Biện pháp cải tạo đất nuôi tôm hiệu quả cao

Biện pháp cải tạo đất nuôi tôm hiệu quả cao

Có biện pháp cải tạo đất đúng kỹ thuật sẽ giúp bà con tạo được môi trường ao tốt, thuận lợi cho tôm sinh trưởng và phát triển, đồng thời hạn chế các mầm bệnh. Dưới đây là 5 bước cải tạo ao đất nuôi tôm từ kỹ thuật Biogency, bà con có thể tham khảo áp dụng.

Lợi ích của việc cải tạo đất nuôi tôm

Cải tạo đất ao tôm là bước quan trọng không thể thiếu khi bắt đầu vụ nuôi mới. Bởi sau mỗi vụ nuôi, nền đáy ao là nơi tích tụ một lượng lớn các chất thải (thức ăn thừa, phân tôm, vỏ tôm, tảo tàn, thuốc,  hoá chất,…) chưa được phân huỷ hết, nếu không xử lý loại bỏ kỹ lưỡng sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho tôm ở vụ mới.

Việc cải tạo ao đất nuôi tôm càng đặc biệt cần thiết với những ao mới đào thuộc vùng đất chua phèn, chiêm trũng. Bởi những ao kiểu này không chỉ kém màu mỡ, không tạo được nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm mà thông thường độ pH sẽ thấp (<5), ảnh hưởng quá trình sinh trưởng của tôm.

Biện pháp cải tạo đất nuôi tôm hiệu quả cao
Cải tạo đất ao kỹ lưỡng góp phần không nhỏ vào thành công của vụ nuôi.

Nhìn chung, việc cải tạo đất ao nuôi nhằm hướng đến mục đích đảm bảo môi trường sạch, an toàn cho tôm phát triển thuận lợi, cụ thể có thể liệt kê các lợi ích bao gồm:

  • Đáy ao sạch, tôm có điều kiện phát triển thuận lợi.
  • Hạn chế dịch bệnh nguy hiểm.
  • Loại bỏ khí độc, an toàn cho tôm.
  • Nắm được mực nước trong ao để điều chỉnh và có biện pháp xử lý cho vụ nuôi sau tốt hơn.
  • Hạn chế tình trạng xì phèn trong ao.

>>> Xem thêm: Duy trì màu nước đẹp trong nuôi tôm có khó không?

Biện pháp cải tạo đất nuôi tôm hiệu quả cao

Bà con cần thực hiện biện pháp cải tạo đất nuôi tôm đúng kỹ thuật nhằm đạt hiệu quả cao. Dưới đây là 5 bước cải tạo ao đất nuôi tôm từ kỹ thuật Biogency, bà con có thể tham khảo áp dụng.

Bước 1: Phơi đáy ao

Đây là biện pháp cải tạo đáy ao tốt nhất lại không hề tốn kém vì có thể tận dụng tia cực tím của ánh nắng mặt trời hằm tiêu diệt các vi khuẩn, mầm bệnh gây hại cho tôm. Do đó bước này vô cùng quan trọng, cần được thực hiện kỹ lưỡng.

Để việc phơi đáy và các bước sau đạt hiệu quả cao hơn bà con có thể thực hiện lấy mẫu đất ngay sau khi tháo cạn ao, trộn với mẫu đất lấy từ lớp đất phía trên dày 5cm từ 8-12 chỗ. Phơi khô, tán nghiền để đo độ pH. Bà con phơi đất đáy ao cho đến khi nền nứt, thông thường là từ 2-3 tuần.

Bước 2: Xới đất đáy ao

Việc xới đất đáy ao nhằm mục đích giúp đất thoáng khí hơn, bởi có những khu vực bị yếm khí do tích tụ nhiều chất hữu cơ và khí độc H2S. Trường hợp nền đáy ao có tính acid do chứa quặng sắt thì không nên cày xới vì sẽ làm pH giảm nghiêm trọng. Bà con xới đất đáy ao với độ sâu từ 5-10cm là phù hợp.

Biện pháp cải tạo đất nuôi tôm hiệu quả cao
Cày xới đất, nhất là đối với đất không dễ khô.

Bước 3: Bón vôi

Vôi có nhiều công dụng như làm cho kết cấu bùn ao tơi xốp, cải tạo điều kiện không khí ở đáy đồng thời thúc đẩy nhanh quá trình phân giải chất thải hữu cơ trong ao, giải phóng N,P,K ngậm trong bùn, làm tăng độ dinh dưỡng, giữ độ pH ổn định.

Sau khi xới đất, bà con rải vôi CaO theo liều từ 5-10kg/100m2 để ổn định độ pH nền đáy ao, diệt các mầm bệnh từ vụ trước, đồng thời giúp phân huỷ khí độc. Với đất có tính acid bà con rải đều vô trên toàn bộ đáy khi đất còn ẩm. Những chỗ ẩm ướt không khô bà con sử dụng vôi sống hoặc vôi tôi lượng lớn.

Bước 4: Ngâm xả ao

Đối với các ao nhiễm phèn hoặc có tôm bị bệnh ở vụ trước (đặc biệt là nhiễm vi bào tử trùng), bà con tiến hành ngâm xả ao. Cụ thể, nền đất nhiễm phèn bà con ải vôi nóng đều trên đáy rồi lấy 40-50cm nước để ngâm trong 2-3 ngày, sau đó xả bỏ. Đối với ao nhiễm vi bào tử trùng EHP thì lượng vôi bà con dùng là 6 tấn/ha.

Bà con có thể kết hợp sử dụng các chất diệt khuẩn sau khi đã lấy nước. Lặp lại chu kỳ này 2-3 lần. Bà con nên nhờ kỹ thuật viên kiểm tra lại các thông số, độ pH hoặc mật độ vi khuẩn Vibrio (nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh: phân trắng, đốm đen, đục cơ, hoại tử gan tụy cấp,…)

Bước 5: Bón phân gây màu

Bước này nhằm giúp động thực vật phù du trong ao phát triển, làm nguồn thức ăn tự nhiên của tôm cũng như hạn chế sự phát triển của tảo đáy, hấp thụ các chất độc trong ao hiệu quả.

Lượng phân bón sử dụng tuỳ theo thể tích ao, loại phân. Bà con có thể tham khảo phân hữu cơ (gà, bò, trâu,…) và phân vô cơ (NPK).

Sau khi bón phân 2-3 ngày, kiểm tra độ trong ao đạt 40-50cm, màu nước có màu xanh nõn chuối hay vàng nâu, sinh vật phù du phát triển là những điều kiện thuận lợi để thả tôm.

Lưu ý, nguồn nước trước khi bơm vào cần được xử lý, diệt khuẩn (BKC, Chlorine, thuốc tím,..) kỹ lưỡng trong ao lắng rồi mới bơm vào ao nuôi. Sau đó bà con bổ sung chế phẩm vi sinh để ổn định màu nước, tạo điều kiện vi sinh có lợi phát triển. Kiểm tra các thông số (độ pH, độ mặn, kiềm,…) trước khi thả giống.

Trên đây là những chia sẻ về biện pháp cải tạo đất nuôi tôm từ Biogency, bà con có thể tham khảo áp dụng để đạt hiệu quả cao. Nếu có bất cứ băn khoăn nào bà con vui lòng liên hệ Hotline 0909 538 514 để được hỗ trợ tư vấn chi tiết, hoàn toàn miễn phí.

>>> Xem thêm: Cách gây màu nước ao tôm

Chịu trách nhiệm nội dung

Phó Giám Đốc - Đồng Thị Tú Anh

Chữ ký