Khuẩn lạc là một trong những khái niệm mà nhiều người chưa biết đến. Tuy nhiên, với các nhà nghiên cứu và người làm các công việc liên quan thì khái niệm này không còn xa lạ. Cùng tìm hiểu khuẩn lạc là gì và các cách đếm khuẩn lạc tại bài viết dưới đây nhé!
Các nội dung chính
Khuẩn lạc là gì? Phân loại ra sao?
Khuẩn lạc là một cụm, hay một “tập đoàn” vi khuẩn (Colony). Cụm vi khuẩn này có thể nhìn thấy được bằng mắt thường khi chúng phát triển trên bề mặt một giá thể cứng.
Có thể hiểu đơn giản, khi nuôi cấy một vi sinh vật nào đó trong môi trường nuôi cấy, chúng sẽ sinh trưởng và phát triển thành các khuẩn lạc. Dựa vào đó, người ta có thể xác định được mật độ của các vi sinh vật. Và tùy vào môi trường nuôi cấy, màu sắc, hình dạng mà phân loại thành nhiều loại khuẩn lạc khác nhau.
Các đơn vị tính khuẩn lạc
Hiện nay có 2 đơn vị tính khuẩn lạc được quốc tế công nhận. Đó là CFU và MPN.
CFU – Colony form units
CFU là viết tắt của Colony form units. Đây là đơn vị hình thành khuẩn lạc, được sử dụng để ước tính số lượng các vi khuẩn có trong một mẫu thử. Trường hợp kiểm tra các vi sinh vật trong mẫu thử bằng cách đếm khuẩn lạc trên đĩa petri, có 3 đơn vị tính khuẩn lạc. Bao gồm:
- CFU/ml: Được sử dụng cho các mẫu thử dạng lỏng (dung dịch). Ví dụ như mẫu nước trái cây, mẫu nước ao nuôi tôm, mẫu nước ao nuôi thủy sản,…
- CFU/g, CFU/25g: Được sử dụng cho các mẫu thử dưới dạng rắn. Có thể là các loại thực phẩm hoặc các nguyên liệu thực phẩm.
Và để tính số lượng CFU/ml hoặc CFU/g cần áp dụng công thức sau:
A (CFU/g hoặc CFU/mL) = N / (n1Vf1 +…+ n2Vf2)
Trong đó:
- A: Số lượng vi khuẩn có trong 1g hoặc 1ml mẫu.
- N: Tổng số khuẩn lạc đếm được.
- ni: Số lượng đĩa cấy với độ pha loãng thứ i.
- V: Thể tích mẫu cấy vào từng đĩa (ml).
- fi: Độ pha loãng.
MPN – Most Probable number
MPN là viết tắt của Most Probable number. Tức là số có xác xuất lớn nhất. Cách này có tác dụng ước tính số lượng các vi sinh vật được nuôi trong mẫu lỏng. Phương pháp này được dựa trên xác suất thống kê, nhằm xác định sự phân bố của các vi sinh vật trong nhiều mẫu có độ pha loãng khác nhau. MPN thường được ứng dụng trong việc kiểm tra chất lượng nước. Đơn vị của cách tính MPN là MPN/ml.
Sự giống và khác nhau của CFU và MPN
Cả hai đơn vị CFU và MPN đều được công nhận bởi nhiều tổ chức khoa học quốc tế. Trong đó có Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ EPA và Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO. Và tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, người ta đều ứng dụng CFU và MPN với vai trò thay thế nhau.
Tuy nhiên, cả hai cũng có một số sự khác biệt. CFU thường sẽ được tính từ phương pháp đổ đĩa thạch. Trong khi đó MPN được tính bằng phương pháp lên men nhiều ống. Cụ thể sự khác biệt như sau:
- Đối với MPN: Các mẫu sẽ được nuôi trong môi trường nuôi cấy vi sinh vật dạng lỏng. Sau đó, kết quả thu được sẽ được đem so sánh với bảng xác suất.
- Đối với CFU: Các vi khuẩn sẽ phát triển trên môi trường đặc (các loại đĩa thạch). Nếu sử dụng phép đo này thì việc đếm khuẩn lạc sẽ thực hiện thủ công hoặc sử dụng một số máy đếm, ứng dụng hiện đại.
Các cách đếm khuẩn lạc
Có 2 phương pháp đếm khuẩn lạc, bao gồm phương pháp đếm thủ công và phương pháp đếm tự động. Tuy nhiên, để thực hiện các bước đếm, ta phải tiến hành pha và cấy mẫu để thu được khuẩn lạc trước.
Pha loãng mẫu, cấy mẫu và ủ trước khi đếm
Trước khi có thể đếm khuẩn lạc, cần phải pha loãng mẫu vi sinh và cấy mẫu lên đĩa thạch. Cần phải trải qua bước pha loãng này là bởi nếu chỉ tạo một vệt mẫu trên đĩa thạch, các khuẩn lạc riêng rẽ sẽ phát triển chồng lên nhau. Điều này khiến cho việc đếm gặp nhiều khó khăn và dễ nhầm lẫn.
Do đó, cần trộn mẫu vi sinh vật với dung dịch và pha loãng tiếp với dịch mẫu ban đầu. Lặp lại quá trình pha loãng từ 6 – 10 lần. Sau đó mới trải dung dịch dàn đều lên đĩa thạch và ủ. Sau khoảng 4 – 7 ngày ủ là có thể đếm số lượng khuẩn lạc đã phát triển.
Sau khi các khuẩn lạc đã phát triển, tiến hành đếm khuẩn lạc bằng 2 cách:
Cách đếm thủ công
Sau khi đã ủ mẫu, thực hiện đếm khuẩn lạc thủ công. Trong đó, mỗi chấm trên mẫu chính là một khuẩn lạc. Để việc đếm được dễ dàng và không có sự nhầm lẫn, bạn đặt đĩa thạch lên trên một tấm lưới có ô. Lần lượt đếm khuẩn lạc trên trong mỗi ô cho đến hết.
Để đảm bảo kết quả tốt nhất, với mỗi mẫu thử nghiệm nên nuôi cấy trong ít nhất 3 đĩa. Và lưu ý rằng nên lựa chọn các đĩa thạch có từ 30 – 300 khuẩn lạc. Điều này giúp kết quả đáng tin cậy hơn. Trường hợp các đĩa thạch có quá ít hoặc quá nhiều khuẩn lạc thì cần phải thực hiện lại bước pha loãng mẫu ban đầu.
Cách đếm tự động
Việc đếm khuẩn lạc thủ công sẽ tốn nhiều thời gian. Ngoài ra thao tác thủ công cũng dễ gây nhầm lẫn do nhiều yếu tố chủ quan. Do đó, người ta đã phát triển ra các thiết bị giúp đếm khuẩn lạc tự động.
Các máy đếm này sẽ hoạt động bằng cách chụp ảnh của đĩa thạch đã ủ. Sau đó, nó tách các khuẩn lạc ra khỏi nền. Cuối cùng là dùng thuật toán để đếm các khuẩn lạc có trên hình.
Tuy nhiên, có nhiều trường hợp các khuẩn lạc nằm chồng lên nhau hoặc nằm sát phần rìa. Điều này sẽ gây khó khăn cho các thuật toán của phương pháp tự động.
Do đó, ngoài các máy đếm tự động, các nhà nghiên cứu cũng đã phát triển ra các ứng dụng đếm khuẩn lạc. Cách này sẽ giúp giảm được thời gian và sai số khi đọc kết quả đếm.
Ý nghĩa của phương pháp đếm khuẩn lạc
Các khuẩn lạc có thể đếm được bằng mắt thường hoặc quan sát qua kính hiển vi. Phương pháp đếm này đóng vai trò trong việc ước tính lượng vi khuẩn/nấm.
Đếm khuẩn lạc được áp dụng phổ biến trong việc nghiên cứu, kiểm nghiệm các vi sinh vật ở các ngành nuôi trồng thủy sản, thực phẩm, y học, nông nghiệp,… Mục đích cuối cùng là dựa vào đó, tham khảo, tính toán, phân tích và chẩn đoán những rủi ro, bệnh truyền nhiễm xảy ra trong quá trình nuôi trồng.
Tham khảo: Các môi trường nuôi cấy vi sinh vật
Trên đây là tổng hợp thông tin về khuẩn lạc, các đơn vị của nó và những phương pháp đếm. Hy vọng rằng, thông qua bài viết này, Microbelift đã giúp cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích. Theo dõi website chúng tôi tại hoặc liên hệ hotline 02836208606 – 0283 6208601 để được hỗ trợ tư vấn nhé!
Chịu trách nhiệm nội dung
Phó Giám Đốc - Đồng Thị Tú Anh