Luu y khi chuan bi ao tom bat dau vu moi

3 bước chuẩn bị ao tôm để bắt đầu vụ nuôi mới thành công

Để nuôi tôm thành công, trước khi tiến hành thả giống ở vụ nuôi mới bà con cần vệ sinh và cải tạo kỹ ao cũ để đảm bảo chất bẩn, vi khuẩn có hại, dịch bệnh được xử lý triệt để. Những công việc nào bà con cần quan tâm? Hãy cùng Biogency tìm hiểu qua bài viết dưới đây. 

Bước 1: Kiểm tra và vệ sinh hệ thống xi-phông, quạt, sục khí, máy cho ăn

Hệ thống xi-phông, quạt, sục khí, máy cho ăn là những thiết bị thường dùng trong ao nuôi tôm, và được sử dụng nhiều lần từ vụ nuôi này sang vụ nuôi khác. Do đó, sau khi thu hoạch mỗi vụ nuôi, các thiết bị này cần được kiểm tra và vệ sinh sạch sẽ để đảm bảo chúng hoạt động tốt ở vụ nuôi tiếp theo.

Đối với hệ thống xi phông: Đây là nơi tích tụ nhiều chất bẩn, vi khuẩn và mầm bệnh trong suốt quá trình nuôi, do đó bà con nên rửa thật kỹ và rửa nhiều lần bằng các dung dịch diệt khuẩn như Clo hay IODINE để đảm bảo tiêu diệt hết vi khuẩn và mầm bệnh. (Tham khảo: Cách xi phông đáy ao)

Đối với quạt, sục khí: Sau mỗi vụ nuôi bà con cần tháo dỡ dàn quạt và hệ thống sục khí, rửa sạch chúng và phơi khô, trong trường hợp ao nuôi từng nhiễm bệnh bà con cần chà rửa quạt và sục khí sạch bằng chất diệt khuẩn, sau đó bảo quản để sử dụng cho vụ nuôi kế tiếp. Nếu có những dàn quạt hoặc sục khí quá cũ, hoạt động không ổn định, bà con cần tiến hành sửa chữa hoặc thay mới để đảm bảo cung cấp đủ oxy cho tôm ở vụ sau. (Tham khảo: Cách sử dụng quạt nước hiệu quả)

01 Luu y khi chuan bi ao tom bat dau vu moi
Quạt nước là một trong những thiết bị cần vệ sinh kỹ lưỡng trước khi sử dụng cho vụ nuôi mới

Đối với máy cho ăn: Với các thiết bị điện như máy cho ăn, bà con nên bảo trì, bảo dưỡng chúng định kỳ để chúng hoạt động ổn định.

Ngoài những thiết bị trên, bà con cũng cần chà rửa và diệt khuẩn các dụng cụ khác như vợt, nhá, dụng cụ cho ăn, thùng chứa… để đảm bảo không sót lại mầm bệnh làm ảnh hưởng đến vụ nuôi kế tiếp.

Bước 2: Vệ sinh và cải tạo đáy ao, bạt ao

Đây là lưu ý quan trọng tiếp theo mà bà con cần quan tâm và thực hiện trước khi bắt đầu vụ nuôi tôm mới. Bà con nên để thời gian nghỉ giữa mỗi vụ nuôi từ 1 tháng trở lên, sau đó mới tiến hành cải tạo cho vụ nuôi kế tiếp. Tùy theo mô hình nuôi tôm của bà con là ao đất hay ao bạt mà sẽ có những cách vệ sinh và cải tạo khác nhau:

Đối với ao đất:

Bà con cần tháo cạn nước, dồn chất thải ở đáy ao lại và đem chúng ra khỏi ao, sau đó phơi khô đáy ao, thời gian phơi đáy ao tối thiểu là 15 ngày để tiêu diệt virus, vi khuẩn gây bệnh. Đối với một số ao nuôi không thể tháo cạn nước do nước ngấm vào từ bờ ao, bà con cần sên vét bùn đáy, đặc biệt là lớp bùn đen vì chúng chứa nhiều chất ô nhiễm, vi khuẩn, vi sinh vật gây bệnh và gây mùi hôi thối. Lưu ý, lớp bùn ở đáy ao bà con không nên bơm thẳng ra kênh rạch vì sẽ gây ô nhiễm môi trường mà cần xây ao chứa bùn để chứa bùn thải.

Sau khi nạo vét đáy ao, bà con cần tiến hành gia cố lại bờ ao, cống ao, bằng mọi biện pháp hạn chế ao bị rò rỉ. Bà con tiến hành giữ nước ao ở mức từ 40cm – 70cm sau khi phơi ao, có thể thả thêm cá rô phi vào ao để chúng ăn hết lượng bùn bã hữu cơ và các loài sinh vật trung gian gây bệnh còn sót lại.

Cày bừa ao với vôi cũng là một bước quan trọng bà con cần quan tâm khi nuôi tôm ao đất. Việc cày bừa ao sẽ giúp vôi trộn lẫn với đất đáy ao, nâng cao độ thấm và pH cho mặt đáy.

  • Đối với ao nuôi tôm đáy cát: Sử dụng 52kg vôi/1000m2.
  • Đối với ao nuôi tôm đáy đất và cát: Sử dụng 112kg vôi/1000m2.
  • Đối với ao nuôi tôm đáy đất: Sử dụng 150kg vôi/1000m2.
02 Luu y khi chuan bi ao tom bat dau vu moi
Rải vôi đáy ao nuôi tôm để khử khuẩn ao trước khi vào vụ mới

Bà con có thể thay đổi lượng vôi để phù hợp cho tình hình đáy của ao nuôi. Tiến hành cày khoảng 10cm – 15cm độ dày của đáy để vôi trộn lẫn vào lớp đất đáy. Nếu thời gian cho phép, bà con có thể thực hiện lại các việc cày ao, phơi ao, ngâm ao nhiều lần để loại bỏ mùi hôi ở đáy ao.

Đối với ao bạt:

Sau khi thu hoạch tôm, bà con cũng cần tháo cạn nước, tiến hành chà rửa bùn, rêu bám trên mặt bạt, sau đó rải vôi hoặc các chất diệt khuẩn bạt để diệt vi khuẩn nếu cần thiết (đặc biệt trong các trường hợp ao nuôi vụ trước từng nhiễm dịch bệnh). Song song đó, bà con cũng cần kiểm tra nền đáy ao phía dưới lớp bạt trải, nếu thấy có nhiều bùn đen cần dọn bạt và loại bỏ bùn, sau đó đổ một lớp đất cát khoảng 20cm, phơi khô đáy rồi mới trải bạt trở lại.

03 Luu y khi chuan bi ao tom bat dau vu moi
Vệ sinh và chà bạt ao nuôi tôm trước khi bước vào vụ nuôi kế tiếp

Sau khi phơi khô đáy ao, bà con tiến hành chạy nước vào và ngâm ao để rửa đi các hợp chất có hại, vi khuẩn còn sót lại, thông thường, thời gian ngâm ao lần đầu tiên là từ 1 tuần trở lên.

Việc vệ sinh và cải tạo ao bạt tương đối đơn giản hơn nhiều so với ao đất, tuy nhiên trong quá trình chà rửa bạt, bà con cũng cần kiểm tra xem bạt có bị thủng hay rách không, nếu có cần vá lại bạt để tránh xì phèn hoặc mất nước ở vụ nuôi kế tiếp.

Bước 3. Diệt tạp và khử trùng nước để phòng trừ dịch hại

Đây là lưu ý quan trọng mà bà con cần lưu ý khi chuẩn bị ao nuôi tôm cho vụ nuôi mới vì nước là môi trường sống của tôm, nếu nước không đạt tôm sẽ không khỏe và rất dễ nhiễm bệnh. Do đó, để ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào ao nuôi, bà con cần lọc nước trước khi đưa nước vào ao và khử trùng nước nếu cần thiết. Lưu ý rằng: Không nên sử dụng các hóa chất có tính diệt khuẩn quá mạnh như Chlorine dạng bột, thuốc sâu để diệt cá tạp, diệt vi khuẩn vì sau đó rất dễ gây tồn dư làm hại tôm nuôi và khó để gây màu nước.

Đối với bất kỳ mô hình nuôi tôm nào bà con cũng nên xây ao lắng để làm sạch nước ao nuôi. Vì trước tình hình nguồn nước từ sông hồ đang dần trở nên ô nhiễm nặng như hiện nay, nếu bà con cấp thẳng nước vào ao sẽ nguy cơ mang theo nhiều dịch bệnh gây hại cho tôm. Diện tích ao lắng thường chiếm khoảng 1/3 diện tích của ao nuôi. Độ sâu của ao lắng thường từ 0,7m – 1m. Ao lắng cũng cần được cày bừa kỹ và rải vôi để khử khuẩn như ao nuôi để ổn định độ pH của ao và của nước cấp vào ao. Thời gian cải tạo và lấy nước vào ao lắng thường diễn ra trước khi cải tạo ao nuôi khoảng từ 20 – 30 ngày.

Khi lấy nước vào ao lắng, bà con nên chọn những ngày không có mưa và các ngày có nước triều cường, đảm bảo độ mặn của nước từ 15 – 20 ‰. Để nước lắng ít nhất 7 ngày trước khi cấp nước vào ao nuôi.

Trước khi gây màu nước và thả giống, bà con nên tiến hành xử lý nước thêm một lần nữa bằng Chlorine 10 ppm (10kg/1000m3), đảm bảo các chỉ số của môi trường nước đạt chuẩn cho tôm (pH từ 7,5 – 8; độ kiềm > 80mg/l). Sau khi khử trùng nước bằng Chlorine, bà con nên để nước vài ngày và chạy quạt để Chlorine bay hơi, sau đó sử dụng men vi sinh để gây màu nước.

Có nhiều cách để gây màu nước như sử dụng cám gạo, mật rỉ đường, chất gây màu… thế nhưng kỹ sư thủy sản của Biogency khuyên bà con nên dùng men vi sinh để gây màu nước vì nó có nhiều ưu điểm hơn so với các cách truyền thống kể trên:

  • Men vi sinh có khả năng gây màu nước nhanh mà không thải ra ao quá nhiều các chất hữu cơ, lợn cợn làm bẩn nước và đáy ao.
  • Giúp ao duy trì mật độ tảo có lợi, ổn định và cân bằng hệ sinh thái ao nuôi giúp tôm phát triển khỏe, ít nhiễm bệnh đường ruột, gan tụy.
  • Màu nước không thay đổi suốt vụ nuôi.

Tham khảo: Men vi sinh gây màu nước Microbe-Lift AQUA C >>>

Bên cạnh đó, bà con cũng nên sử dụng thêm các chế phẩm sinh học có chứa các dòng vi khuẩn có lợi như Nitrosomonas, Nitrobacter (ví dụ Microbe-Lift AQUA N1) để khống chế khí độc NH3, NO2 trong ao nuôi tôm, giúp tôm phát triển khỏe ngay từ đầu vụ nuôi.

Sau khi gây màu nước, bà con cần kiểm tra độ đục của nước ao, nếu đạt khoảng 35 – 40 cm là có thể thả giống. Nếu bà con có bất kỳ thắc mắc nào trong quá trình cải tạo ao khi bước vào vụ nuôi mới hoặc cần tư vấn thêm về các dòng men vi sinh gây màu nước Microbe-Lift AQUA C và men vi sinh kiểm soát khí độc NH3 NO2 Microbe-Lift AQUA N1, bà con hãy liên hệ ngay Biogency qua Hotline 0909 538 514 để được hỗ trợ kịp thời! Chúc bà con nuôi tôm thành công.

Chịu trách nhiệm nội dung

Phó Giám Đốc - Đồng Thị Tú Anh

Chữ ký