Thức ăn thừa hay thiếu đều ảnh hưởng đến sự phát triển của tôm và sự thành công của mùa vụ. Do đó, quản lý thức ăn hiệu quả trong nuôi tôm thẻ chân trắng là điều mà không ít bà con nuôi tôm đang quan tâm. Nhưng làm cách nào?
Các nội dung chính
Vì sao cần phải quản lý thức ăn khi nuôi tôm?
Thức ăn được biết đến là mắt xích quan trọng nhất trong ao tôm vì nó chỉ đạo toàn bộ các yếu tố khác có trong ao, bao gồm yếu tố vô sinh như điều kiện khí tượng, thủy văn, tính chất lý hóa học của nền đáy và nước; và yếu tố hữu sinh như các nhóm sinh vật, vi khuẩn, tảo…
- Nếu thiếu thức ăn, tôm sẽ thiếu sức khỏe, thiếu dinh dưỡng và năng lượng dẫn đến phát triển kém, dễ nhiễm bệnh và ăn lẫn nhau.
- Nếu thừa thức ăn, các yếu tố vô sinh trong ao sẽ biến động (ví dụ pH, độ kiềm thay đổi), các yếu tố hữu sinh cũng sẽ có xu hướng phát triển quá mức, điển hình là vi khuẩn và tảo. Tôm là loài có tính nhạy cảm cao với môi trường, do đó khi các yếu tố này thay đổi sẽ tác động mạnh mẽ đến tôm khiến chúng không phát triển được, dễ nhiễm bệnh và chết. Lúc này bà con vừa tốn kém nhiều chi phí thức ăn, vừa tốn thêm chi phí cho việc xử lý bệnh và xử lý môi trường nước nuôi.
Tôm ăn nhiều và ăn liên tục, do đó mà chi phí thức ăn trong nuôi tôm luôn ở mức cao. Đối với tôm thẻ chân trắng, khi nuôi bằng thức ăn công nghiệp thì chi phí có thể lên đến 60% tổng chi phí của vụ nuôi. Thức ăn thừa hay thiếu đều ảnh hưởng đến sự phát triển của tôm và sự thành công của mùa vụ. Do vậy, để tối ưu khoản phí này và đạt được hiệu quả kinh tế cao hơn trong mỗi vụ nuôi, bà con cần có phương án quản lý thức ăn hiệu quả khi nuôi tôm.
Tham khảo: Chỉ số FCR là gì, cách cải thiện chỉ số FCR
Hướng dẫn quản lý thức ăn hiệu quả trong nuôi tôm thẻ chân trắng
Chất lượng thức ăn là ưu tiên hàng đầu
Thức ăn có chất lượng cao, đầy đủ dưỡng chất sẽ giúp tôm ăn được nhiều hơn, ít bị lãng phí thức ăn hơn. Những điều lưu ý khi bà con lựa chọn thức ăn cho tôm là:
- Thức ăn có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng, bao bì còn nguyên vẹn, không bị vón cục.
- Nên sử dụng một thương hiệu thức ăn trong suốt vụ nuôi. Nếu buộc phải thay đổi thương hiệu, bà con nên thay thức ăn từ từ để tránh tôm bỏ ăn.
- Lựa chọn thức ăn theo từng giai đoạn phát triển của tôm, nên đặc biệt chú ý đến kích cỡ của thức ăn theo từng giai đoạn nuôi.
- Trong quá trình cho ăn, bà con nên kết hợp bổ sung một số vitamin và khoáng chất cần thiết nếu chúng bị hao hụt trong quá trình chế biến.
- Sử dụng kết hợp men đường ruột Microbe-Lift DFM trộn vào thức ăn của tôm là cách hiệu quả để cung cấp thêm hệ vi sinh đường ruột cho tôm, giúp tôm tiêu hóa thức ăn tốt hơn và hấp thụ tối đa dưỡng chất từ thức ăn.
Tham khảo: Nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn cho tôm
Cho tôm ăn đúng cách
Để quản lý thức ăn hiệu quả trong nuôi tôm thẻ chân trắng, cách cho tôm ăn cũng là yếu tố quan trọng mà bà con cần quan tâm.
Trong 24 ngày đầu tiên thả nuôi, quy trình cho tôm ăn rất quan trọng. Bà con nên cho ăn dựa theo hướng dẫn của người nuôi có kinh nghiệm hoặc chỉ dẫn của nhà sản xuất thức ăn. Yêu cầu chung khi cho ăn là phải rải đều thức ăn xuống khắp ao để tôm có thể bắt mồi dễ dàng.
Nếu gây màu nước ao tôm tốt, trong 10 ngày đầu tiên thả giống, tôm có thể ăn lượng thức ăn tự nhiên trong ao, lượng cho ăn rất ít. Khi bắt đầu cho tôm ăn nhiều hơn (từ ngày nuôi thứ 25 trở đi), bà con nên sử dụng nhá (hay sàng, vó) để kiểm tra sức ăn của tôm. Trung bình 1 ao nuôi có diện tích từ 2000 – 2500 mét vuông sử dụng 1-2 nhá, mỗi nhá có kích thước khoảng 80×80 centimet. Tỷ lệ cho thức ăn vào nhá và thời gian kiểm tra thức ăn được trình bày cụ thể qua bảng dưới đây:
Giai đoạn | Lượng thức ăn cho vào nhá (gram/kg) | Thời gian canh nhá |
25-38 ngày tuổi | 15 | 2 giờ |
39-45 ngày tuổi | 20 | 1 giờ 30 phút – 2 giờ |
46-55 ngày tuổi | 25 | 1 giờ 30 phút |
56-65 ngày tuổi | 30 | 1 giờ – 1 giờ 30 phút |
66-72 ngày tuổi | 35 | 1 giờ |
73-79 ngày tuổi | 40 | 1 giờ |
80 ngày tuổi – Thu hoạch | 45 | 1 giờ |
(Ví dụ: Nếu cho tôm ăn tổng là 1kg thức ăn, thì cho vào nhá 15gram thức ăn)
Tham khảo: Cách tính lượng thức ăn cho tôm
Khi kéo nhá lên kiểm tra, bà con quan sát và đánh giá như sau:
- Lượng thức ăn trong nhá còn thừa nhiều hay không, và tăng/giảm lượng thức ăn cho hợp lý. Nếu thấy thức ăn còn thừa quá nhiều (>25%) cần ngừng cho ăn ở 2 cữ tiếp theo, khi cho ăn lại bà con nên giảm lượng cho ăn khoảng 10% để theo dõi sức ăn và tình trạng sức khỏe của tôm.
- Quan sát đường ruột tôm, nếu thấy đường ruột đầy và có màu của thức ăn là tốt. Ngược lại, nếu đường ruột xuất hiện màu lạ cần phải kiểm tra ngay.
Có một số lưu ý khi cho ăn như sau:
- Vì tập tính của tôm là bắt mồi liên tục, do đó bà con nên chia nhỏ cữ ăn và cho tôm ăn từ 4-5 cữ/ngày.
- Nếu hệ thống cung cấp oxy trong ao của bà con không đảm bảo thì tránh cho tôm ăn vào ban đêm.
- Từ tháng nuôi thứ 2 trở đi, bà con có thể sử dụng máy cho tôm ăn tự động để tiết kiệm chi phí nhân công và cải thiện năng suất, hiệu quả cho ăn.
Đối với những vùng nuôi tôm xuất hiện dịch bệnh, những điều bà con cần làm là giảm lượng thức ăn khi cho ăn hoặc bỏ bớt cữ cho ăn trưa (nếu thời tiết quá nóng). Bà con cũng nên trộn thêm thuốc vào thức ăn để giúp tôm bắt mồi khỏe hơn và phòng bệnh cho tôm.
Ngoài ra, quản lý thức ăn hiệu quả trong nuôi tôm thẻ chân trắng bà con cũng nên điều chỉnh việc cho ăn theo tôm và sự biến động của môi trường. Ví dụ như:
- Khi tôm lột xác: Giảm lượng cho ăn từ 20 – 30%.
- Khi trời nóng bức hoặc mưa to: Giảm lượng cho ăn từ 30-50%.
- Khi độ pH trong ao nuôi biến động mạnh, khí độc xuất hiện trong ao (NH3 > 0,3 mg/l; H2S > 0,005 mg/l), đáy ao có nhiều bùn, bốc mùi trứng thối: Giảm lượng cho ăn từ 30-50%.
Có thể thấy rằng, để quản lý thức ăn hiệu quả trong nuôi tôm thẻ chân trắng hiệu quả, việc nắm rõ quy trình nuôi là rất quan trọng. Hy vọng bài viết trên đây sẽ hữu ích với bà con. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào trong quá trình nuôi tôm, bà con hãy liên hệ Biogency theo Hotline 0909 538 514 để được giải đáp nhanh nhất!
Chịu trách nhiệm nội dung
Phó Giám Đốc - Đồng Thị Tú Anh