Dịch bệnh EHP đang được nhiều nhà khoa học tập trung nghiên cứu vì có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức đề kháng của tôm thẻ chân trắng. EHP không chỉ làm chậm sự phát triển của tôm mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh tế của các trang trại nuôi. Qua bài viết này, bà con hãy cùng BIOGENCY điểm qua một số nghiên cứu mới nhất để hiểu về dịch bệnh này nhé!
Nghiên cứu của Kumar et al. (2022)
Trong nghiên cứu của Kumar et al. (2022), ảnh hưởng của dịch bệnh EHP đối với tôm thẻ chân trắng (P. Vannamei) đã được quan sát sau 90 ngày thử nghiệm. Các chỉ số sinh lý như enzyme tiêu hóa (α-Amylase, Lipase), các yếu tố trao đổi chất (Triglyceride, Protein tổng, Cholesterol, Glucose và Alanine Aminotransferase) đều giảm đáng kể so với nhóm đối chứng.
Ngoài ra, các phản ứng miễn dịch không đặc hiệu cũng suy giảm, bao gồm hoạt động của Phosphatase kiềm, Catalase, γ-Glutamyl Transferase, tổng khả năng chống oxy hóa, Superoxide Anion, Phenoloxidase và tổng số lượng tế bào máu.
Nghiên cứu của Subash et al. (2022)
Trong một nghiên cứu của Subash et al. (2022), các nhà khoa học đã thực hiện thử nghiệm nhiễm dịch bệnh EHP trên tôm thẻ chân trắng. Cụ thể, thí nghiệm này tiêm trực tiếp khoảng 100,000 bào tử EHP vào từng con tôm và cung cấp thức ăn bị nhiễm bệnh qua đường miệng. Kết quả cho thấy, sau khi nhiễm trùng, các chỉ số miễn dịch như tổng số lượng tế bào máu (THC), hoạt động của Enzyme Catalase (CAT) và Lysozyme (LYS) đều giảm mạnh, đặc biệt là sau 6 và 24 giờ.
Mặt khác, việc nhiễm EHP cũng gây ra sự gia tăng của một số hoạt động khác như Superoxide Dismutase (SOD), Prophenoloxidase (proPO) và hoạt động bùng phát hô hấp (RBA). Đặc biệt là ở giai đoạn 6 giờ sau khi nhiễm trùng. Điều này cho thấy phản ứng nhanh của hệ thống miễn dịch đã bảo vệ tế bào khỏi tổn thương oxy hóa.
Đồng thời, biểu hiện của gen Toll cũng được kích hoạt sớm nhằm thúc đẩy quá trình kích hoạt hệ thống Prophenoloxidase và sự di chuyển của tế bào máu đến khu vực nhiễm trùng. Tuy nhiên, dường như các phản ứng miễn dịch này không đủ mạnh để loại bỏ hoàn toàn EHP.
Hơn nữa, Lysozyme trong tế bào máu cũng bị ức chế hoặc không được giải phóng đầy đủ. Điều này đã khiến tế bào máu không có khả năng tự phá hủy hoặc tiêu diệt ký sinh trùng trong bào, đặc biệt là sau 24 giờ nhiễm trùng.
Nghiên cứu của Cao và cộng sự (2023)
Nghiên cứu của Cao và cộng sự (2023) đã khám phá những biến đổi ở mức độ phiên mã trong gan tụy của tôm thẻ chân trắng Penaeus Vannamei sau khi thử nghiệm nhiễm EHP. Phát hiện cho thấy các gen biểu hiện khác nhau (DEG) liên quan mật thiết tới phản ứng miễn dịch.
Bao gồm cả sự tăng cường chức năng tạo máu và kích thích đường truyền tín hiệu Jak-STAT. Ngoài ra, dịch bệnh EHP còn làm tăng chuyển hóa Lipid và ức chế chuyển hóa Carbohydrate, Axit Amin và tiêu hóa Protein. Điều này đã ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bình thường của tôm.
Nghiên cứu của Sukonthamarn và cộng sự (2023)
Trong một nghiên cứu khác của Sukonthamarn và cộng sự (2023), Haemocytin (LvHCT) được nghiên cứu với tư cách là một yếu tố chống lại nhiễm trùng EHP trong tôm Litopenaeus Vannamei.
Haemocytin được xác định là chất trung gian chính trong quá trình tổng hợp tế bào máu và kích hoạt hệ thống Prophenoloxidase (proPO). Sự ức chế của LvHCT dẫn đến số lượng bản sao EHP cao hơn trong cơ thể tôm. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của LvHCT trong khả năng miễn dịch bẩm sinh của tôm chống lại EHP.
Nghiên cứu của Shen et al. (2019)
Trong nghiên cứu của Shen et al. (2019), tôm thẻ Penaeus Vannamei từ ao đất đã được thí nghiệm và cho thấy tỷ lệ nhiễm dịch bệnh EHP cao đáng kể. Tôm thẻ cỡ lớn tăng trưởng chậm có tỷ lệ nhiễm lên tới 91,3%, trong khi tỷ lệ nhiễm EHP ở tôm cỡ lớn bình thường trong ao đất cũng rất cao, được xác nhận qua kết quả PCR là 11% cho PCR bước đầu tiên và 72,4% cho PCR lồng.
Tuy nhiên, tôm cỡ lớn nuôi trong nhà kính lại chỉ có tỷ lệ nhiễm EHP 10,6%, thấp hơn đáng kể so với tôm trong ao đất. Điều này cho thấy môi trường nuôi trong nhà kính có thể giảm thiểu nguy cơ nhiễm EHP.
Nghiên cứu của Dewagan et al. (2023)
Dewagan et al. (2023) đã thực hiện một nghiên cứu tại trang trại nuôi tôm ở Maoming, Trung Quốc. Ông phát hiện EHP không chỉ có tỉ lệ cao ở tôm thẻ Litopenaeus vannamei và Penaeus monodon mà còn ở các loài cua, vẹm giả và ba loài chuồn chuồn Anax parthenope, Pantala flavescens và Ischnura senegalensis. Nghiên cứu cũng chứng minh rằng EHP có thể truyền từ tôm sang chuồn chuồn và ngược lại.
Nghiên cứu của Sajiri et al. (2023)
Trong một nghiên cứu của Sajiri et al. (2023) tại Malaysia, các nhà khoa học đã khám phá sự phân bố của dịch bệnh EHP trong cộng đồng sinh vật thủy sinh. Bao gồm các loại thuộc ngành Arthropoda, Mollusca, và Chordata.
Bằng cách sử dụng phương pháp PCR hướng đến các gen mã hóa protein thành bào tử (SWP), Sajiri và đồng nghiệp đã phát hiện tỷ lệ nhiễm bệnh lên tới 82,93% trong số các mẫu được kiểm tra. Kết quả này cho thấy rằng bào tử EHP không chỉ có mặt mà còn phổ biến trong các sinh vật thủy sinh. Do đó, các đơn vị cần giám sát chặt chẽ sức khỏe sinh vật trong ao nuôi để phòng ngừa sự lây lan của dịch bệnh EHP.
Nghiên cứu của Shen và cộng sự (2021)
Trong nghiên cứu của Shen và cộng sự (2021), các nhà khoa học đã khám phá nhiễm trùng EHP có mối liên hệ mật thiết với sự chậm phát triển và đặc điểm vi sinh vật đường ruột trong tôm thẻ chân trắng (P. vannamei) ở các kích cỡ khác nhau.
Trong một môi trường nuôi như nhau, tôm nhỏ cho thấy mức độ nhiễm ký sinh trùng EHP cao hơn so với tôm vừa và lớn. Đặc biệt, tôm nhỏ có nhiều vi khuẩn Vibrio nên sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc theo dõi và quản lý sức khỏe đường ruột để ngăn chặn sự lan rộng của dịch bệnh EHP trong các trại nuôi tôm.
Nghiên cứu của Aranguren et al. (2021)
Aranguren et al. (2021) cũng chỉ ra rằng độ mặn của môi trường có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ và mức độ nghiêm trọng của nhiễm EHP. Nhiễm trùng EHP xảy ra ở mức độ mặn thấp (2 ppt) với tỷ lệ lưu hành và mức độ nghiêm trọng thấp, trong khi đó, ở mức độ mặn cao (30 ppt), tỷ lệ và mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng cao hơn nhiều. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý độ mặn trong nuôi trồng thủy sản để kiểm soát và phòng ngừa các bệnh tật.
Qua bài viết trên, BIOGENCY đã giới thiệu đến bà con những nghiên cứu mới nhất về dịch bệnh EHP trên tôm. Việc hiểu rõ về các yếu tố gây bệnh và ảnh hưởng của dịch bệnh EHP sẽ giúp chủ nuôi phát triển các giải pháp quản lý bệnh hiệu quả hơn ở tôm. Nếu bà con cần thêm thông tin về thì có thể liên hệ trực tiếp với chúng tôi thông qua số điện thoại 0909 538 514 nhé!
>>> Xem thêm: 4 dấu hiệu nhận biết tôm bị EHP
Chịu trách nhiệm nội dung
Phó Giám Đốc - Đồng Thị Tú Anh