Bổ sung khoáng cho tôm sú là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng quyết định đến tỷ lệ sống và sự tăng trưởng của tôm nuôi. Đặc biệt trong những thời điểm tôm lột xác, việc tăng cường khoáng càng cần thiết hơn bao giờ hết. Hãy cùng Biogency tìm hiểu về cách bổ sung khoáng đúng cách cho tôm trong bài viết dưới đây ngay nhé!
Các nội dung chính
Tôm sú có thể hấp thụ khoáng bằng cách nào? Tác dụng của khoáng ra sao
Tôm sú có thể hấp thụ khoáng qua hai cách sau đây:
- Tát trực tiếp vào ao: Tôm có thể hấp thu khoáng trực tiếp từ môi trường thông qua việc hấp thụ qua mang. Do đó, việc tạt khoáng trực tiếp vào ao là cần thiết để bù vào lượng khoáng bị mất trong quá trình lột xác của tôm.
- Trộn vào thức ăn: Đối với những ao nuôi có độ mặn thấp, tôm sẽ khó khăn trong việc hấp thu khoáng hòa tan có trong môi trường nước. Do đó, cần bổ sung khoáng cho tôm sú vào khẩu phần thức ăn để tôm có thể hấp thu được đầy đủ khoáng chất cần thiết.
Trong đó, khoáng chất là những chất vô cơ cần thiết cho sự sống của tôm sú. Chúng tham gia vào nhiều quá trình sinh lý quan trọng, bao gồm:
- Canxi (Ca) và phốt pho (P) là những khoáng chất quan trọng nhất đối với tôm sú. Ca đóng vai trò quan trọng trong quá trình đông máu, các chức năng của cơ, sự truyền dẫn thần kinh, điều hòa áp suất thẩm thấu. Ngoài ra, cả Ca và P đều được xem là thành phần quan trọng góp mặt trong quá trình hình thành lớp vỏ kitin.
- Các chất khoáng như Natri (Na+), Clorua (Cl-) và Kali (K+) tham gia vào quá trình điều hòa áp suất thẩm thấu, hoạt động của Enzyme trong tế bào. Na+ có vai trò dẫn truyền xung động thần kinh cơ. K+ có chức năng quan trọng góp phần trong quá trình trao đổi chất, do đó tôm sẽ bị suy yếu thậm chí là chết hàng loạt nếu thiếu K+.
- Đồng (Cu) là một khoáng chất thiết yếu cho tôm, đóng vai trò quan trọng trong vận chuyển máu và hô hấp, cũng như hình thành sắc tố Melanin. Tôm sẽ giảm sinh trưởng nếu thiếu Cu trầm trọng.
- Magie (Mg) là một khoáng chất cần thiết cho hoạt động của Enzyme, giúp các Enzyme hoạt động hiệu quả hơn. Tôm sú rất dễ dàng hấp thu Mg từ môi trường nước. Vật nuôi sẽ có tỉ lệ chết cao nếu gặp tình trạng thiếu Mg.
- Kẽm (Zn) góp phần giúp tăng khả năng vận chuyển CO2 trên tôm sú nhằm kích thích tiết Acid Chlohyride (HCl). Nếu thiếu kẽm vật nuôi sẽ giảm sinh trưởng đồng thời ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Hướng dẫn bổ sung khoáng cho tôm sú
Để đảm bảo sức khỏe và tăng trưởng của tôm trong nước có độ mặn cao, bà con cần chú ý đến việc cung cấp đủ lượng Canxi (Ca2+),Kali (K+), và Magie (Mg2+). Nếu môi trường nước có độ mặn thấp hơn 4‰, việc bổ sung khoáng cho tôm sú cần tập trung cung cấp 5 – 10 mg K+/l và 10 – 20 mg Mg2+/l. Tỷ lệ Na:K phải đạt là 28:1 và Mg:Ca là 3,1:1.
Trong trường hợp tôm thiếu Canxi, Magie, và Photpho (P) có thể dẫn đến hiện tượng tôm mềm vỏ kéo dài và khó lột xác. Việc bổ sung Photpho cũng cần được quan tâm đặc biệt để hạn chế tình trạng tôm khó lột xác. Nếu tình trạng này xảy ra, bà con cần tạt khoáng bột xuống ao theo liều lượng 1 kg/1.000 m3, đồng thời trộn khoáng vào thức ăn (10 ml/kg thức ăn, 2 lần/ngày) để khắc phục tình trạng này.
Trong quá trình nuôi, khoảng từ 30 – 65 ngày là giai đoạn tăng trưởng mạnh nhất của tôm. Nếu tôm tăng trưởng chậm chứng tỏ có thể thấy rằng hàm lượng Canxi và Magiê trong nước không đủ để đáp ứng nhu cầu hấp thụ của tôm. Trong trường hợp này, bà con cần bổ sung khoáng cho tôm sú vào thức ăn với liều lượng 5 ml/kg thức ăn (2 lần/ngày).
Nếu độ mặn của nước cao hoặc thấp nhưng tỷ lệ khoáng chất vẫn trong khoảng tối ưu, thì bà con không cần phải bổ sung thêm khoáng tạt nguyên liệu. Tuy nhiên, bà con vẫn cần phải thường xuyên kiểm tra hàm lượng khoáng chất trong nước để đảm bảo sức khỏe của tôm.
Đặc biệt khi lựa chọn khoáng chất, bà con nên chọn các loại khoáng tinh thể dễ hòa tan vào môi trường nước hoặc trộn vào thức ăn để đạt hiệu quả cao hơn. Việc bổ sung khoáng chất vào ban đêm vào thời điểm tôm lột xác có thể tăng cường quá trình hấp thu khoáng chất từ môi trường nước để tạo vỏ. Ngoài ra, khi tôm có dấu hiệu mềm vỏ và khó lột xác, có thể sử dụng vôi bột kết hợp trộn khoáng vào thức ăn để khắc phục tình trạng này.
Những lưu ý để quá trình bổ sung khoáng cho tôm sú đạt hiệu quả
Để đảm bảo quá trình bổ sung khoáng cho tôm sú nuôi đạt hiệu quả, có một số lưu ý quan trọng mà bà con cần theo dõi như sau:
- Đánh giá thường xuyên: Nước có độ mặn cao hoặc thấp, nếu có tỷ lệ khoáng chất tối ưu thì không cần bổ sung thêm, nhưng cần theo dõi và đánh giá hàm lượng khoáng chất trong nước ao để bổ sung khi cần thiết.
- Tính toán nồng độ ion và liều lượng sản phẩm: Tính toán để biết nồng độ Ion mục tiêu ở độ mặn mong muốn và xác định liều lượng sản phẩm khoáng chất cần được bổ sung.
- Lựa chọn sản phẩm khoáng chất: Chọn các sản phẩm khoáng có thông tin rõ ràng về thành phần, hàm lượng, và nguồn gốc xuất xứ.
- Thời điểm bổ sung khoáng chất: Tốt nhất bà con nên bổ sung khoáng cho tôm sú vào buổi chiều hoặc vào buổi tối, lúc 10 – 12 giờ đêm, đặc biệt khi tôm lột xác. Bởi vì lúc này nhu cầu Oxy tăng cao và tôm sẽ bắt đầu hấp thu khoáng chất từ môi trường nước để tạo vỏ.
Trên đây là những thông tin cơ bản về cách bổ sung khoáng cho tôm sú đạt hiệu quả tốt nhất. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bà con những kiến thức hữu ích để áp dụng vào thực tế nuôi tôm của mình. Ngoài ra, nếu bà con còn bất kỳ thắc mắc nào về quy trình bổ sung khoáng, hãy liên hệ với Biogency qua hotline 0909 538 514 để được tư vấn thêm.
>>> Xem thêm: Hướng dẫn bổ sung khoáng chất cho tôm ở ao có độ mặn thấp
Chịu trách nhiệm nội dung
Phó Giám Đốc - Đồng Thị Tú Anh