Nước có rêu là hiện tượng mà hầu hết ai trong chúng ta cũng đã từng thấy. Vậy lý do vì sao rêu xuất hiện, sử dụng nguồn nước có rêu có an toàn không? Làm thế nào để xử lý và ngăn rêu xuất hiện trở lại? Cùng Biogency giải đáp qua những chia sẻ dưới đây.
Các nội dung chính
Vì sao nước có rêu?
Có nhiều nguyên nhân khiến nước có rêu, trong đó nguyên nhân chính do các thiết bị đường ống, bồn chứa nước không được vệ sinh định kỳ, khiến rêu có cơ hội hình thành, phát triển, bám vào thành. Mặt khác đường ống có cấu tạo khá kín nên việc vệ sinh, xử lý khó khăn. Rêu hình thành nhiều, bám theo dòng nước chảy, do đó khi xả nước có thể sẽ thấy nước có rêu.
Khả năng xuất hiện rong rêu sẽ cao nếu đường ống được đặt ở những nơi ẩm, gần nguồn nước. Ngoài ra, một số nguyên nhân gây ra rong rêu do nước có độ pH thấp, thừa dinh dưỡng (nhất là nitrat và photphat tạo điều kiện tảo, rêu phát triển nhanh)…
Sử dụng nước có rêu có an toàn không?
Nước có rêu có mùi tanh, không chỉ gây khó chịu, tăng nguy cơ làm tắc đường ống, mà còn tiềm ẩn nhiều mối nguy hại đối với sức khỏe nếu sử dụng nước có rêu để uống trực tiếp, nấu ăn, thậm chí là tắm. Cụ thể, các vi khuẩn, tạp chất trong nước ô nhiễm dễ gây ra các bệnh lý như tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn và nhiều bệnh truyền nhiễm khác.
Chưa kể, rêu trong bồn nước cũng có thể phát triển thành các loại vi sinh vật nguy hiểm, gây ra các bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng như viêm phổi, viêm màng não, và các bệnh nhiễm trùng,… Nếu sử dụng nước có rêu để tắm rửa có thể gây ra các bệnh về da liễu như ngứa ngáy, nổi mẩn, dị ứng,… Do đó với nước có rêu bạn không nên sử dụng.
Cách xử lý rêu trong nước và phòng ngừa rêu xuất hiện trở lại
Nếu nguồn nước nhà bạn có rêu, bạn có thể kiểm tra bồn chứa, nếu bồn chứa có rêu cần vệ sinh loại bỏ rêu ngay. Sau khi vệ sinh bể, bạn có thể sử dụng hóa chất xử lý rêu hoặc nước vôi, chanh hoặc ít nhất là phơi nắng để diệt hoàn toàn rêu. Lưu ý, sử dụng hóa chất cần thực hiện đúng hướng dẫn, đảm bảo an toàn cho người và không gây ô nhiễm cho môi trường.
Trường hợp đã vệ sinh nhưng rong rêu vẫn xuất hiện trong bồn chứa, bạn nên lấy mẫu nước có rong rêu đem đi xét nghiệm, nếu hàm lượng Nitơ và Photpho có nồng độ vẫn trong mức cho phép, thì có thể chọn giải pháp lắp các mái che. Thiết kế các loại mái che các bồn nước để tránh ánh sáng mặt trời chiếu vào trực tiếp. Khi tránh được ánh nắng trực tiếp thì hiện tượng quang hợp không xảy ra, lúc đó nguồn nước cũng sẽ không còn xuất hiện rong rêu.
Trường hợp nếu xét nghiệm mẫu nước phát hiện hàm lượng Nitơ và Photpho vượt mức tiêu chuẩn cho phép thì có thể chọn các thiết bị có vật liệu lọc để loại bỏ được Nitơ và Photpho ra khỏi nguồn nước.
Trường hợp rêu tích tụ ở trong đường ống, không thể vệ sinh thì bạn có thể áp dụng các cách vệ sinh gián tiếp sau đây để loại bỏ:
Cách 1: Sử dụng nước sôi (nếu đường ống làm bằng nhựa PVC thì nên hạn chế áp dụng cách này nhiều lần)
Cách 2: Sử dụng hỗn hợp bột baking soda và giấm, đổ xuống cống, đợi 5-10 phút đổ nước sạch vào đường ống để hỗn hợp trải đều. Sau 2 tiếng thì xả nước thật mạnh để loại bỏ rêu.
Cách 3: Sử dụng hóa chất là cách cho hiệu quả nhanh, tuy nhiên với các hóa chất mạnh có thể làm vỡ đường ống, nếu đang sử dụng đường ống chung cư, tập thể thì cần cân nhắc.
Như vậy trên đây là chia sẻ về hiện tượng nước có rêu, giải pháp xử lý và phòng ngừa, hy vọng đã mang đến những thông tin hữu ích với quý bạn đọc giả.
>>> Xem thêm: Nước thải sinh hoạt chảy đi đâu? Phương pháp xử lý nước thải sinh hoạt
Chịu trách nhiệm nội dung
Phó Giám Đốc - Đồng Thị Tú Anh