nuôi cá kèo

Làm sao để nuôi cá kèo hiệu quả?

Để nuôi cá kèo thành công, bên cạnh cá giống thì kỹ thuật nuôi đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Bài viết dưới đây Biogency sẽ chia sẻ đến bà con toàn bộ kỹ thuật nuôi cá kèo, từ lúc chuẩn bị ao, con giống… đến khi thu hoạch.

Chuẩn bị ao để nuôi cá kèo

Ao nuôi cá kèo thường có diện tích từ 1000 mét vuông trở lên (không nên nuôi trên 1 ao có diện tích quá lớn mà nên chia ra thành nhiều ao nhỏ để dễ chăm sóc, kích thước mỗi ao không nên quá 2000 mét vuông), độ sâu của ao từ 1,5-2m, cao hơn mực nước triều cường ít nhất 0,5m và bờ ao ngăn cách ít nhất 3m.

Khi lựa chọn vị trí để làm ao nuôi cá kèo nên chọn vùng gần nguồn nước, nguồn thức ăn. Xung quanh ao nên giăng lưới để tránh địch hại và cây cối/rác thải trôi vào ao.

Trước khi vào vụ nuôi mới, việc cải tạo ao nuôi là rất cần thiết:

  • Đối với ao nuôi mới: Trước khi nuôi cần bơm nước vào ao và ngâm từ 2-3 lần để rửa phèn.
  • Đối với ao nuôi cũ hoặc ao nuôi chuyển đổi từ loài thủy sản khác: Tháo cạn nước trong ao, sên vét bùn đáy, tiến hành bón vôi và phơi đáy ao cho khô để tiêu diệt mầm bệnh, khử phèn.

Sau bước chuẩn bị ao, bắt đầu cấp nước vào để thả giống. Nước cấp vào ao nên được xử lý qua ao lắng trước để đảm bảo không có mầm bệnh, ấu trùng, phù sa xâm nhập vào ao. Mực nước cấp vào ao cho lần đầu khoảng từ 0,35-0,4m (sau khi cấp nước vào ao khoảng 2-3 ngày cần tiến hành diệt tạp và diệt khuẩn) trước khi thả cá giống, sau đó tăng dần lên theo sự phát triển của cá (trung bình khoảng 30-40cm/tháng).

nuôi cá kèo
Nuôi cá kèo – Mô hình giúp nhiều bà con phát triển kinh tế

Chọn lọc con giống

Cá kèo giống tự nhiên thường được khai thác chính vào tháng 4-5 hoặc tháng 9-11 hằng năm. Để chọn được cá giống chất lượng, một số điểm cần lưu ý là:

  • Cá kèo giống có kích cỡ tương đồng, từ 3-5cm.
  • Nên chọn cá kèo giống màu đen thay vì màu trắng.
  • Cá giống được các cơ sở giống ương gièo lại từ 4-5 ngày để phục hồi sức khỏe và đã thích nghi với môi trường ao nuôi.
  • Cá hoạt động nhanh nhẹn, không bị nhiễm bệnh, bóng bẩy, có nhiều nhớt.

Thả nuôi mật độ phù hợp

Mật độ thả nuôi cá kèo trung bình khoảng 50 con/m2. Nếu bà con có kỹ thuật nuôi tốt thì có thể thả nuôi với mật độ cao hơn, tuy nhiên không nên vượt quá 100 con/m2.

Quản lý cho ăn

Cá kèo là loài ăn tạp. Ngoài thức ăn tự nhiên trong ao như rong tảo, mùn bã hữu cơ, sinh vật phù du… chúng cũng có thể ăn cả thức ăn công nghiệp và thức ăn tự chế biến.

Do đó, để duy trì lượng thức ăn hữu cơ trong ao nuôi cá kèo, cần bón phân hữu cơ hoai mục định kỳ vào ao, thường là từ 10-15kg/100m2/tuần; hoặc phân vô cơ như DAP, NPK với liều lượng từ 100-150gram/m2/tuần.

Đối với thức ăn tự chế biến, nguyên liệu thường cho cá ăn là cám gạo (chiếm khoảng 60-70%) và bột cá (chiếm khoảng 30-40%). Trộn đều hỗn hợp này sau đó nấu chín, và cho thêm khoáng, vitamin (A, D, E, C) là có thể cho cá ăn.

Đối với thức ăn công nghiệp, cần lựa chọn kích cỡ thức ăn dựa theo sự phát triển của cá kèo. Ví dụ, khi cá còn nhỏ nên lựa chọn thức ăn dạng bột mịn, sau đó từ từ tăng dần kích thước thức ăn sang dạng viên.

Lưu ý:

  • Dù là thức ăn tự chế biến hay thức ăn công nghiệp, hàm lượng đạm cần có trong khẩu phần ăn của cá nên dao động trong khoảng từ 25-28% và giảm dần khi cá lớn lên.
  • Khi nuôi cá kèo, thời gian cho ăn lý tưởng là vào sáng sớm và chiều mát, do đó nên cho cá ăn 2 cữ/ngày vào khung thời gian này.
  • Trong quá trình cho ăn nên bổ sung thêm men đường ruột Microbe-Lift DFM để cung cấp thêm hệ lợi khuẩn cho đường ruột cá, giúp cá tiêu hóa thức ăn và hấp thu dưỡng chất từ thức ăn tốt hơn.

Quản lý môi trường ao nuôi

Để nuôi cá kèo hiệu quả, cần chú ý đến việc chống sốc cho cá vì loài vật này cũng rất nhạy cảm với môi trường. Những biện pháp để chống sốc khi nuôi cá kèo là:

  • Không nên thay nước một lần quá nhiều, mỗi lần thay nên tối đa khoảng 30% nước.
  • Khi trời mưa, cần bón vôi trên bờ ao và tạt xuống ao để ổn định pH cho ao.
  • Mực nước ao cần điều chỉnh tăng dần theo sự phát triển của cá. Ví dụ khi mới thả giống mực nước trong ao chỉ khoảng 0,35-0,4m, sau đó mỗi tuần nên nâng mực nước lên khoảng 0,2m cho đến khi đạt mực nước tối đa.
  • Kiểm tra mực nước; các yếu tố của nước như nhiệt độ, pH, độ mặn, độ kiềm, độ đục… và điều chỉnh khi có sự thay đổi bất thường.
  • Sử dụng định kỳ men vi sinh xử lý nước AQUA C, men vi sinh xử lý khí độc AQUA N1 và men vi sinh xử lý đáy ao AQUA SA để làm sạch ao, tránh cho ao bị nhiễm bẩn bởi thức ăn thừa, tảo tàn, mùi hôi… làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cá.
nuôi cá kèo
Men vi sinh Microbe-Lift giúp xử lý các vấn đề của nước ao nuôi.
  • Thực hiện các biện pháp chắn/lọc trong quá trình thay nước để giảm thiểu sự xâm nhập của địch hại vào ao, điển hình như các loài cá khác, cua, rắn nước biển…

Thu hoạch cá kèo

Một vụ nuôi cá kèo thường kéo dài từ 3-5 tháng là có thể thu hoạch. Trọng lượng cá lúc này đạt khoảng từ 30-40gram/con. Thời gian thu hoạch cá kèo tốt nhất trong ngày là vào lúc xế chiều hoặc chập tối. Để thu hoạch cá kèo, cần xả bớt nước trong ao (khoảng 40%), sau đó dùng lưới kéo phủ lên bề mặt ao và gom chúng về một điểm cố định rồi vớt cá. Sau khi vớt hết cá, tiến hành xả nước thêm một lần nữa để thu hoạch hết lượng cá con lại.

nuôi cá kèo
Thu hoạch cá kèo

Trên đây là những kỹ thuật giúp nuôi cá kèo hiệu quả và đạt được hiệu quả kinh tế cao. Sử dụng men vi sinh trong nuôi cá kèo là cách giúp cho nghề nuôi cá phát triển bền vững. Chúc bà con áp dụng thành công và có những mùa vụ bội thu. Mọi thắc mắc xin liên hệ Biogency qua Hotline 0909 538 514 để được giải đáp.

Chịu trách nhiệm nội dung

Phó Giám Đốc - Đồng Thị Tú Anh

Chữ ký