Cá rô phi là một loại động vật ăn tạp và có khả năng sinh trưởng, phát triển trong nhiều mô hình nuôi khác nhau. Tuy nhiên, để nuôi cá rô phi đạt hiệu quả năng suất cao, bà con hiểu rõ về quy trình nuôi cá rô phi, cũng như một số lưu ý khi nuôi loại cá này.
Các nội dung chính
Lựa chọn hình thức nuôi cá rô phi
Trước khi bắt đầu vụ nuôi cá rô phi, bà con cần lựa chọn hình thức nuôi phù hợp. Thông thường, có 3 hình thức nuôi cá rô phi phổ biến bao gồm:
- Nuôi cá rô phi trong ao đất: Lựa chọn vị trí ao nuôi thuận lợi và gần nguồn nước sạch với diện tích ao trong khoảng từ 500-1000m2. Đây cũng là mô hình nuôi cá rô phi thông dụng nhất hiện nay.
- Nuôi cá rô phi trong lồng: Đặt lồng tại vị trí có nguồn nước sạch, không bị ảnh hưởng từ nước thải sinh hoạt hay chất thải công nghiệp. Đồng thời, bà con nên lựa chọn nơi thông thoáng, không nuôi tại những khu vực cuối ngách, eo và thể tích lồng nuôi lớn hơn 20m3.
- Nuôi cá rô phi trong ruộng lúa: Ruộng lúa được dùng để nuôi cá rô phi đơn tính thâm canh cần phải có mương thả cá. Diện tích của mương chiếm từ 20-30% so với diện tích ruộng và có độ sâu khoảng 0,8-1m.
Chuẩn bị ao nuôi cá rô phi
Ao nuôi cá rô phi cần phải được tháo cạn, dọn sạch các bờ cỏ, vét bớt bùn đáy, tu sửa bờ và đăng cống. Để thực tốt công tác chuẩn bị ao nuôi, bà con có thể thực hiện các phương pháp sau đây:
- Tháo cạn nước trong ao: Thực hiện tháo cạn nước và bắt hết những loại cá tạp, cá dữ hay bèo, rác, cỏ tồn tại trong ao. Đồng thời tu sửa lại bờ ao và lấp kín những hang hốc có khả năng trú ẩn địch hại. Trong trường hợp ao có bùn quá dày thì cần phải nạo vét để lớp bùn đáy chỉ khoảng 15-20cm.
- Bón vôi bột cho ao: Sử dụng với bột với liều lượng 10-12kg/100m2 ao nuôi, rải đều vôi khắp mặt ao và rắc vôi nhiều hơn tại những khu vực đọng nhiều nước hay lầy bùn. Tiếp đó, cày, xới đáy ao nhưng lưu ý tránh đất phèn chua ở đáy ao bị đẩy lên. Điều này giúp cải tạo nền đáy, nâng độ pH phù hợp cho ao nuôi.
- Phơi đáy ao: Phơi ao trong khoảng từ 3-4 ngày cho đến khi lớp bùn xuất hiện vết nứt chân chim để tiêu diệt các mầm bệnh trong ao nuôi. Trong trường hợp ao nuôi bị chua hoặc không tát cạn thì tăng thêm lượng vôi và ngâm nước vôi khoảng 3-5 ngày rồi xả bỏ và cấp nước mới.
- Lọc nước ao nuôi: Sử dụng lưới với kích thước mắt lưới khoảng 0,5-1mm đế lọc nước nhằm phòng các vi khuẩn độc hại đi theo nước vào ao nuôi. Đồng thời, mực nước trong ao có độ cao khoảng 1,5-1,7m.
Bên cạnh đó, một số yếu tố liên quan đến môi trường nước ao nuôi cần được quản lý chặt chẽ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cá rô phi phát triển hiệu quả như nhiệt độ nước trong khoảng 25-30°C, độ pH trong nước từ khoảng 7-8, độ mặn <5‰ và hàm lượng oxy hòa tan luôn > 3mg/l.
Gây màu nước ao nuôi cá rô phi
Trước khi thả giống từ 7-10 ngày, bà con cần gây màu nước cho ao nuôi bằng các phương pháp sau:
- Gây màu nước bằng cách ủ hỗn hợp gồm cám gạo, bột đậu nành và bột cá theo tỷ lệ 2:2:1. Trộn đầu và nấu chín hỗn hợp, sau đó ủ kín trong 2 – 3 ngày. Bón liên tục trong 3 ngày với liều lượng 3-4kg/1000m3 cho đến khi nước ao có màu đẹp, độ trong 30-40cm thì thả giống. Sau 7 ngày thì bón bổ sung với liều lượng bằng ½ so với ban đầu (liều lượng bổ sung căn cứ vào màu nước).
- Gây màu nước bằng cách ủ hỗn hợp mật rỉ đường, cám gạo, đậu nành với tỷ lệ 3:1:3. Trộn đều và ủ kín hỗn hợp trong 12 giờ. Bón liên tục trong 3 ngày với liều lượng 2-3kg/1000m3 nước và cho đến khi nước ao có màu đẹp và độ trong 30-40cm thì thả giống. Sau 7 ngày thì bón bổ sung với liều lượng bằng ½ so với ban đầu (liều lượng bổ sung căn cứ vào màu nước).
- Gây màu nước với men vi sinh Microbe-Lift AQUA C với liều lượng 100ml men vi sinh Microbe-Lift AQUA C cho từ 20-50 lít nước ao, cùng với 3 lít mật rỉ sạch (không chứa các chất diệt khuẩn). Sau đó khuấy đều và sục khí mạnh liên tục 24 tiếng là được hỗn hợp đủ để xử lý cho 1000m3 nước. Sử dụng liên tục trong 3 ngày cho đến khi có màu nước đẹp.
Bà con cần đặc biệt lưu ý rằng không nên gây màu nước bằng phân chuồng, phân gà, vì những loại phân này có khả năng chứa mầm bệnh gây nguy hiểm cho ao nuôi. Trong quá trình nuôi cá rô phi, phải thường xuyên theo dõi màu nước để có thể đảm bảo sự ổn định và kịp thời xử lý. Lượng thức ăn sử dụng trong quá trình nuôi nên phù hợp, tránh dư thừa để ngăn chặn vi khuẩn và tảo có hại phát triển trong ao, gây khó khăn trong việc gây màu nước.
Chọn giống và tiến hành thả giống
Chọn giống cá rô phi
Lựa chọn giống cá rô phi có nguồn gốc rõ ràng và tại những cơ sở cung cấp giống uy tín. Giống cá rô phi cần đáp ứng các yếu tố sau:
- Màu sắc tươi sáng, khỏe mạnh, ngoại hình cân đối, không xây xát, có vây hoàn chỉnh, không dị hình, không mất nhớt;
- Nhanh nhẹn và có khả năng phản ứng nhanh với tiếng động;
- Kích cỡ đồng đều (5-6cm đối với vụ chính và 6-8cm đối với vụ đông), không mang mầm bệnh.
Tiến hành thả giống
Bà con có thể thả giống cá rô phi quanh năm, thế nhưng thời điểm phù hợp nhất là vào khoảng tháng 4-6 (đầu mùa mưa). Trước khi tiến hành thả giống, cần ngâm cá giống trong nước muối 2-3% (tương đương 20-30g muối/lít nước) từ 5-10 phút để kiểm tra tình trạng sức khỏe và sát khuẩn.
Thời điểm thả giống tốt nhất trong ngày là khi trời mát và tránh thả vào buổi trưa hay trời nắng gắt. Trước khi thả cần cho các vào túi có chứa nước trong khoảng từ 20-30 phút để cá thích nghi dần với nhiệt độ môi trường nước ao.
Tùy theo khả năng cấp thoát nước, độ sâu và điều kiện cụ thể cũng như hình thức của từng ao nuôi mà có thể tính mật độ thả cá phù hợp. Thông thường, đối với cá có cỡ khoảng 4-6cm/con thì mật độ sẽ là 5 con/m2; với nuôi thâm canh thì có thả từ 10-15 con/m2. Ngoài ra, với hình thức nuôi cá rô phi trong lồng trên sông, hồ, cá giống được thả với mật độ 30-50 con/m3 và cần được nuôi trong ao đến khi đạt >20g/con thì mới cho ra khỏi lồng.
Quá trình chăm sóc khi nuôi cá rô phi
Nguồn thức ăn để nuôi cá rô phi
Tùy vào từng giai đoạn phát triển, kích cỡ của cá rô phi mà phương pháp, tần suất và lượng thức ăn sẽ khác nhau. Hiện nay có nhiều loại thức ăn cho cá rô phí, những bà con nên lựa chọn dạng viên nổi để hạn chế sự thất thoát và ô nhiễm môi trường nước. Trong giai đoạn đầu, nên ưu tiên dùng loại thức ăn có độ đạm cao khoảng 30-35% để thúc đẩy tăng trưởng và tăng đề kháng. Khi cá lớn trên 300g/con thì nên dùng loại thức ăn có độ đạm 20-25%.
Nên cho cá rô phi ăn 2 lần/ngày vào buổi sáng và chiều tối, đồng thời kiểm tra sàng ăn mỗi ngày để điều chỉnh lượng thức ăn thích hợp. Bà con có thể tham khảo lượng thức ăn cho cá rô phi theo giai đoạn phát triển trong bảng sau:
Giai đoạn | Lượng thức ăn |
Tháng đầu tiên | 7-10% trọng lượng cá |
Tháng thứ 2 | 5-7% trọng lượng cá |
Tháng thứ 3 đến tháng 4 | 3-4% trọng lượng cá |
Tháng 4 trở đi | 2-3% trọng lượng cá |
Quản lý dịch bệnh và môi trường nước trong ao nuôi
Trong quá trình nuôi cá rô phi, để cá khỏe mạnh và đạt được năng suất tối đa, bà con cần thực hiện công tác quản lý dịch bệnh và môi trường nước một cách kỹ càng. Cụ thể:
- Theo dõi thời tiết, các yếu tố môi trường như độ pH, nhiệt độ, oxy hòa tan để có biện pháp duy trì ổn định và cân đối lượng thức ăn phù hợp, hạn chế cá nổi đầu.
- Kiểm tra cống, lưới, bờ ao, nút buộc 2 lần/ngày để tránh rò rỉ, thất thoát cá.
- Bố trí máy quạt nước hay máy sục khí để duy trì oxy ổn định trong ao. Tăng thời gian vận hành máy khi trời không có năng, và giảm vào những ngày nhiều gió.
- Vệ sinh thường xuyên những dụng cụ sử dụng cho ao (lưới, vợt, máy móc hay lồng nuôi,…).
- Duy trì mực nước ổn định, thay nước định kỳ 1-2 lần/tháng và khoảng 30-50% lượng nước ao.
- Bón vôi 2kg/100m3 với tần suất 1 tháng/lần, tạt đều khắp mặt ao.
- Kiểm tra khối lượng, mức tiêu thụ thức ăn cũng như khả năng bơi lội, bắt mồi của cá định kỳ 15 ngày hoặc 1 tháng để kịp thời ứng phó.
Tham khảo: Bệnh trên cá rô phi thường gặp
Ngoài ra, bà con nên bổ sung thêm các chế phẩm sinh hoạt để đảm bảo môi trường nước ao và sự phát triển của cá rô phi như: Men vi sinh xử lý nước Microbe-Lift AQUA C, Men vi sinh xử lý khí độc Microbe-Lift AQUA N1, Men vi sinh xử lý đáy Microbe-Lift AQUA SA và Men vi sinh đường ruột Microbe Lift DFM.
Thu hoạch
Sau khoảng từ 6 đến 8 tháng, trọng lượng cá rô phi đạt cỡ thương phẩm thì có thể được thu hoạch bằng 2 hình thức là thu hoạch toàn bộ hoặc thu tỉa (tùy theo mùa vụ và thị trường). Bà con cần lưu ý trước khi thu hoạch 1 ngày thì không nên cho cá ăn và khi kéo lưới cần nhẹ nhàng để tránh cá bị xây xát.
Bên cạnh đó, để hạn chế mùi bùn và sự phát triển của tảo nhằm nâng cao chất lượng cá thương phẩm, bà con nên tích cực thay nước trước thu hoạch 1 – 2 tuần.
Tham khảo: Nuôi cá rô phi toàn đực
Với những thông tin trên, hy vọng bà con sẽ có một mùa vụ nuôi cá rô phi đạt hiệu suất cao. Để được tư vấn thêm chi tiết về quy trình nuôi cá rô phi, cũng như chế phẩm sinh học cho cá rô phi, bà con hãy liên hệ ngay đến HOTLINE 0909 538 514!
Chịu trách nhiệm nội dung
Phó Giám Đốc - Đồng Thị Tú Anh