Tảo tàn là hiện tượng đáng lo ngại trong ao nuôi tôm và gây nhiều khó khăn cho bà con trong quá trình xử lý. Tại sao lại xuất hiện tảo tàn nước ao nuôi tôm và ảnh hưởng của nó như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp bà con nắm rõ.
Các nội dung chính
Nguyên nhân gây ra tảo tàn nước ao nuôi tôm
Trong ao nuôi tôm, tảo là thành phần rất quan trọng, có ảnh hưởng đến hàm lượng oxy trong nước và đồng thời cũng là nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm. Tuy nhiên, sự có mặt của tảo trong ao nuôi cũng tồn tại nhiều nguy hại như tảo độc phát triển, hiện tượng tảo nở hoa,… đặc biệt là tình trạng tảo tàn nước ao nuôi tôm. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tảo tàn, có thể kể đến như sau:
Biến động thời tiết
Tảo luôn cần ánh sáng để quang hợp và tạo ra oxy hòa tan. Khi gặp điều kiện thời tiết mưa nhiều, kéo dài, thiếu ánh sáng, tảo không đủ điều kiện để quang hợp nên sẽ lụi tàn.
Lượng thức ăn dư thừa trong ao
Khi cho tôm ăn nhiều, lượng thức ăn thừa và chất thải từ tôm trong ao nuôi sẽ gia tăng đáng kể. Đây là một trong những yếu tố khiến màu nước trở nên đậm hơn. Nếu không quản lý tốt màu nước sẽ ảnh hưởng đến khả năng phát triển của tảo, dẫn đến tảo tàn.
Ít cắt tảo định kỳ
Nếu gặp điều kiện môi trường nước thuận lợi, tảo sinh sống trong ao nuôi sẽ phát triển mạnh. Trong thời gian dài, nếu người nuôi không cắt tảo thường xuyên, tảo sẽ già và mật độ tảo trở nên dày đặc.
Cắt tảo không đúng cách
Cắt tảo không đúng cách hay sử dụng hóa chất quá liều để diệt tảo sẽ ảnh hưởng đến môi trường nước và cản trở khả năng phát triển của các mầm tảo, dẫn đến sụp tảo.
Dấu hiệu nhận biết tảo tàn trong ao nuôi tôm
Nếu ao nuôi bị tảo tàn, bà con sẽ thấy có xác tảo hay các chất lơ lửng nổi trên mặt nước, mặt ao nổi bọt nhiều dù có chạy quạt nước hay không. Nước ao cũng bị đổi màu khác thường, có thể bị đục màu hoặc chuyển sang trắng bạc.
- Đối với ao nuôi tôm lót bạt, độ trong của nước > 40cm, trong ao xuất hiện nhiều bọt và chất lơ lửng.
- Nước trong các ao nuôi tôm đất trở nên trong hoặc đục hơn do bùn sình.
Ảnh hưởng của tảo tàn đến ao nuôi tôm
Tảo tàn gây nhiều hệ lụy cho ao nuôi, nhất là sức khỏe của tôm. Khi tảo tàn, tôm bị thiếu đi nguồn oxy do tảo quang hợp ban ngày tạo ra. Hơn nữa, quá trình phân hủy xác tảo cũng tiêu tốn rất nhiều oxy. Chính vì vậy, nguồn oxy trong nước sẽ bị thiếu hụt, không đủ cung cấp cho tôm khiến chúng bị sốc và ngợp.
Xác tảo có thể khiến tôm bị đóng rong và đen mang. Nếu xác tảo bám vào hai bên mang tôm trong thời gian dài sẽ khiến chúng bị bệnh đen mang. Ngoài ra, nếu tôm ăn phải xác tảo sẽ có nguy cơ mắc các bệnh về đường ruột cao.
Tảo tàn cũng là nguyên nhân làm bùng phát khí độc NH3, NO2 trong ao. Gây nguy hại đến sự phát triển và sức khỏe của tôm. (Tham khảo các loại khí độc ao nuôi tôm và cách khắc phục)
Biện pháp xử lý tảo tàn nước ao nuôi tôm
Khi phát hiện tảo tàn trong ao nuôi, bà con có thể thực hiện xử lý như sau:
- Tiến hành vớt xác tảo nổi trên bề mặt ao
- Thay nước cho ao tôm ( có thể thay nước 30%)
- Bổ sung thêm oxy, chạy quạt nước công suất lớn để cung cấp kịp thời oxy cho tôm
- Xử lý các chất lơ lửng trong ao
- Thực hiện gây màu nước lại cho ao tôm (Tham khảo cách gây màu nước ao nuôi tôm)
- Giảm 30 – 50% lượng thức ăn để điều chỉnh chất lượng nước. Đồng thời tăng cường sức đề kháng cho tôm bằng các khoáng chất, vitamin C hay men tiêu hóa hỗ trợ đường ruột cho tôm.
Trên đây là những thông tin về tảo tàn nước ao nuôi tôm. Hy vọng bà con đã nắm được những ảnh hưởng khi ao nuôi bị tảo tàn và có cách xử lý hiệu quả.
Chịu trách nhiệm nội dung
Phó Giám Đốc - Đồng Thị Tú Anh