cau tao cua bien

Cấu tạo của biển

Cua biển, còn gọi là cua sú, cua xanh hay cua bùn. Loài cua này sống ở biển, bao gồm nhiều phân loại khác nhau nhưng ở Việt Nam chủ yếu có 2 loại là cua biển Scylla paramamosain và cua biển Scylla olivacea. Cua biển có giá trị dinh dưỡng cao và nhiều loài trong số đó còn có giá trị thương mại trên toàn cầu.

Cấu tạo bên ngoài của cua biển

cấu tạo cua biển
Hình thái của cua biển

Cấu tạo bên ngoài của cua biển được chia thành 2 phần chính: Phần đầu ngực và phần bụng.

Phần đầu ngực:

Phần đầu ngực cua biển có cấu trúc gồm 5 đốt đầu và 8 đốt ngực ở dưới mai. Mai cua biển to và phía trước của mai có nhiều gai răng. Ngoài ra còn có 2 hốc mắt chứa mắt và cuống mắt, 1 cặp râu nhỏ và 1 cặp râu lớn. Phía trên mai cua phân thành nhiều vùng khác nhau bởi các rãnh, mỗi vùng đảm nhận là vai trò của một cơ quan quan trọng của cua, đó là: Nằm phía trước ở ngay chính giữa mai là vùng dạ dày; ở 2 bên là vùng gan-tụy tạng; nằm phía sau ngay chính giữa là vùng sinh dục; lùi về phía sau vùng sinh dục là vùng tim; nằm ở 2 bên thuộc vùng tim là vùng mang và nằm ở phía sau cùng là vùng ruột.

Về vùng sinh dục, có sự khác nhau giữa cua biển đực và cua biển cái. Trong khi cua biển đực có 2 lỗ sinh dục nằm ở gốc của đôi chân bò thứ 5 và dính vào đó một dương vật ngắn, thì cua biển cái có 2 lỗ sinh dục nằm ở đôi chân bò thứ 3.

Phần đầu ngực còn có mặt bụng. Mặt bụng này có chức năng chứa phần bụng của cua biển khi chúng gập bụng vào do đó mà nó có cấu tạo lõm ở giữa.

Các phụ bộ của phần đầu ngực bao gồm:

  • Phụ bộ của phần đầu:
    • Râu nhỏ (1 đôi): Tiếp nhận thông tin giúp cua tương tác với môi trường xung quanh và tìm mồi.
    • Râu lớn (1 đôi): Tương tự chức năng của râu nhỏ và thêm chức năng nhận biết và cảm nhận môi trường.
    • Hàm trước (1 đôi): Giữ và cắn thức ăn.
    • Hàm giữa (1 đôi): Giữ, cắn và nhai thức ăn.
    • Hàm sau (1 đôi): Cắn và nhai thức ăn. 
  • Phụ bộ của phần ngực:
    • Chân miệng (3 đôi trước): Nhai thức ăn.
    • Chân bò (5 đôi sau): Di chuyển và giữ trạng thái cân bằng trong môi trường nước.

Phần bụng

Phần bụng của cua biển chính là phần mà ta thường gọi là yếm. Phần bụng có 6 đốt, nhưng khác nhau giữa cua đực và cua cái:

  • Phần bụng của cua biển đực: Hẹp hình chữ V, chỉ có 3 đốt nhìn thấy rõ là đốt 1, 2, 6; còn các đốt 3, 4, 5 thì liên kết liền mạch với nhau.
  • Phần bụng của cua biển cái: Trước khi cua cái bước vào thời kỳ sinh dục phần bụng có phần hơi vuông nhưng khi sinh sản thì mở rộng hơn và nhìn 6 đốt rõ.

Ở cuối phần bụng của cua biển còn có đuôi cua. Đây cũng chính là đầu sau của ống tiêu hóa giúp cua thải phân ra ngoài.

Các phụ bộ của phần bụng cua biển có sự khác nhau giữa cua đực và cua cái như sau:

  • Phụ bộ phần bụng của cua đực chỉ có 2 đôi chân bụng , có chức năng làm cơ quan giao vĩ.
  • Phụ bộ phần bụng của cua cái có 4 đôi chân bụng, chân có nhiều lông tơ, có chức năng giữ trứng và quản lý trứng.

Tham khảo: Quá trình cua lột xác

cấu tạo cua biển
Một số loài cua biển giống Scylla

Cấu tạo bên trong của cua biển

Bên trong của biển gồm có các hệ cơ quan là: Hệ hô hấp, hệ thần kinh, hệ tuần hoàn và hệ tiêu hóa.

Hệ hô hấp

Cua biển hô hấp thông qua một hệ thống nằm trong buồn mang của chúng. Có 2 buồng mang, mỗi buồng chứa 8 cái mang có gốc dính vào chân miệng và chân hàm. Các chiên mao trên mang chuyển động giúp hút nước vào buồng mang thông qua các lỗ ở gốc càng và chân bò, sau đó được đẩy ra ngoài qua miệng cua. Quá trình này giúp cua biển hấp thụ oxy hòa tan có trong nước và thải bỏ CO2.

Hệ thần kinh

Cua biển có một cấu trúc hệ thần kinh đặc biệt với sự kết hợp giữa hạch ngực và hạch bụng, tạo thành một hệ lưới duy nhất, có lỗ ức nằm chính giữa. Hạch ngực đóng vai trò là trung tâm của các dây thần kinh, phân phối chúng đến các phụ bộ. Bên cạnh đó, còn có một dây thần kinh to ở phía sau của hạch ngực phân phối dây thần kinh vào vùng bụng, có nhiệm vụ là điều khiển và kết nối các chức năng của cơ thể cua.

Phía trước thực quản có 2 hạch não hợp nhất. Từ những hạch này các dây thần kinh sẽ chạy đến râu, mắt và vỏ cua.

Phía sau cũng có 2 hạch não, phần này sẽ có 2 dây thần kinh nối tiếp nhau và một dây nối ngang tạo thành 1 vòng xung quanh thực quản và liên kết với hạch ngực nằm phía sau cùng.

Hệ tuần hoàn

Hệ tuần hoàn của cua biển gồm 2 phần: tim và các động mạch. Tim có hình dạng như một ngôi sao 5 góc và mang 3 đôi lỗ thủng. Động mạch thì có màu trong suốt, nằm sát các mô, bao gồm: 1 động mạch mắt, 2 động mạch bên, 2 động mạch gan và 1 động mạch bụng – lưng. Các động mạch có vai trò cung cấp máu đến các bộ phận cơ thể của cua để đảm bảo các chức năng sống cơ bản.

Hệ tiêu hóa

Hệ tiêu hóa của cua biển gồm miệng, thực quản và dạ dày. Dạ dày của cua biển gồm 2 ngăn: Ngăn lớn ở phía trước dùng để tiếp nhận thức ăn, ngăn nhỏ ở phía sau dùng để tiêu hóa thức ăn.

Ruột của cua biển nối tiếp từ dạ dày, chạy phía dưới tim xuống bụng và thông ra hậu môn ở đốt đuôi.

Cua biển có gan tụy lớn, màu vàng, nhiều ống hướng vào dạ dày, có chức năng tiêu hóa thức ăn và hấp thụ chất dinh dưỡng.

Ngoài ra, ở cua biển còn có 2 manh tràng hạ vị nằm phía sau dạ dày và trước đầu ruột cùng với 1 manh tràng ruột cuộn tròn. Chức năng của chúng là giúp cua tiêu hóa thức ăn và hấp thụ chất dinh dưỡng.

Tham khảo: Kỹ thuật nuôi cua biển trong hộp

Trên đây là toàn bộ cấu tạo bên trong và bên ngoài của cua biển, hy vọng sẽ giải đáp được các thắc mắc của bạn đọc. Hãy theo dõi chúng tôi để đón đọc những thông tin thú vị tiếp theo.

Chịu trách nhiệm nội dung

Phó Giám Đốc - Đồng Thị Tú Anh

Chữ ký