Việt Nam nằm trong top đầu các quốc gia xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới, mang lại nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước. Trong đó tôm thẻ chân trắng, tôm sú,… là những đối tượng góp phần to lớn, đây cũng là các loại tôm được nuôi phổ biến hiện nay.
Tôm thẻ chân trắng (TTCT)
Tôm thẻ chân trắng (Penaeus vannamei) hiện là một trong những cái tên dẫn đầu trong các loại tôm được nuôi phổ biến hiện nay ở nước ta. Điều này không chỉ xuất phát từ giá trị dinh dưỡng mà còn nhờ vào các đặc tính của TTCT như: kháng bệnh khá cao, mức độ kháng chịu môi trường tốt, tốc độ sinh trưởng nhanh, có thể nuôi với mật độ cao từ 50 – 80 con/m2. Đó là lý do dù chỉ mới di nhập vào Việt Nam từ năm 2001 nhưng đến nay TTCT đang dần chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu tôm với diện tích nuôi không ngừng tăng.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2022 diện tích tôm nước lợ thả nuôi của cả nước đạt 747,761 nghìn héc-ta, trong đó diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng 117,306 nghìn héc-ta. Về sản lượng, tính chung 9 tháng năm 2024, sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 701.400 tấn, tăng 5,3%, giá trị xuất khẩu ước tính lên tới 935 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.
Tôm sú
Tôm sú (Penaeus Monodon) là đối tượng nuôi biển có giá trị kinh tế cao và là một trong các loại tôm được nuôi phổ biến ở hơn 22 quốc gia trên thế giới. Tôm sú là loài ăn tạp, có kích thước lớn so với các loại tôm thông thường, thịt ngon được nhiều người ưa chuộng, nhu cầu xuất khẩu cao. Tại Việt Nam, nghề nuôi tôm sú phát triển mạnh mẽ từ Bắc tới Nam, với trên 600.000 ha diện tích nuôi, sản lượng tôm sú mỗi năm đạt trên 300.000 tấn.

Tuy nhiên hiện nay, nghề nuôi tôm sú đang đối mặt với nhiều thách thức và có xu hướng giảm dần. Nguyên nhân chính là vì không chủ động được tôm bố mẹ do khai thác từ tự nhiên. Đặc biệt đặc tính của tôm sú không phù hợp với thời tiết lạnh, không thích hợp với ao phủ bạt, chưa kể chúng chỉ sống dưới tầng nước đáy, rất dễ nhiễm bệnh, nguy cơ gây chết tôm hàng loạt do các loại dịch bệnh tràn lan là vô cùng cao. Xem thêm: Nuôi tôm sú đang dần tăng trưởng trở lại>>>
Tôm càng xanh
Tôm càng xanh (Macrobrachium Rosenbergii) là một trong các loại tôm được nuôi phổ biến và có giá trị dinh dưỡng cao, là đặc sản có giá trị thương mại lớn. Đặc trưng của tôm càng xanh là ở giai đoạn ấu trùng phụ thuộc vào độ lợ của nước. Khi chuyển qua giai đoạn như là sinh vật phù du và trưởng thành thì nó lại hoàn toàn sống trong nước ngọt. Tôm càng xanh có thể nuôi luân canh, xen canh với cây lúa hay chuyên canh đều đạt hiệu quả tốt.

Việc nghiên cứu sản xuất giống tôm càng xanh ở Việt Nam bắt đầu từ những năm 1980, từ năm 1999 đến nay thì sản xuất giống tôm này phát triển nhanh. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong năm 2021, sản lượng tôm càng xanh tại Việt Nam đạt khoảng 22.000 tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các tỉnh ven biển phía Nam đóng góp chủ yếu cho sản lượng này, với Kiên Giang là nơi sản xuất tôm càng xanh nhiều nhất.
Tôm hùm
Tôm hùm (Panulirus.spp) thuộc họ Palinuniade là loài tôm có giá trị kinh tế cao. Là loài ăn tạp, chủ yếu là cá, giáp xác và nhuyễn thể. Môi trường sống thường là những nơi nước sạch, có hang hốc, san hô, chất đáy ở tầng đáy sạch, độ mặn cao (>30‰) và nhiệt độ nước luôn ổn định trong khoảng 22 – 320C. Tốc độ tăng trưởng của tôm hùm thường chậm do có chu kỳ lột xác dài. Tôm hùm nuôi trong lồng sau thời gian từ 18 tháng trở đi mới đạt giá trị thương phẩm, cỡ 1kg trở lên.
Ở Việt Nam, tôm hùm phân bố tự nhiên và được nuôi nhiều ở các tỉnh ven biển miền Trung như Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa… Mùa khai thác con giống chủ yếu từ tháng 11 năm trước đến tháng 4, 5 năm sau. Năm 2022, sản lượng tôm hùm đạt 3.126 tấn, số lồng nuôi đạt 18.945 lồng. Trong đó, chủ yếu là tôm hùm xanh, tôm hùm bông, một số ít là tôm hùm đỏ và tôm hùm tre.

Mặc dù có hiệu quả kinh tế cao nhưng nghề nuôi tôm hùm hiện chưa thể sản xuất giống nhân tạo, chỉ dựa vào con giống khai thác từ tự nhiên. Mặt khác, số lượng khai thác được không đáp ứng đủ nhu cầu nuôi. Bên cạnh đó, dịch bệnh của tôm hùm (bệnh sữa), giá thức ăn tăng cao, thời gian nuôi dài cũng là những khó khăn của nghề nuôi tôm hùm.
Hiện nay, do lợi nhuận từ nuôi tôm hùm lớn nên tại nhiều địa phương đã mở rộng quy mô nuôi lồng. Vì vậy, vấn đề cần làm ngay để phát triển lâu dài và bền vững của nghề nuôi tôm hùm chính là việc kiểm soát tốt số lượng lồng bè, tránh hiện tượng phá vỡ quy hoạch.
Trên đây là các loại tôm được nuôi phổ biến ở nước ta hiện nay, mỗi loài có những đặc trưng, lợi thế riêng. Tuy nhiên nhìn chung, đứng trước các áp lực về môi trường, con giống, dịch bệnh, giá thành,… con tôm Việt cần nuôi trồng theo hướng nuôi trồng bền vững mới có thể phát triển và tăng sức cạnh tranh.
>>> Xem thêm: Lưu ý cần biết khi nuôi tôm công nghiệp
Chịu trách nhiệm nội dung
Phó Giám Đốc - Đồng Thị Tú Anh
