Quy chuẩn QCVN 02-19:2014/BNNPTNT được Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành với mục đích đưa ra các quy định liên quan đến quá trình nuôi tôm nước lợ. Vậy các quy định đó là gì? Đối tượng áp dụng và phạm vi điều chỉnh như thế nào? Bạn hãy cùng Biogency tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây nhé!
Các nội dung chính
Tổng quan về QCVN 02-19:2014/BNNPTNT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nuôi tôm nước lợ
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 02-19:2014/BNNPTNT về nuôi tôm nước lợ được ban hành kèm theo Thông tư số 22/2014/TT-BNNPTNT vào ngày 29 tháng 7 năm 2014. Văn bản này quy định các điều kiện cần thiết để đảm bảo chất lượng và hiệu quả sản xuất trong hoạt động nuôi tôm nước lợ tại Việt Nam. Cụ thể:
- Phạm vi điều chỉnh: Quy chuẩn quy định các yêu cầu liên quan đến lựa chọn vị trí nuôi; thiết kế và xây dựng hệ thống ao nuôi; hệ thống xử lý nước thải và chất thải, cũng như lao động kỹ thuật tại các cơ sở nuôi trồng bán thâm canh và thâm canh các loại tôm.
- Đối tượng áp dụng: Quy chuẩn này được áp dụng cho các cá nhân, tổ chức về nuôi bán thâm canh, thâm canh tôm sú và tôm chân trắng trên phạm vi toàn quốc. Ngoài ra, quy chuẩn này cũng áp dụng cho tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động nuôi thả có liên quan.
Quy định kỹ thuật cần biết khi nuôi tôm nước lợ (dựa trên QCVN 02-19:2014/BNNPTNT)
Nuôi tôm nước lợ là một ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, đóng góp đáng kể vào GDP và tạo việc làm cho người dân. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao và bền vững, người nuôi cần tuân thủ các quy định kỹ thuật nghiêm ngặt sau:
Về địa điểm nuôi tôm
Dưới đây là một số quy định kỹ thuật quan trọng cần lưu ý khi lựa chọn địa điểm nuôi tôm nước lợ:
- Khu vực nuôi phải có vị trí nằm trong khu vực quy hoạch cho nuôi tôm sú và tôm chân trắng. Khu vực này đã được địa phương quy hoạch hoặc được cấp phép bằng văn bản từ cơ quan có thẩm quyền.
- Bà con cần đảm bảo cung cấp đủ khối lượng nước trong quá trình nuôi tôm.
- Nơi nuôi tôm cần có nguồn cung cấp điện ổn định từ lưới điện hoặc sử dụng máy phát có công suất phù hợp.
- Địa điểm nuôi tôm không bị ảnh hưởng bởi các chất thải sinh hoạt và chất thải từ các hoạt động kinh tế khác.
Về cơ sở hạ tầng nuôi tôm
Dưới đây là những quy định chi tiết về cơ sở hạ tầng nuôi tôm, giúp bạn xây dựng mô hình nuôi tôm nước lợ hiệu quả và an toàn:
- Ao nuôi: Khu vực nuôi tôm cần có bờ ao chắc chắn, đảm bảo không bị rò rỉ nước, xói mòn hay sạt lở đất. Độ sâu tối thiểu của ao nuôi là 1m đối với giống tôm sú và 1.1m đối với giống tôm chân trắng. Bên cạnh đó, khu vực nuôi cần có hệ thống cấp thoát nước riêng biệt, không thông giữa các ao nuôi với nhau.
- Ao lắng: Ao lắng phải đạt diện tích tối thiểu là 15% so với tổng diện tích của ao nuôi. Bờ ao phải chắc chắn, không gặp tình trạng rò rỉ, sạt lở và xói mòn.
- Ao xử lý nước thải: Đơn vị nuôi phải có ao xử lý nước thải chung cho vùng nuôi và ao xử lý nước thải riêng của cơ sở nuôi. Ao xử lý nước thải phải đặt cách ao nuôi và ao lắng ít nhất 10m. Khu vực ao này có diện tích tối thiểu là 10% tổng diện tích ao nuôi.
- Khu chứa nguyên vật liệu:
+ Khu vực chứa nguyên liệu phải là nơi khô ráo, thoáng mát và có mái che, được phân chia riêng biệt khu vực cho từng loại nguyên vật liệu.
+ Các loại thức ăn, ngư cụ, thuốc, vi sinh vật, chế phẩm sinh học, hóa chất và chất xử lý cải tạo môi trường phải được đặt trên kệ. Bên cạnh đó, kệ cần bố trí cách tường nhà ít nhất 0,3m và cách nền nhà 0,3m để đảm bảo an toàn, lưu thông khí và tránh ẩm ướt.
+ Khu vực chứa xăng dầu phải được tách biệt với ao nuôi, ao chứa/lắng và hệ thống cấp nước. Đồng thời, bà con cần đảm bảo không có rò rỉ xăng dầu ra khu vực xung quanh. - Nhà vệ sinh tự hoại:
+ Khoảng cách giữa ao nuôi và ao chứa/lắng phải ít nhất là 30m. Nhà vệ sinh cần có lối đi riêng, không đi qua khu vực nuôi tôm.
+ Việc nhà vệ sinh trang bị đầy đủ các tiện nghi cơ bản như vòi nước, nước, xà phòng và nơi chứa rác thải sẽ tạo điều kiện để bà con có thể đảm bảo an toàn vệ sinh trong môi trường nuôi.
+ Nước thải từ nhà vệ sinh phải được xả qua hệ thống xử lý nước thải riêng biệt. Điều này giúp ngăn ngừa ô nhiễm nguồn nước và đảm bảo an toàn cho các hoạt động liên quan đến các ao nuôi, ao chứa/lắng và hệ thống cấp nước. - Dụng cụ, thiết bị: Trong quá trình nuôi, bà con không được sử dụng chung dụng cụ và thiết bị (ngoại trừ các thiết bị đo chỉ tiêu môi trường) giữa các ao nuôi. Sau mỗi lần sử dụng, các dụng cụ và thiết bị phải được vệ sinh sạch sẽ và phơi khô. Đồng thời, động cơ và thiết bị được sử dụng trong cơ sở nuôi phải đảm bảo không có rò rỉ xăng, dầu ra khu vực xung quanh.
Về hoạt động nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng
Việc tuân thủ các quy định về hoạt động nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng sẽ giúp bà con nâng cao tỷ lệ sống sót cho tôm, giảm thiểu dịch bệnh và tăng năng suất thu hoạch. Cụ thể:
- Chuẩn bị ao nuôi: Bà con cần cải tạo ao nuôi trước khi thả giống để đảm bảo đáy ao phẳng, nghiêng về cống thoát, không bị thấm và không có mùn bã hữu cơ. Bên cạnh đó, độ pH của đất phải lớn hơn 7. Ngoài ra, nước cấp vào ao nuôi phải đáp ứng các thông số đã được quy định và trong ao nuôi không được có các loại địch hại như tôm, cua, còng, ốc, côn trùng, cá tạp….
- Giống thả nuôi: Giống thả nuôi phải có giấy tờ, hóa đơn ghi rõ xuất xứ và giấy chứng nhận kiểm dịch từ cơ quan có thẩm quyền. Cỡ giống thả nuôi đối với tôm sú tối thiểu với chiều dài 12mm và tôm chân trắng tối thiểu 9-11mm. Thả giống theo lịch thời vụ quy định của cơ quan quản lý Nhà nước.
- Thức ăn: Sử dụng thức ăn được phép lưu hành tại Việt Nam, có nhãn hàng hóa đầy đủ theo quy định về ghi nhãn hàng hóa và được bảo quản theo hướng dẫn trên nhãn. Liều lượng và số lần cho ăn trong ngày phải tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cơ quan quản lý Nhà nước.
- Thuốc, vi sinh vật, chế phẩm sinh học, hóa chất và chất xử lý môi trường:
+ Bà con chỉ được sử dụng các sản phẩm liên quan tới thuốc, vi sinh vật, hóa chất… khi chúng có trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam. Bên cạnh đó các sản phẩm này phải có nhãn hàng hóa đầy đủ theo quy định của pháp luật và được bảo quản theo hướng dẫn trên nhãn.
+ Bà con phải sử dụng các sản phẩm này theo đúng liều lượng được quy định bởi nhà sản xuất hoặc cơ quan quản lý Nhà nước. - Môi trường ao nuôi: Bà con phải kiểm tra hàng ngày các chỉ tiêu như oxy hòa tan (DO), pH, độ mặn, độ trong và nhiệt độ. Bên cạnh đó là bà con nên kiểm tra 3-5 ngày/lần đối với các chỉ tiêu về độ kiềm, NH3 hay H2S.
- Sức khỏe tôm nuôi:
+ Khi phát hiện tôm có dấu hiệu bất thường hoặc chết, bà con phải báo cáo ngay cho cán bộ thú y xã hoặc cơ quan thú y gần nhất. Bên cạnh đó, bà con cần phải thông báo cho các hộ nuôi xung quanh để có biện pháp phòng chống dịch bệnh.
+ Bà còn lưu ý không được chuyển tôm bị bệnh từ ao này sang ao khác.
+ Bà con nên thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa bệnh tật như tiêm phòng, sử dụng các chế phẩm sinh học, hóa chất và vi sinh vật để bảo vệ đàn tôm khỏi dịch bệnh.
+ Bà con cần thường xuyên vệ sinh ao nuôi để loại bỏ tảo đỏ, tảo lam và các chất ô nhiễm khác khỏi ao nuôi.
+ Bà con phải thực hiện nghiêm chỉnh quá trình quản lý chất thải và xử lý môi trường theo đúng quy định của cơ quan quản lý Nhà nước. - Quản lý tôm nuôi:
+ Bà con cần giám sát, quản lý và ghi nhận các thông số liên quan đến tôm nuôi như số lượng tôm, tỷ lệ tăng trưởng, tỷ lệ sống, môi trường nước trong ao nuôi, thức ăn và các biện pháp quản lý sức khỏe khác.
+ Bà con cần thực hiện việc thu hoạch tôm theo đúng quy định của cơ quan quản lý Nhà nước và không sử dụng các chất cấm trong quá trình nuôi tôm.
>>> Xem thêm: Lưu ý dùng thuốc sát trùng/thuốc diệt khuẩn trong nuôi tôm nước lợ
Về nước thải, chất thải
Chung tay bảo vệ môi trường, xử lý nước thải và chất thải hiệu quả là trách nhiệm chung của mỗi cá nhân và tổ chức nuôi tôm:
- Nước thải từ ao nuôi chỉ được xả ra môi trường xung quanh khi đảm bảo các thông số quy định về độ pH, COD, Coliform,…
- Bà con không được xả nước thải sinh hoạt vào ao nuôi và ao chứa/lắng.
- Rác thải sinh hoạt và bao bì của các sản phẩm sử dụng trong cơ sở nuôi phải được bà con đặt vào thùng chứa có nắp đậy. Thùng chứa không được đặt trên bờ ao nuôi và ao chứa/lắng.
Về lao động, kỹ thuật
Công nhân làm việc tại cơ sở nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng phải tham gia đào tạo về an toàn thực phẩm, an toàn lao động và bảo vệ môi trường. Họ sẽ được hướng dẫn về cách bảo quản và sử dụng thức ăn, thuốc, vi sinh vật, chế phẩm sinh học, hóa chất và các chất xử lý để cải tạo môi trường sống cho tôm.
QCVN 02-19:2014/BNNPTNT là một quy chuẩn quan trọng để thúc đẩy quá trình phát triển ngành nuôi tôm nước lợ bền vững tại Việt Nam. Việc thực hiện hiệu quả quy chuẩn này sẽ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm tôm, bảo vệ môi trường và tăng thu nhập cho người dân. Nếu bà con cần được tư vấn chi tiết hơn về giải pháp nuôi tôm sinh học đạt hiệu quả cao hãy để lại bình luận hoặc liên hệ với Biogency qua Hotline 0909 538 514 ngay hôm nay nhé!
>>> Xem thêm: Các phương pháp quản lý môi trường ao nuôi tôm nước lợ mùa mưa
Chịu trách nhiệm nội dung
Phó Giám Đốc - Đồng Thị Tú Anh