Do nồng độ nitrat (NO3-) không gây ảnh hưởng nghiêm trọng và tức thời đến ao nuôi tôm như các chỉ số nguồn nước khác nên nhiều bà con nuôi tôm thường không quá quan tâm đến yếu tố này. Tuy nhiên, nếu để nồng độ nitrat trong nước quá cao sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như khả năng sinh trưởng và phát triển của tôm. Cùng tìm hiểu về ảnh hưởng nitrat đến tôm trong bài viết dưới đây.
Các nội dung chính
Nên duy trì nồng độ Nitrat (NO3–) trong ao nuôi tôm ở mức bao nhiêu?
Các chất thải nitơ là một trong những mối lo ngại lớn trong ao nuôi tôm, bao gồm NH3 (amoniac), NO2- (nitrit) và NO3- (nitrat). Nếu như nitrit và amoniac cực độc với tôm thì nitrat không độc và được xem là dưỡng chất để tảo phát triển. Tuy nhiên, khi nồng độ nitrat (NO3-) trong ao nuôi ở mức cao sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và khả năng sinh trưởng, phát triển của tôm. Các biện pháp để làm giảm nồng độ nitrat như thay nước hay công nghệ khử nitrit sinh học đều tốn nhiều chi phí và tận dụng nguồn tài nguyên có giá trị.
Theo một số khuyến cáo, nên giữ nitrat ở mức thấp hơn 100 mg/l, tuy nhiên một số người nuôi lại cho rằng tôm không bị ảnh hưởng khi nồng độ nitrat vượt mức 500mg/l. Do vậy, các nghiên cứu được thực hiện để xác định ở nồng độ nitrat bao nhiêu sẽ tác động đến tỷ lệ sống và tốc độ tăng trưởng của tôm trong một khoảng thời gian dài.
Thí nghiệm thực hiện trên tôm thẻ chân trắng, L.vannamei, được nuôi ở hệ thống bể 150L trong 6 tuần với độ mặn 11‰ cùng các hàm lượng nitrat khác nhau. Kết quả thu được như bảng sau:
(Theo vinhthinhbiostadt.com)
Dựa theo kết quả trên, nồng độ nitrat ở mức 35 – 220 mg/L sẽ không có khác biệt nhiều về tỷ lệ sống cũng như tốc độ tăng trưởng của tôm. Tôm sẽ bị ảnh hưởng đáng kể khi tiếp xúc với hàm lượng nitrat trên 220 mg/L. Đặc biệt, ở mức hàm lượng nitrat 910 mg/L tỷ lệ sống và khả năng tăng trưởng của tôm kém.
Nồng độ Nitrat cao sẽ ảnh hưởng đến tôm như thế nào?
Nồng độ nitrat cao gây độc cho tôm
Để giảm thiểu các mối nguy hại từ amoniac (NH3) hay nitrit (NO2), các hệ thống lọc sinh học được sử dụng bằng cách để vi khuẩn có lợi (Nitrosomonas và Nitrobacter) thực hiện nitrat hóa. Tuy nhiên sản phẩm cuối cùng của phương pháp lọc này là nitrat (NO3-). Khi đạt đến hàm lượng nhất định, nitrat sẽ gây độc và làm giảm tốc độ tăng trưởng của tôm nuôi.
Theo nghiên cứu về ảnh hưởng của nitrat trên tôm càng xanh, ở nồng độ cao thì nitrat có thể gây độc cho tôm càng xanh vào những giai đoạn nhạy cảm như giai đoạn ấu trùng, sinh sản. Lúc này, kích cỡ, sức khỏe, các cơ quan cảm giác của tôm đều bị tổn hại, khả năng bắt mồi của tôm cũng giảm.
Kết quả tìm hiểu độc tính nitrat ảnh hưởng đến ấu trùng tôm càng xanh cho thấy giới hạn độc tính của nitrat đối với ấu trùng tôm càng xanh là 8,62mg/l, trên mức này có thể sẽ gây ra những triệu chứng cấp tính. Vì vậy, trong quá trình ương tôm cần thực hiện các biện pháp kiểm soát nitrat chặt chẽ để đạt được hiệu quả tốt hơn.
Sự liên quan giữa nitrat và độ mặn
Theo nghiên cứu khi cho tôm tiếp xúc với nitrat ở các độ mặn khác nhau (2-18‰), độc tính của nitrat làm năng suất tôm bị giảm đáng kể ở ao nuôi có độ mặn thấp, gần với các điều kiện nước ngọt.
Khi ở độ mặn thấp, tôm phải tiêu tốn nhiều năng lượng để điều hòa áp suất thẩm thấu, cân bằng với môi trường muối thấp. Do vậy, tôm sẽ bị stress. Cộng thêm điều kiện môi trường nitrat cao sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng phát triển của tôm.
Ảnh hưởng đến sức khỏe của tôm nuôi
Các chỉ số năng suất của tôm như tỷ lệ sống, tốc độ tăng trưởng chính là thước đo ảnh hưởng nitrat đến tôm. Khi tiếp xúc với nồng độ nitrat cao trong thời gian dài, tôm có sẽ những biểu hiện như cụt râu, mang bất thường, gan tụy bị tổn thương. Đây đều là những đặc điểm sinh lý cho thấy sức khỏe tôm yếu đi mà người nuôi cần phải quan tâm, theo dõi thường xuyên.
Ngoài ra, nồng độ nitrat cao còn gây các tổn thương khác ở tôm như các tế bào bị kéo dãn và không có màng biểu mô, điều này có thể là hậu quả của việc kém ăn, chuyển hóa thức ăn không bình thường ở tôm. Những ảnh hưởng của nitrat đến sức khỏe tôm khiến năng suất thu hoạch thấp, làm giảm lợi nhuận của người nuôi tôm.
Những khuyến cáo
Khi ở nồng độ cao, ảnh hưởng nitrat đến tôm không hề nhỏ. Nồng độ nitrat cao làm giảm tỷ lệ sống, tốc độ tăng trưởng cũng như làm suy yếu sức khỏe của tôm, khiến năng suất thu hoạch thấp và gây thiệt hại về kinh tế cho bà con nuôi tôm. Để giảm thiệt của nitrat đến sức khỏe và năng suất tôm nuôi, chúng tôi khuyến cáo bà con nuôi tôm cần cẩn trọng khi nuôi tôm ở mức nitrat trong nước >220mg/l. Đồng thời, khi nuôi tôm ở độ mặn thấp, cần chú ý đến việc làm giảm hàm lượng nitrat.
Hy vọng những thông tin từ bài viết sẽ giúp bà con có nhiều kiến thức hơn trong việc quản lý nồng độ nitrat trong ao nuôi, giúp việc nuôi tôm đạt hiệu quả tốt hơn.
Tài liệu tham khảo:
- High nitrate levels toxic to shrimp
- KUHN, David D., et al. Chronic toxicity of nitrate to Pacific white shrimp, Litopenaeus vannamei: impacts on survival, growth, antennae length, and pathology. Aquaculture, 2010, 309.1-4: 109-114.
- VALENCIA-CASTAÑEDA, Gladys, et al. Acute toxicity of ammonia, nitrite and nitrate to shrimp Litopenaeus vannamei postlarvae in low-salinity water. Bulletin of environmental contamination and toxicology, 2018, 101.2: 229-234.
- FURTADO, Plínio S., et al. Effects of nitrate toxicity in the Pacific white shrimp, Litopenaeus vannamei, reared with biofloc technology (BFT). Aquaculture international, 2015, 23.1: 315-327.
Chịu trách nhiệm nội dung
Phó Giám Đốc - Đồng Thị Tú Anh