Hiện có 4 mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng được phân chia tương ứng với từng mật độ thấp, trung bình, cao và rất cao. Để rõ hơn bài viết này bà con hãy cùng Biogency điểm qua những nét đặc trưng cơ bản của từng mô hình.
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng quảng canh
Quảng canh là mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng có từ lâu đời, thường được áp dụng ở vùng triều cường, nơi rất ít hoặc không cần bơm và sục khí thường xuyên. Vì ao nuôi tự nhiên nên hình dạng thường không đều, diện tích ao từ 5 – 10 ha, độ sâu từ 0.7-1.2m.
Với mô hình quảng canh mật độ tôm thấp, ban đầu bà con tận dụng con giống trong tự nhiên nhờ triều cường, nguồn thức ăn hoàn toàn từ tự nhiên có trong ao. Sau này, mô hình này cải tiến bằng cách bổ sung giống và thức ăn. Theo đó, bà con mua và thả thêm giống với mật độ từ 4-10 con/m2, bổ sung cho ăn 1 ngày 1 lần, thường sẽ là tức ăn ít đạm.
Ưu điểm:
- Không tốn nhiều thời gian và nhân lực để chăm sóc tôm.
- Thân thiện với môi trường và hệ sinh thái.
- Chi phí vận hành, quản lý không cao.
- Chi phí đầu tư giống, thức ăn thấp.
- Tôm thu hoạch nhanh, thịt chắc, vỏ dày.
Nhược điểm:
- Năng suất và lợi nhuận vẫn còn thấp, khó kiểm soát.
- Ao nuôi chịu sự chi phối, ảnh hưởng của thời tiết, tôm dễ mắc bệnh.
- Môi trường nuôi lẫn cá tôm, nếu có dịch bệnh khó phát hiện và kiểm soát.
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng bán thâm canh
Với mô hình bán thâm canh, trong 1 tháng đầu nuôi, tôm sẽ được ăn thức ăn hoàn toàn từ tự nhiên, đến sau hơn 1 tháng bà con sẽ bổ sung thức ăn chuyên dụng cho tôm.
Ao bán thâm canh có diện tích từ 1-5 ha, độ sâu từ 1-2m, mật độ giống từ 10-30 con/m2. Ao sẽ được thay nước thường xuyên bằng máy bơm, được trang bị hệ thống sục khí bổ sung oxy cho tôm. So với nuôi quảng canh thì bán thâm canh, thức ăn bổ sung nhiều hơn, 2-3 lần/ngày. Chính vì thế sản lượng cũng cao, mỗi vụ có thể thu hoạch 500-2000kg/ha.
Ưu điểm:
- Ao được xây dựng hoàn chỉnh.
- Diện tích ao không quá lớn nên dễ vận hành và quản lý.
- Kích cỡ tôm thu khá lớn, giá thành cao.
- Chi phí vận hành thấp vì giống thả ít và thức ăn tổng hợp sử dụng chưa nhiều.
Nhược điểm:
- Khó kiểm soát dịch bệnh.
- Năng suất vẫn chưa cao so với diện tích ao sử dụng.
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh
Thâm canh là mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng kỹ thuật tiên tiến và công nghệ hiện đại. Mục đích chính của mô hình này là tăng năng suất nuôi trồng, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.
Theo đó, với mô hình thâm canh sử dụng 100% thức ăn công nghiệp, mật độ thả giống cao hơn từ 60-300 con/m2. Ao nuôi rộng 0.1-1.0 ha, sâu trên 1.5m, được đặt ở khu vực không có thuỷ triều, cách xa biển, có hệ thống thoát nước tốt, ao đắp bằng đất nhưng thường sử dụng vật liệu lót để hạn chế xói mòn và tăng cường chất lượng nước. Ao được trang bị hệ thống sục khí công suất lớn cung cấp oxy cho tôm. Kết hợp các hệ thống xử lý thức ăn tồn đọng, hạn chế sự phát triển của tạo, kiểm soát dịch bệnh.
Ưu điểm:
- Bà con hoàn toàn chủ động và kiểm soát quá trình nuôi.
- Hạn chế và phòng ngừa dịch bệnh tốt hơn.
- Kiểm soát tốt lượng thức ăn.
- Rút ngắn thời gian nuôi, nuôi được nhiều vụ trong năm.
- Diện tích nuôi lớn, năng suất cao, lợi nhuận lớn.
Nhược điểm:
- Diện tích ao lớn, quy trình kỹ thuật và vốn đầu tư cao.
- Việc tính toán, bố trí ao nuôi tham canh phức tạp hơn so với các ao nuôi khác. Đòi hỏi người nuôi có kiến thức và kỹ thuật nuôi trồng cao, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến tốt.
- Ao nuôi thâm canh có mật độ thả nuôi cao nên sẽ tạo ra nhiều chất thải hơn.
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh
Siêu thâm canh là mô hình nuôi tôm khép kín hoàn toàn, được đầu tư bài bản, ứng dụng công nghệ cao kiểm soát tốt quá trình nuôi tôm thông qua cho ăn tự động và điện toán đám mây nhằm lưu trữ lại dữ liệu, các chỉ số môi trường nước. Ở mô hình siêu thâm canh, mật độ tôm có thể đạt đến 200 – 500 con/m2 hay thậm chí lên đến 1.000 con/m2.
Ưu điểm:
- Mật độ tôm cao, thời gian nuôi ngắn, năng suất lớn, mang lại giá trị kinh tế cao trong từng vụ nuôi
- Quản lý chất lượng và kiểm soát lượng thức ăn phù hợp, hạn chế dư thừa thức ăn làm ô nhiễm nguồn nước.
- Kiểm soát các mầm bệnh gây hại, giúp người nuôi đưa ra các giải pháp phòng ngừa đúng lúc và kịp thời, từ đó hạn chế được dịch bệnh trên tôm.
- Ít phụ thuộc vào thời tiết nên tỷ lệ thành công từ 70 – 90%.
Nhược điểm:
- Chi phí đầu tư cao, ứng dụng công nghệ đắt đỏ.
- Mật độ tôm cao, chất thải lớn nếu không xử lý tốt sẽ gây ô nhiễm nghiêm trọng.
- Đòi hỏi người nuôi có kiến thức chuyên môn, chuyên ngành, kinh nghiệm thực tế để triển khai tốt.
Có thể thấy, mỗi mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng đều có những ưu nhược điểm riêng, dựa vào đó bà con có thể cân nhắc lựa chọn áp dụng mô hình phù hợp với tình hình thực tế khu vực ao nuôi cũng như ngân sách,…
Chúc bà con vụ mùa bội thu!
>>> Xem thêm: Làm cách nào để quản lý thức ăn hiệu quả trong nuôi tôm thẻ chân trắng?
Chịu trách nhiệm nội dung
Phó Giám Đốc - Đồng Thị Tú Anh