Tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh có hoạt động phát sinh nguồn ô nhiễm ảnh hưởng đến môi trường đều bắt buộc phải thực hiện quan trắc môi trường. Quy định pháp luật về quan trắc môi trường được quy định cụ thể trong Luật Bảo vệ môi trường 2020. Dưới đây là chi tiết quy định.
Các nội dung chính
Định nghĩa về quan trắc môi trường
Căn cứ theo khoản 25 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2020 thì “Quan trắc môi trường là việc theo dõi liên tục, định kỳ, đột xuất, có hệ thống về thành phần môi trường, các nhân tố tác động đến môi trường, chất thải nhằm cung cấp thông tin đánh giá hiện trạng môi trường, diễn biến chất lượng môi trường và tác động xấu đến môi trường”.
Hiểu đơn giản, quan trắc môi trường là việc các cơ quan, doanh nghiệp đánh giá về thành phần môi trường, các nhân tố tác động đến môi trường, chất thải nhằm cung cấp thông tin đánh giá hiện trạng môi trường, diễn biến chất lượng môi trường và tác động xấu đến môi trường.
Quy định pháp luật về quan trắc môi trường mới nhất!
Quan trắc môi trường giúp các cơ quan quản lý, theo dõi biến đổi môi trường để kịp thời có giải pháp xử lý, góp phần giảm thiểu các mối nguy hại đến sức khoẻ con người và môi trường xung quanh. Quy định pháp luật về quan trắc môi trường được quy định tại chương IX trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 như sau:
Quy định chung về quan trắc môi trường
- Quan trắc môi trường bao gồm quan trắc chất thải và quan trắc môi trường, được thực hiện thông qua quan trắc tự động, liên tục, quan trắc định kỳ, quan trắc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có phát sinh chất thải ra môi trường phải thực hiện quan trắc theo quy định tại Điều 111 và Điều 112 của Luật này, bảo đảm tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
- Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia quan trắc môi trường và công bố thông tin về chất lượng môi trường cho cộng đồng theo quy định của pháp luật. Tổ chức, cá nhân quan trắc môi trường và công bố thông tin về chất lượng môi trường cho cộng đồng chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin.
- Hoạt động quan trắc môi trường phải bảo đảm chất lượng và kiểm soát chất lượng, cung cấp kết quả quan trắc chính xác, tin cậy.
- Phương tiện, thiết bị quan trắc môi trường phải được kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định của pháp luật về đo lường.
>>> Xem thêm: Bộ Tài nguyên và Môi trường: Quản lý, kiểm soát chặt chẽ nước thải công nghiệp
Đối tượng quan trắc môi trường
Thành phần môi trường phải được quan trắc bao gồm:
- Môi trường nước gồm nước mặt, nước dưới đất, nước biển.
- Môi trường không khí xung quanh.
- Môi trường đất, trầm tích.
- Đa dạng sinh học.
- Tiếng ồn, độ rung, bức xạ, ánh sáng.
Nguồn thải, chất thải, chất ô nhiễm phải được quan trắc bao gồm:
- Nước thải, khí thải.
- Chất thải công nghiệp phải kiểm soát để phân định chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật.
- Phóng xạ.
- Chất ô nhiễm khó phân hủy phát thải và tích tụ trong môi trường.
- Các chất ô nhiễm khác.
Trách nhiệm quan trắc môi trường
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm sau đây:
- Chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra hoạt động quan trắc môi trường trên phạm vi cả nước; tổ chức thực hiện chương trình quan trắc môi trường quốc gia gồm chương trình quan trắc môi trường sông và hồ liên tỉnh, biển, vùng kinh tế trọng điểm, các khu vực có tính chất liên vùng, liên tỉnh, môi trường xuyên biên giới và môi trường tại các vùng có tính đặc thù; thực hiện quan trắc đa dạng sinh học tại khu bảo tồn thiên nhiên.
- Lập, thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
- Hướng dẫn kỹ thuật xây dựng hệ thống quan trắc môi trường quốc gia và cấp tỉnh; quan trắc đa dạng sinh học.
2. Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thực hiện chương trình quan trắc phóng xạ gồm các chương trình quan trắc thành phần phóng xạ trong môi trường.
3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thực hiện chương trình quan trắc môi trường phục vụ quản lý nông nghiệp gồm các chương trình quan trắc nước, đất, trầm tích phục vụ mục đích thủy lợi, khai thác và nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp.
4. Bộ Y tế tổ chức thực hiện chương trình quan trắc môi trường lao động trong khu vực làm việc.
5. Bộ Quốc phòng tham gia hoạt động quan trắc nước biển xa bờ, môi trường xuyên biên giới.
6. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện các chương trình quan trắc môi trường trên địa bàn, báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp, Bộ Tài nguyên và Môi trường về kết quả quan trắc môi trường hằng năm.
Trên đây là quy định pháp luật về quan trắc môi trường mới nhất để bạn đọc quan tâm dễ dàng tham khảo!
>>> Xem thêm: Tổng kết tình hình thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải
Chịu trách nhiệm nội dung
Phó Giám Đốc - Đồng Thị Tú Anh