trên cơ chế guồng quay phun nước thành các hạt nhỏ để tăng diện tích tiếp xúc với không khí. Từ đó, máy sẽ tạo dòng chảy liên tục trong ao và làm tăng hàm lượng oxy trong nước.
- Máy sục khí bơm (thổi khí): Máy hoạt động bằng cách bơm không khí vào cột nước theo chiều dọc, giúp lưu thông nước và oxy hòa tan một cách hiệu quả. Tuy nhiên, máy sục khí bơm không hỗ trợ tạo dòng chảy hay thu gom chất bẩn hiệu quả.
- Máy sục khí khuếch tán: Đây là loại máy sử dụng máy nén khí để phân tán không khí qua các lỗ nhỏ trên ống, tạo ra các bong bóng nhỏ giúp khuếch tán oxy. Nhược điểm của hệ thống này là hiệu quả kém ở ao nước nông và không thích hợp cho ao nuôi có quy mô lớn.
Máy phát điện dự phòng
Một trong những thiết bị nuôi tôm mà bà con cần đầu tư là máy phát điện dự phòng. Máy sẽ đảm bảo các thiết bị trong hệ thống nuôi tôm vẫn hoạt động bình thường khi có sự cố mất điện. Nhờ đó, bà con có thể duy trì hoạt động của hệ thống ao nuôi, giảm thiểu rủi ro tôm chết do thiếu oxy và nước không được lưu thông. Ngoài ra, máy phát điện còn giúp ao nuôi tôm chống chịu tốt hơn trước các tình huống thiên tai.
Dụng cụ đo chỉ tiêu nước nuôi tôm (pH, độ kiềm, nhiệt độ…)
Chất lượng nước ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh trưởng và tỷ lệ sống sót của tôm. Chính vì thế, bà con nên sử dụng dụng cụ đo để theo dõi và kiểm soát chỉ số oxy, pH, kH, NO2, NH3 của nước. Nếu phát hiện bất kỳ bất thường nào, người nuôi cần nhanh chóng can thiệp và điều chỉnh nhằm ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn và cải thiện tỷ lệ sống của tôm.
Máy cho ăn
Theo phản hồi từ các hộ nuôi tôm, chi phí thức ăn thường chiếm hơn một nửa tổng chi phí nuôi trồng. Do đó, việc trang bị máy cho tôm ăn tự động có thể tiết kiệm lượng thức ăn tiêu thụ và giảm chi phí so với phương pháp cho ăn thủ công.
Cụ thể, thiết bị nuôi tôm cho ăn tự động có khả năng chứa tới một bao thức ăn cho mỗi mẻ. Nhờ vậy, bà con có thể cho tôm ăn liên tục theo định lượng và thời gian đã cài đặt. Điều này giúp giảm chi phí lao động và nâng cao hiệu quả kinh doanh cho người nuôi.
Đồng thời, khả năng phun rải thức ăn của máy cũng rất đồng đều, với tầm phun có bán kính lên đến 15m. Chính vì thế, tôm nuôi sẽ dễ dàng tiếp cận thức ăn và ngăn ngừa tình trạng đồ ăn bị chìm xuống đáy.
Một số dụng cụ nuôi tôm
Bên cạnh các thiết bị nuôi tôm kể trên, bà con cũng cần trang bị thêm dụng cụ như nhá, phao nuôi, lưới, bạt để hỗ trợ quá trình nuôi tôm. Cùng tìm hiểu ngay sau đây nhé!
Nhá tôm
Nhá ăn là thiết bị được sử dụng để kiểm soát việc cho ăn quá mức trong các ao nuôi. Khi sử dụng, người nuôi có thể rải một lượng thức ăn vừa phải lên nhá và quan sát xem trong bao lâu thức ăn sẽ được tôm tiêu thụ hết. Phương pháp này giúp bà con xác định lượng thức ăn cần thiết hàng ngày, từ đó tối ưu hóa chi phí cho ăn.
>>> Xem thêm: Hướng dẫn canh nhá trong nuôi tôm thẻ chân trắng
Phao nuôi tôm
Phao nổi là thiết bị nuôi tôm mà bà con cần đầu tư cho ao nuôi của mình. Loại phao này rất tiện lợi, thường được dùng làm giá đỡ cho giàn quạt và máy cho ăn trong ao tôm. Hiện nay, phao nuôi tôm có hai loại phổ biến là phao dài và phao tròn. Nhờ thiết kế gọn nhẹ và được làm từ chất liệu nhựa PP cao cấp, bà con có thể dễ dàng vận chuyển và lắp đặt phao.
Lưới che nắng ao tôm
Lưới nuôi tôm là thiết bị dạng lưới được sử dụng để che nắng cho các ao, hồ nuôi tôm. Công dụng của lưới bao gồm việc giảm nhiệt độ trong ao tôm, hạn chế sự phát triển của tảo, cung cấp bóng mát nhưng vẫn đảm bảo đủ lượng ánh sáng cần thiết cho ao. Ngoài ra, lưới cũng giúp bảo vệ tôm khỏi tác hại của tia UV, ngăn ngừa rác thải rơi vào hồ và hạn chế tác động từ sự thay đổi thời tiết đột ngột.
Bạt
Bạt nuôi tôm dùng để lót đáy, lót bờ ao nuôi, giúp kiểm soát môi trường sống của tôm. Bạt được làm từ chất liệu nhựa cao cấp, có khả năng chống thấm nước và bền bỉ với điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Sử dụng bạt lót ao không chỉ giúp dễ dàng vệ sinh và thu gom chất thải mà còn góp phần ngăn ngừa sự phát triển của các mầm bệnh trong ao tôm.
Bài viết đã giới thiệu đến bà con danh sách các dụng cụ và thiết bị nuôi tôm cần trang bị cho ao nuôi. Mỗi loại sẽ có công dụng riêng và cần được lựa chọn cẩn thận để phù hợp với mô hình nuôi và quy mô ao tôm của từng hộ. Nếu bà con còn có thắc mắc nào khác thì hãy liên hệ Biogency qua Hotline 0909 538 514 nhé!
>>> Xem thêm: Biện pháp cải tạo đất nuôi tôm hiệu quả cao
Chịu trách nhiệm nội dung
Phó Giám Đốc - Đồng Thị Tú Anh