Trong quá trình nuôi tôm thẻ chân trắng, dịch bệnh luôn là yếu tố khiến bà con lo lắng. Có khá nhiều loại bệnh do ký sinh trùng gây ra, nguyên nhân đến từ việc nguồn nước nuôi tôm ngày càng bị ô nhiễm. Dưới đây là một số loài ký sinh trùng trên tôm mà bà con thường gặp trong quá trình nuôi cũng như bệnh mà chúng gây ra cho tôm.
Các nội dung chính
Ký sinh trùng là gì? Phân loại ký sinh trùng trên tôm
Ký sinh trùng là loài vật sống ký sinh trên một sinh vật khác – ký chủ (có thể là con người, thực vật hoặc động vật) và dựa hoàn toàn vào ký chủ để tồn tại, phát triển và sinh sôi. Thông thường, ký sinh trùng rất ít khi giết hại ký chủ vì chúng sống dựa trên nguyên tắc cộng sinh không tương hỗ, dựa vào việc lấy chất dinh dưỡng của ký chủ để phát triển. Tuy nhiên khi ký sinh trên ký chủ, ký sinh trùng có thể là nguồn lây lan dịch bệnh và khi phát triển quá mức, chúng có thể gây chết cho cả ký chủ.
Đối với tôm thẻ chân trắng, có 2 loại ký sinh trùng phổ biến là:
- Ký sinh trùng ngoại bào (ngoại ký sinh trùng): sống ký sinh bên ngoài cơ thể tôm. Loại ký sinh trùng này thường ít gây hại cho tôm, trừ trường hợp chúng phát triển số lượng lớn.
- Ký sinh trùng nội bào (nội ký sinh trùng): sống ký sinh bên trong cơ thể tôm. Loại ký sinh trùng này có nhiều loài gây hại cho tôm, như Microspora, Haplospora, Gregarine…
Một số loài ký sinh trùng trên tôm bà con cần biết
Nội ký sinh trùng trên tôm
Ký sinh trùng Gregarine
Ký sinh trùng Gregarine còn được gọi là trùng hai tế bào Gregarine hoặc ký sinh trùng hai roi. Loài ký sinh trùng này thường ký sinh trong đường ruột tôm và gây nên bệnh phân trắng trong giai đoạn tôm nuôi 40 ngày tuổi trở đi. Bệnh này không gây chết tôm hàng loạt nhưng ảnh hưởng rất lớn đến năng suất thu hoạch.
Quá trình gây bệnh của ký sinh trùng Gregarine được mô tả như sau: Khi ký sinh trong đường ruột tôm, Gregarine sẽ gây tổn thương dần dần các biểu mô, làm tắc nghẽn đường ruột và tổn thương niêm mạc ruột, khiến tôm hấp thu chất dinh dưỡng từ thức ăn kém dần. Ban đầu tôm có thể giảm ăn, khi bị nặng có thể bỏ ăn.
Dấu hiệu tôm nhiễm ký sinh trùng Gregarine:
- Trong ao nuôi xuất hiện các sợi phân trắng.
- Quan sát đường ruột tôm thấy bị đứt quãng hoặc trống đường ruột.
- Vỏ tôm bị mềm, tôm chậm lớn, bỏ ăn, màu sắc sẫm hơn bình thường.
Ký sinh trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP)
Ký sinh trùng Enterocytozoon hepatopenaei (viết tắt là EHP) thường ký sinh trong gan/tụy của tôm và gây ra bệnh vi bào tử trùng, còn được gọi là bệnh EHP. Tương tự như Gregarine, ký sinh trùng EHP không gây chết tôm hàng loạt nhưng lại làm giảm đáng kể năng suất thu hoạch tôm cuối vụ, khiến người nuôi thiệt hại nhiều về kinh tế.
Tham khảo: Cách phát hiện và phòng bệnh EHP ở tôm
Quá trình gây bệnh của ký sinh trùng EHP được mô tả như sau: Khi ký sinh trùng EHP xâm nhập vào các biểu mô trong gan/tụy, chúng sẽ sinh sôi và làm thay đổi các chỉ số hóa sinh của tôm như albumin, aspartate transaminase (AST), alkaline phosphatase và protein tổng số; cản trở tôm hấp thu chất dinh dưỡng, khiến tôm còi cọc, suy giảm sức đề kháng và chậm lớn.
Dấu hiệu tôm nhiễm ký sinh trùng EHP:
- Kích cỡ của tôm không đồng đều giữa các con tôm trong cùng một ao nuôi.
- Tôm tăng trưởng chậm, tốc độ tăng trưởng chỉ bằng khoảng 10-40% so với tôm bình thường.
- Vỏ tôm bị mềm, giảm ăn, rỗng ruột và chết rải rác.
- Cơ thể tôm có màu trắng đục hoặc trắng sữa.
Tham khảo: Cách xử lý ao nhiễm EHP
Ký sinh trùng Haplosporidian infections và Hepatopancreatic haplosporidiosis
Ký sinh trùng Haplosporidian infections và Hepatopancreatic haplosporidiosis thường ký sinh trong gan tụy của tôm và gây nên bệnh Haplosporidian. Tôm sẽ tăng trưởng chậm đáng kể khi nhiễm phải 2 ký sinh trùng này.
Dấu hiệu tôm nhiễm ký sinh trùng Haplosporidian infections và Hepatopancreatic haplosporidiosis:
- Gan tụy của tôm bị co/teo lại.
- Cơ thể tôm có màu sắc nhợt nhạt do bị giảm sắc tố melanin ở tế bào biểu bì.
- Tôm tăng trưởng chậm hơn so với bình thường.
Ngoại ký sinh trùng trên tôm
Một số loài ngoại ký sinh trùng trên tôm thường gặp trong quá trình nuôi là Epistylis, Zoothamnium, Tokophrya, Acineta và Vorticella. Đây là những ký sinh trùng đơn bào có hình dạng như loa kèn, chúng có thể sống theo kiểu đơn lẻ hoặc sống thành tập đoàn. Trong 5 loài ký sinh trùng kể trên, Zoothamnium sp. và Vorticella sp. là 2 loài ký sinh trùng thường xuất hiện nhất trong cả trại giống và ao nuôi thương phẩm. Ở các trại giống, các loài ký sinh trùng này là nguyên nhân khiến ấu trùng tôm nhiễm các vi-rút gây hại.
Dấu hiệu tôm nhiễm ngoại ký sinh trùng: Trên vỏ, phụ bộ và mang tôm có nhiều sinh vật bám dính khiến tôm kém linh hoạt, hoạt động khó khăn và thậm chí gây cản trở quá trình tôm hô hấp.
Tham khảo: Cách phòng và điều trị tôm nhiễm ký sinh trùng
Trên đây là một số loài ký sinh trùng trên tôm mà bà con thường gặp trong quá trình nuôi. Để phòng tránh tôm nhiễm ký sinh trùng, điều cốt yếu bà con cần thực hiện là chọn con giống tốt, cải tạo ao nuôi kỹ và đảm bảo chất lượng nguồn nước trong suốt vụ nuôi. Liên hệ ngay cho Biogency nếu bà con gặp bất kỳ khó khăn nào trong quá trình nuôi tôm thẻ chân trắng, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ và đồng hành cùng bà con để có những mùa vụ bội thu.
Chịu trách nhiệm nội dung
Phó Giám Đốc - Đồng Thị Tú Anh