Phòng và trị một số bệnh thường gặp khi nuôi cá chẽm

Phòng và trị một số bệnh thường gặp khi nuôi cá chẽm

Một số bệnh thường gặp khi nuôi cá chẽm, cách điều trị và phòng ngừa giúp bà con chủ động kiểm soát sức khỏe của cá, đảm bảo lợi nhuận vụ nuôi.

Điều trị 3 loại bệnh thường gặp khi nuôi cá chẽm

Cá chẽm cho giá trị kinh tế cao, tuy nhiên việc nuôi trồng cá chẽm ở nước ta còn gặp nhiều khó khăn, trong đó bao gồm vấn đề dịch bệnh. Một số bệnh thường gặp khi nuôi cá chẽm chủ yếu do virus, phổ biến là Nodavirus thuộc họ Nodaviridae gây bệnh hoại tử thần kinh và nhiều nhóm ký sinh trùng được tìm thấy ở cá chẽm như: Sán lá đơn chủ, sán lá song chủ… gây ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khỏe của cá. Đặc biệt, cá chẽm là đối tượng rất nhạy cảm với nhiều chủng vi khuẩn như Streptococcus iniae, Vibrio sp. S. iniae, V. harveyi,…

Dưới đây là 3 loại bệnh thường gặp và hướng điều trị bà con tham khảo.

Bệnh sán lá mang

Cá chẽm bị nhiễm sán lá mang chủ yếu do nhiễm các chủng ký sinh trùng như Pseudorhabdosynochus spp, Diplectanum spp, Haliotrema spp. Cá nhiễm bệnh thường có dấu hiệu yếu, bỏ ăn, màu sắc nhợt nhạt, khi bơi nắp mang phồng lên, mang tiết nhiều dịch nhầy đặc (mủ mang). Khi nhiễm nặng cá hô hấp khó khăn, có thể gây chết rải rác đến hàng loạt, nhất là ở giai đoạn cá con.

Phòng và trị một số bệnh thường gặp khi nuôi cá chẽm
Tác nhân gây bệnh sán lá mang ở cá chẽm.

Cách điều trị: Tắm cá với dung dịch formol 150 – 200 ppm (150 – 200 ml formol/1 khối nước) trong 30 – 60 phút có sục khí mạnh, hoặc phun xuống ao với formol 25 – 30ppm (25 – 30 ml formol/1 khối nước) trong 1 – 2 ngày. Dùng Hadaclean A (loại 5 %) tắm cho cá với liều lượng 5 – 10 ppm trong 10 – 20 phút.

Bệnh đỉa cá

Đỉa cá (Piscicola), là loài ký sinh tạm thời, chỉ bám vào cá khi cần dinh dưỡng, thức ăn chính là máu cá. Đỉa phát triển mạnh ở ao có nhiều rong phát triển để đẻ trứng. Chúng bám vào mang, miệng, thân, vậy, hốc miệng, mũi cá… làm rách da và hút máu làm cá chậm lớn hoặc gây chết cá hàng loạt. Bên cạnh đó, đỉa hút máu để lại nhiều vết thương viêm loét, tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng gây bệnh.

Phòng và trị một số bệnh thường gặp khi nuôi cá chẽm
Đĩa cá.

Cách phòng trị: Quản lý rong, tảo đa bào dạng sợi trong ao. Tắm cho cá bằng nước muối 3 – 5‰ (hòa tan 300 – 500g muối trong 10 lít nước). Phun trực tiếp Formalin xuống ao với nồng độ 20 -25 ppm (20 – 25 ml formalin /1 khối nước).

Bệnh do nguyên sinh động vật

Cá chẽm mắc bệnh do nguyên sinh động vật thường có dấu hiệu bơi lội bất thường như mất thăng bằng, da rướm máu hoặc xây xát, cá bỏ ăn, màu sắc không bình thường, ăn mòn mô, cá tiết ra nhiều nhớt, xuất huyết và thân bị trương lên hay mắt sưng phồng.

Cách điều trị: Sử dụng Formol tạt xuống ao với liều lượng 20 – 25ml/m3.

Một số biện pháp phòng bệnh để nuôi cá chẽm hiệu quả

Một số bệnh do virus gây ra thường không có cách trị, bà con chỉ có thể áp dụng phương án phòng ngừa để hạn chế sự phát sinh của mầm bệnh trong ao nuôi cá chẽm, bà con chú ý áp dụng các biện pháp tổng hợp sau:

  • Cải tạo ao kỹ: Ao nuôi cá chẽm cần phải cải tạo ao kĩ, diệt hết cá tạp, đảm bảo hệ thống cống, lưới nuôi không bị rò rỉ. Mặt ao phải thoáng, bờ ao trống trải, không cho ếch, rắn ẩn nấp sát hại cá con. Công tác xử lý đáy ao được thực hiện kỹ để dọn dẹp cây cỏ thủy sinh trong ao và trên bờ ao, bắt hết cá dữ như cá lóc trong ao, hạn chế tỷ lệ thất thoát cá giống trong quá trình nuôi. Ao nuôi cá phải có độ sâu khoảng 1,5 m và đặc biệt là có thể thay được nước khi cần thiết để giữ nguồn nước trong ao lúc nào cũng sạch sẽ.
  • Chọn và thả cá giống: Bà con chọn cá giống khỏe mạnh, kích cỡ đồng đều, màu sắc tươi sáng, không dị hình dị tật. Mật độ thả nuôi vừa phải, không thả quá dày.
  • Thức ăn: Thức ăn phải tươi, không có mầm bệnh (với thức ăn nguồn cá tạp).  Cá chẽm nuôi ao cho ăn 2 lần/ngày vào sáng sớm và chiều tối với lượng thức ăn bằng 10- 20% trọng lượng thân. Không cho cá ăn quá thừa cũng như quá thiếu
  • Giữ chất lượng môi trường nước tốt: Giảm bớt việc làm cá bị “sốc” môi trường như oxy hòa tan thấp, nhiệt độ quá cao hay quá thấp, sự tích tụ của các chất thải.. Thường xuyên theo dõi các chỉ số biến động oxy hòa tan, kiểm tra độ kiềm, pH… nhất là trong những ngày thời tiết mưa nhiều để điều chỉnh cho thích hợp.
  • Theo dõi cá thường xuyên: Trong quá trình nuôi bà con theo dõi thường xuyên để chẩn đoán tình trạng sức khoẻ cá. Định kỳ kiểm tra sinh học để theo dõi tốc độ phát triển, tỷ lệ sống, trọng lượng cá để điều chỉnh phù hợp. Ngăn ngừa địch hại và vệ sinh dụng cụ thường xuyên.

Bà con chú ý tuân thủ đúng kỹ thuật nuôi cá chẽm, trong quá trình nuôi có thể bổ sung men vi sinh như Microbe-Lift AQUA SA để làm sạch ao nuôi, giảm thiểu sự tích tụ chất thải, tạo điều kiện môi trường nước tốt cho cá phát triển.

Phòng và trị một số bệnh thường gặp khi nuôi cá chẽm
Men vi sinh Microbe-Lift AQUA SA dùng trong xử lý bùn ao nuôi cá chẽm.

Trên đây là một số thông tin về các bệnh thường gặp khi nuôi cá chẽm chia sẻ đến quý bà con chăn nuôi nhằm phát hiện sớm và phòng ngừa các bệnh hiệu quả. Chúc bà con có một vụ mùa bội thu.

>>> Xem thêm: Mô hình nuôi cá kèo trong vuông tôm hiệu quả kinh tế cao tại Cà Mau

Chịu trách nhiệm nội dung

Phó Giám Đốc - Đồng Thị Tú Anh

Chữ ký