Cách đo độ mặn nước nuôi tôm đơn giản, chuẩn xác

Cách đo độ mặn nước nuôi tôm đơn giản, chuẩn xác

Đo độ mặn nước nuôi tôm là việc làm cần thiết để đảm bảo độ mặn trong ao ở ngưỡng thích hợp cho tôm sinh trưởng và phát triển thuận lợi nhất. Dưới đây là tổng hợp 3 cách đo độ mặn phổ biến nhất bà con có thể tham khảo và thực hiện.

Độ mặn thích hợp trong nuôi tôm

Độ mặn là nồng độ của tất cả các muối khoáng có trong nước, đây là yếu tố đóng vai trò quan trọng, ảnh hưởng lớn đến sự tồn tại, phát triển và duy trì các chức năng sinh lý của tôm, do đó việc kiểm soát độ mặn trong ao rất quan trọng. Mỗi loại tôm sẽ sinh trưởng trong một môi trường có độ mặn thích hợp.

  • Đối với tôm thẻ chân trắng: Tôm thẻ có thể chịu được độ mặn từ 2 – 40‰ (phần nghìn), sinh trưởng tốt nhất ở 10 – 25‰. Nếu nước mặn > 35‰ tôm sẽ có biểu hiện chán ăn, chậm lớn. Ngược lại, nếu các chỉ số này ở mức quá thấp bà con nên bổ sung các dưỡng chất có trong thức ăn để tăng sức đề kháng cho tôm, giúp tôm phát triển tốt.
  • Đối với tôm sú: Tôm sú có thể sống trong môi trường có độ mặn trải dài từ 3 – 45‰, phù hợp nhất từ 15 – 20‰.

Nhìn chung, tôm sinh trưởng và phát triển được trong độ mặn từ 10 – 20‰. Khi nuôi bà con cần đảm bảo ao nuôi luôn đạt ngưỡng độ mặn này. Thường xuyên đo độ mặn kiểm tra để có phương án khắc phục kịp thời, giảm thiểu hệ luỵ cho vụ nuôi.

Tổng hợp 3 cách đo độ mặn nước nuôi tôm bà con có thể tham khảo

Để kiểm soát độ mặn, một trong những bước quan trọng là bà con cần tiến hành đo độ mặn nước nuôi tôm thường xuyên. Dưới đây là 3 cách đo phổ biến bà con có thể tham khảo, thực hiện:

Cách 1: Đo độ mặn nước nuôi tôm bằng tỷ trọng kế đo độ mặn

Tỷ trọng kế độ mặn là dụng cụ kiểm tra hàm lượng muối trong nước được ứng dụng nhiều trong ngành thủy sản, kiểm tra độ mặn ao nuôi tôm cá…. đo độ mặn ao hồ, kênh rạch. Dụng cụ kiểm tra độ mặn trong nước được làm bằng thủy tinh, và có khả năng bù trừ nhiệt độ ở 25 độ C.

Đặc điểm tỷ trọng kế:

  • Khoảng đo độ mặn: 0 – 55‰.
  • Ưu điểm: Nhỏ gọn, nhẹ, tiện lợi, giá thành rẻ.
  • Nhược điểm: Dễ bị vỡ, độ chính xác có tính tương đối
Cách đo độ mặn nước nuôi tôm đơn giản, chuẩn xác
Tỷ trọng kế đo độ mặn nước nuôi tôm.

Cách đo:

  • Bước 1: Mở nắp theo chiều ngược chiều kim đồng hồ.
  • Bước 2: Lấy dụng cụ ra khỏi hộp đựng theo chiều thẳng đứng, nhẹ nhàng lau sạch dụng cụ bằng nước cần đo độ mặn.
  • Bước 3: Lấy miếng lót ra khỏi hộp đựng, tráng rửa vài lần hộp đựng bằng nước cần kiểm tra độ mặn, rồi đổ đầy nước cần kiểm tra vào hộp.
  • Bước 4: Cầm thẳng đứng dụng cụ đo, xoay tròn dụng cụ vài vòng theo hướng ngược – xuôi theo chiều kim đồng hồ rồi bỏ vào hộp đo.
  • Bước 5: Nhìn ngang mặt nước trùng với vạch nào trên cần có khắc vạch, đọc kết quả phần ngàn theo vạch trùng với mực nước (Nếu mực nước không trùng với vạch thì đọc kết quả theo vạch gần với mực nước nhất).
  • Bước 6: Khi kiểm tra xong độ mặn, cần rửa sạch dụng cụ đo, hộp đựng bằng nước ngọt. Lau khô rồi bỏ vào hộp đựng theo thứ tự mốp lót, thiết bị đo. Đậy nắp bằng cách vặn nắp theo chiều kim đồng hồ cho đến khi cảm nhận nắp vừa chặt thì dừng lại.

Lưu ý: Đo lúc trời mát và chỗ nước ít động thì kết quả sẽ đạt được độ chính xác tối ưu.

Cách 2: Đo độ mặn nước nuôi tôm bằng khúc xạ kế đo độ mặn

Khúc xạ kế là một thiết bị đo dùng phương pháp đo khúc xạ ánh sáng trong môi trường dung dịch xác định, từ đó giúp người dùng nắm được nồng độ của chất xác định để có đánh giá, nhận định thích hợp.

Đặc điểm khúc xạ kế:

  • Phạm vi đo rộng.
  • Phạm vi đo: Đo muối 0-100‰/Đo tỷ trọng 1.000-1.070sg.
  • Độ phân giải: Muối 1‰/Tỷ trọng 0.001sg.
  • Độ chính xác: Muối ± 1‰/Tỷ trọng ± 0.001sg.
  • Tự động bù trừ nhiệt độ.
  • Khúc xạ kế cơ học, không sử dụng nguồn năng lượng như pin hay điện.
  • Độ chính xác cao, độ bền và thời gian sử dụng dài.
  • Dễ sử dụng, nhỏ nhẹ, dễ đi hiện trường.
Cách đo độ mặn nước nuôi tôm đơn giản, chuẩn xác
Khúc xạ kế đo độ mặn nước nuôi tôm.

Cách đo:

  • Bước 1: Nhỏ 1 – 2 giọt dung dịch cần đo lên lăng kính.
  • Bước 2: Đậy tấm chắn sáng (sao cho dung dịch phải phủ đều trên lăng kính và không được có bọt khí để đạt được kết quả chính xác).
  • Bước 3: Đưa lên mắt ngắm.
  • Bước 4: Đọc số trên thang đo (số vạch chuyển màu trên ống ngắm). Chỉnh tiêu cự sao cho số thấy rõ nhất.
  • Bước 5: Lau khô bằng giấy thấm mềm.

Cách 3: Đo độ mặn nước nuôi tôm bằng máy đo độ mặn kỹ thuật số

Bên cạnh khúc xạ kế, bà con có thể sử dụng máy đo độ mặn kỹ thuật số, loại máy này sử dụng khá đơn giản lại nhỏ gọn, kết quả hiển thị trực tiếp lên màn hình, có thể tự động chuyển đổi, đo nhiều thông số nên được sử dụng khá phổ biến. Thường được sử dụng cho mô hình nuôi diện tích lớn, nhiều ao nuôi.

Sau khi đo độ mặn nước nuôi tôm, nếu ngưỡng độ mặn vượt ngoài quy định bà con cần có phương án khắc phục, chẳng hạn như thêm nước hoặc sử dụng muối biển nhân tạo, nước ót hay vi sinh để tăng độ mặn cho ao. Nếu có bất cứ băn khoăn nào cần giải đáp hay quan tâm đến phương pháp nuôi tôm an toàn sinh học, bà con vui lòng liên hệ Hotline 0909 538 514 để được tư vấn chi tiết, nhanh chóng nhất.

>>> Xem thêm: Hướng dẫn bổ sung khoáng chất cho tôm ở ao có độ mặn thấp

Chịu trách nhiệm nội dung

Phó Giám Đốc - Đồng Thị Tú Anh

Chữ ký