nuôi tôm nước lợ

Những mô hình nuôi tôm nước lợ mang lại hiệu quả cao

Thời tiết biến đổi thất thường, nguồn nước trong ao nuôi tôm dễ bị biến đổi. Kèm theo đó là tình hình dịch bệnh thường xuyên xảy ra trong ao nuôi khiến bà con nuôi tôm nước lợ gặp không ít khó khăn trong việc quản lý chất lượng nguồn nước và phải chịu thiệt hại nặng nề về kinh tế. Do vậy, các biện pháp kỹ thuật mới trong chăn nuôi được áp dụng nhằm giúp bà con quản lý ao nuôi dễ dàng hơn và đạt hiệu quả tốt hơn.     

Nuôi tôm hai giai đoạn

Nuôi tôm hai giai đoạn là kỹ thuật được nhiều bà con nuôi tôm áp dụng trong những năm gần đây. Đây là mô hình nuôi tôm bao gồm giai đoạn ương và giai đoạn nuôi thương phẩm nhằm mục đích rút ngắn thời gian nuôi, nâng mật độ, năng suất, sản lượng, giảm thiểu rủi ro và chi phí.

Khi áp dụng kỹ thuật nuôi tôm hai giai đoạn, sản lượng tôm sẽ tăng từ 20-30%. Mật độ tôm ương từ 500-10.000 PL/m3 với cỡ thu từ 0,3-3g (1-3 kg/m3), người nuôi thả tôm từ PL 45 trở đi thay vì PL10-12 như trước đây nên tỷ lệ sống tăng, rút ngắn thời gian nuôi thương phẩm từ 20-30 ngày và giảm tỷ lệ chuyển hóa thức ăn từ 10-30%. 

Thời gian ương tôm thường từ 25 – 30 ngày. Khi tôm đã đạt trọng lượng khoảng 1gr có thể đưa sang ao nuôi thương phẩm. Nếu gặp điều kiện môi trường nước tốt, diện tích rộng và mật độ thả nuôi thưa hơn, tôm sẽ phát triển nhanh và khỏe mạnh, có thể thu hoạch sau 30 – 60 ngày nuôi.

Tuy nhiên, khi sang tôm từ ao ương sang ao nuôi, cần thực hiện cẩn thận để tránh làm tôm bị sốc hay yếu đi, dễ bị xâm nhập bởi các mầm bệnh. Trong quá trình sang tôm, cầm đảm bảo cung cấp đủ oxy và vận chuyển với mật độ phù hợp.

Nếu ao ương sát bên ao nuôi, có thể vận chuyển bằng thùng với thể tích 20 lít nước có sục khí và chứa được 2 kg tôm cỡ 0,4-1g/tôm. Với khoảng cách xa hơn có thể vận chuyển 20-40 kg tôm trong thể tích bể vận chuyển 1.000-2.000 lít. 

Về quản lý thức ăn của tôm, nên cho tôm ăn loại thức ăn nhiều năng lượng và protein, cứ cách 2 giờ cho tôm ăn 1 lần. Nên thường xuyên theo dõi lượng thức ăn thừa, chất lượng nước và tốc độ tăng trưởng của tôm để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp. 

Ngoài ra, kỹ thuật nuôi tôm hai giai đoạn còn là kỹ thuật hiệu quả trong việc làm giảm nguy cơ mắc bệnh hoại tử gan tụy cấp và đốm trắng ở tôm.   

Áp dụng công nghệ Biofloc, nuôi tôm ít thay nước

nuôi tôm nước lợ

Biofloc là công nghệ sinh học theo hướng mới được ứng dụng trong nuôi tôm dựa trên nguyên lý cơ bản của bùn hoạt tính dạng lơ lửng. Công nghệ Biofloc giúp giải quyết  hai vấn đề trong ao nuôi, đó là loại bỏ các chất dinh dưỡng chuyển hóa vào sinh khối vi khuẩn dị dưỡng xử lý nước trong ao nuôi và sử dụng nó để làm thức ăn bổ sung tại chỗ cho tôm. (Tham khảo thêm công nghệ Biofloc)

Hệ thống biofloc vận hành với tỉ lệ trao đổi nước rất thấp, có thể giảm đến 70% lượng nước thay thế và giảm thất thoát đến 77% lượng nitơ so với hệ thống nuôi thay nước truyền thống. Việc trao đổi nước ít giúp biofloc hoạt động tốt hơn, tăng cường xử lý các chất thải hữu cơ và chất dinh dưỡng. 

Các biofloc trong ao nuôi là tập hợp một khối các chất hữu cơ trong nước như tảo đơn bào, tảo đa bào, thức ăn dư thừa, xác vi sinh vật,… Biofloc có khả năng đồng hóa các loại chất thải hữu cơ chuyển thành sinh khối của vi khuẩn trong thời gian rất ngắn nhằm cải thiện môi trường nước mà không cần ánh sáng như các loại tảo. Hàm lượng dinh dưỡng trong biofloc rất cao, là nguồn thức ăn chất lượng cho tôm. 

Một hệ thống biofloc cần đáp ứng các yêu cầu cơ bản như ao nuôi phải được làm bằng bê tông hoặc phủ bạc HDPE cả bờ, lẫn đáy ao, mật độ nuôi cao 130 – 150 PL10/m2, sục khí mạnh với khoảng 28 – 30 hp/ ha, cánh quạt được lắp đặt đúng vị trí trong ao nuôi. Những ao nuôi áp dụng công nghệ biofloc cho thấy sản lượng tôm tăng 41,3%, tỉ số hiệu quả chuyển đổi protein tăng 12%, và tỉ lệ chuyển hóa thức ăn thấp hơn 7,22%.  

Mô hình nuôi tôm trong nhà lưới

Nuôi tôm trong nhà lưới là mô hình cần có nguồn vốn đầu tư cao và đòi hỏi sự quản lý chặt chẽ để mang lại hiệu quả. Việc thiết kế hệ thống mái che trong mô hình nuôi tôm siêu thâm canh có tác dụng ngăn chặn các tác động xấu từ môi trường vào ao nuôi, nhất là những ảnh hưởng do thời tiết. Trong mô hình này, người nuôi có thể thả tôm thẻ chân trắng với mật độ 200-250 con/m2, sau 2,5-3 tháng nuôi có thể thu hoạch với năng suất lên đến  60-70 tấn/ha.

Trong quá trình nuôi, cần trang bị đầy đủ các thiết bị, máy móc cần thiết và đặc biệt phải chuẩn bị hệ thống sục khí đầy đủ để đáp ứng nhu cầu oxy hòa tan của tôm. Ao lắng trong mô hình nuôi cần được xây dựng với diện tích ít nhất là 25% tổng diện tích mặt nước trang trại nuôi.

Ngoài ra, trong quá trình nuôi cũng cần tiến hành kiểm tra thường xuyên các yếu tố chất lượng nước như nhiệt độ, độ pH, nồng độ DO,… duy trì nguồn nước luôn ở mức ổn định, tốt cho sự phát triển của tôm. Các yếu tố như NO2-N, NH3-N, PO4-P, độ kiềm, H2S, Vibrio cũng cần được kiểm tra định kì 2-3 ngày/lần. (Tham khảo các chỉ số ảnh hưởng đến nước nuôi tôm)

Một số lưu ý để nuôi tôm nước lợ đạt năng suất cao

nuôi tôm nước lợ

Hiện nay các trang trại thả quanh năm, gối vụ liên tục nên không quá quan tâm đến yếu tố này.

  • Theo dõi diễn biến thời tiết thường xuyên

Trước khi thả tôm 5 – 10 ngày, bà con nên theo dõi diễn biến thời tiết thường xuyên. Nên tạm dừng thả giống nếu thời tiết không thuận lợi. 

  • Nên ương dưỡng 2-3 giai đoạn và sử dụng con giống cỡ lớn để thả nuôi thương phẩm

Ương tôm trước khi thả nuôi thương phẩm giúp nâng cao chất lượng con giống, tạo ra những con giống khỏe mạnh, có khả năng sống tốt để nuôi thương phẩm hiệu quả, cho năng suất thu hoạch cao. 

  • Không dùng các loại hóa chất và kháng sinh cấm sử dụng trong quá trình nuôi 
  • Chọn nguồn tôm giống chất lượng, đã kiểm tra mầm bệnh từ các trung tâm cung cấp giống uy tín. (Tham khảo cách chọn tôm giống)

Trên đây là những kỹ thuật nuôi tôm nước lợ hiệu quả, được áp dụng phổ biến hiện nay. Để đạt năng suất tôm nuôi cao hơn và quản lý ao tôm tốt hơn, bà con hãy tìm hiểu và thử nghiệm ngay những phương pháp nuôi tôm mới này nhé!

Tài liệu tham khảo:

Chịu trách nhiệm nội dung

Phó Giám Đốc - Đồng Thị Tú Anh

Chữ ký