Môi trường là gì? Vì sao mỗi người cần phải ý thức rõ tầm quan trọng của môi trường, tích cực đẩy mạnh các hành động, biện pháp bảo vệ môi trường?
Môi trường là gì?
Hiện nay có rất nhiều văn bản quốc tế đưa ra định nghĩa về môi trường. Tuy vậy có thể hiểu môi trường là toàn bộ các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo bao quanh con người, bao gồm không gian, không khí, nước, đất, sinh vật và các yếu tố khác như ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm và các tác động từ hoạt động con người.
Theo chương trình phát triển UNEP của Liên Hợp Quốc khi xem xét các thảm họa thiên nhiên và các xung đột đưa ra định nghĩa: “Môi trường là tổng hòa tất cả các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến cuộc sống, phát triển và tồn tại của một tổ chức sinh vật. Môi trường liên quan tới các điều kiện vật lý ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên (khí hậu, địa chất, hiểm họa) và các dịch vụ hệ sinh thái chứa đựng chúng (như carbon, các vòng dinh dưỡng và thuỷ học)”.
Theo từ điển Oxford về sinh thái năm 2005 định nghĩa: “Môi trường là tổng hợp đủ các điều kiện bên ngoài, vật chất và sinh học, trong đó tổ chức sinh vật sinh sống. Môi trường bao gồm các đánh giá xã hội, văn hoá, kinh tế và chính trị cũng như các đối tượng thường được hiểu như đất, khí hậu và cung cấp thức ăn”.
Theo Tuyên bố Stockholm 1972: “Môi trường tự nhiên và nhân tạo chủ yếu cho sự phồn vinh của con người và tận hưởng những quyền con người cơ bản và quyền được sống của họ”…
Ở Việt Nam, tại khoản 1 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 định nghĩa về môi trường như sau:
“Môi trường bao gồm các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế, xã hội, sự tồn tại, phát triển của con người, sinh vật và tự nhiên”
Hiểu đơn giản, môi trường là toàn bộ các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo bao quanh con người. Theo đó, các yếu tố này có ảnh hưởng tới đời sống, kinh tế, xã hội cũng sự tự tồn tại, phát triển của con người, sinh vật và tự nhiên.
>>> Xem thêm: Thực trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam năm 2024
Vai trò và ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường
Bảo vệ môi trường không phải chỉ là nhiệm vụ của các bộ ban ngành, tổ chức, chính phủ mà hơn thế nó là trách nhiệm của toàn nhân loại, của mỗi cá thể tồn tại trên trái đất.
Bảo vệ môi trường là bảo vệ sự sống còn của nhân loại
Con người và các sinh vật không thể tồn tại nếu không có môi trường, hay nói cách khác thì môi trường là điều kiện sinh tồn của loài người, loài vật, bảo vệ môi trường chính là bảo vệ sự sống của con người và con vật.
Môi trường có trong sạch thì không khí chúng ta hít thở mỗi ngày mới trong lành, nguồn nước sử dụng mỗi ngày mới an toàn, đất đai canh tác mới màu mỡ cho rau xanh, trái ngọt, nuôi sống con người. Khi môi trường bị ô nhiễm, không khí, nguồn nước không còn sạch, đất đai khô cằn, con người sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe, như các bệnh về đường hô hấp, tim mạch, ung thư,…
Không chỉ vậy, môi trường ô nhiễm, khí hậu biến đổi, thời tiết cực đoan là nguyên nhân của hàng loạt các thiên tai bão lũ, động đất, sóng thần,… đe dọa đến sự sinh tồn của loài người.
Bảo vệ môi trường là góp phần phát triển kinh tế – xã hội
Môi trường và sự phát triển của kinh tế xã hội cần được gắn liền, không thể tách rời. Bởi tài nguyên tự nhiên là cơ sở của phát triển kinh tế, phát triển kinh tế phụ thuộc vào việc sử dụng và khai thác các tài nguyên. Nếu không bảo vệ môi trường, tài nguyên sẽ bị suy thoái và làm hạn chế sự phát triển kinh tế trong tương lai.
Môi trường ô nhiễm, khí hậu biến đổi, mất rừng sẽ gây ra thiệt hại nghiêm trọng đến nền kinh tế. Các thảm họa thiên nhiên như hạn hán, lũ lụt và cạn kiệt tài nguyên có thể gây mất mát lớn cho kinh tế. Bảo vệ môi trường, tạo ra cơ hội kinh doanh và việc làm là góp phần bảo vệ nền kinh tế, an ninh xã hội.
Bảo vệ môi trường là việc làm hết sức cấp bách và cần thiết hơn bao giờ hết, là nhiệm vụ không của riêng ai. Mỗi cá nhân cần ý thức bảo vệ môi trường trong từng hành động nhỏ hằng ngày như không vứt rác bừa bài, hạn chế rác thải, giảm sử dụng túi nilon, tắt thiết bị điện, nước khi không sử dụng,…
Mỗi việc nhỏ làm hôm nay đều có tác động rất lớn đến cuộc sống của chúng ta trong tương lai. Vì vậy, hãy để chúng ta và thế hệ mai sau sống trong một môi trường trong lành và yên bình bằng những hành động có ý nghĩa ngay bây giờ.
>>> Xem thêm: Chúng ta làm gì để bảo vệ môi trường?
Chịu trách nhiệm nội dung
Phó Giám Đốc - Đồng Thị Tú Anh