Căn cứ vào Yêu cầu chung về quản lý nước thải theo Luật Bảo vệ môi trường 2020 (Luật số: 72/2020/QH14), nước thải phải được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn kỹ thuật của môi trường nước trước khi xả ra nguồn tiếp nhận. Đồng thời, quá trình xả thải cũng cần đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và phù hợp với khả năng chịu tải của nguồn tiếp nhận. Vì thế, việc xử lý nước thải là bắt buộc trong nhiều trường hợp, được quy định cụ thể theo luật này. Và bài viết dưới đây Biogency sẽ thông tin đến bạn.
Các nội dung chính
Đối tượng nào phải có hệ thống xử lý nước thải?
Căn cứ theo Điều 86: Thu gom, xử lý nước thải của Luật Bảo vệ môi trường 2020, các đối tượng sau cần phải có hệ thống thu gom và hệ thống xử lý nước thải riêng biệt với hệ thống thoát nước mưa (trừ trường hợp đặc thù do Chính phủ quy định):
- Khu đô thị, khu dân cư tập trung mới.
- Cơ sở sản xuất, kinh doanh hoặc dịch vụ tập trung.
- Khu sản xuất, kinh doanh hoặc dịch vụ tập trung.
- Cụm công nghiệp.
Trong đó:
Đối với nước thải phát sinh trong khu đô thị, khu dân cư tập trung cần:
- Thu gom, đấu nối với hệ thống thu gom và xử lý nước thải của khu đô thị, khu dân cư tập trung đối với nước thải sinh hoạt phát sinh từ tổ chức và hộ gia đình.
- Thu gom, xử lý sơ bộ nước thải trước khi đấu nối vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải khu đô thị đối với nước thải phát sinh từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong đô thị. Yêu cầu nước thải sau khi xử lý sơ bộ phải đáp ứng được các quy định quản lý nước thải của khu đô thị, khu dân cư tập trung hoặc quy định về quản lý nước thải của chính quyền địa phương.
- Thu gom, xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi xả nước thải vào nguồn tiếp nhận đối với nước thải phát sinh từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong đô thị mà khu đô thị chưa có công trình xử lý nước thải tập trung.
Đối với nước thải phát sinh từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc dịch vụ cần:
- Thu gom và xử lý sơ bộ nước thải trước khi đấu nối vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải công nghiệp đối với nước thải phát sinh từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung hay cụm công nghiệp. Yêu cầu nước thải sau khi xử lý sơ bộ phải tuân theo theo quy định của chủ đầu tư xây dựng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, đồng thời bảo đảm nước thải phải được xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.
- Thu gom và xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi xả nước thải vào nguồn tiếp nhận đối với nước thải phát sinh từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nằm ngoài khu đô thị, khu dân cư tập trung, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp không kết nối được vào hệ thống thu gom, hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Tham khảo: Nên xử lý nước thải tập trung hay phi tập trung
Hệ thống xử lý nước thải cần đáp ứng những tiêu chí nào?
Căn cứ theo Khoản 1, Điều 87: Hệ thống xử lý nước thải của Luật Bảo vệ môi trường 2020, hệ thống xử lý nước thải cần đảm bảo các yếu tố sau:
- Hệ thống xử lý nước thải áp dụng công nghệ phù hợp với loại hình, đặc tính nước thải cần xử lý.
- Công suất vận hành của hệ thống xử lý nước thải phải phù hợp với lượng nước thải phát sinh tối đa.
- Quá trình xử lý nước thải cần đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
- Vận hành hệ thống xử lý nước thải theo đúng quy trình kỹ thuật.
- Có kế hoạch phòng ngừa và ứng phó ô nhiễm môi trường trong trường hợp hệ thống xử lý nước thải phát sinh sự cố.
- Điểm xả nước thải phải có tọa độ, biển báo, ký hiệu rõ ràng, thuận tiện cho việc kiểm tra, giám sát xả thải.
Làm thế nào để vận hành hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn?
Có thể thấy rằng, việc xử lý nước thải đang được Nhà nước Việt Nam quy định rất khắt khe. Do đó, để giảm thiểu các tác động của nước thải đến môi trường và tránh các vi phạm nhà nước, “vận hành hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn” là yêu cầu quan trọng đối với mỗi đơn vị. Dưới đây là 5 yếu tố giúp bạn vận hành hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn dễ dàng hơn:
- Kiểm tra hệ thống bồn bể của hệ thống xử lý nước thải thường xuyên. Các kiểm tra bao gồm: kiểm tra tính chống thấm của bê tông; kiểm tra thành bể, đáy bể và trám lại những vị trí bị nứt, mẻ; kiểm tra mực nước thải trong bể so với độ cao của cánh khuấy (đảm bảo nước thải cao hơn cánh khuấy).
- Kiểm tra hệ thống điện. Các kiểm tra bao gồm: kiểm tra điện cấp cho hệ thống xử lý nước thải, đảm bảo cung cấp đủ công suất vận hành; kiểm tra tủ điện của hệ thống xử lý, đảm bảo không bị rò rỉ; kiểm tra các sensor đầu dò được đặt trong bể và vệ sinh sạch sẽ nếu cần thiết.
- Kiểm tra các thiết bị vận hành có trong hệ thống xử lý nước thải. Các kiểm tra bao gồm: máy thổi khí, máy khuấy chìm, bơm chìm, còi báo sự cố… tiến hành bảo trì, bảo dưỡng nếu cần thiết. Đồng thời cũng cần kiểm tra các cài đặt của thiết bị xem chúng có phù hợp hay chưa và điều chỉnh.
- Kiểm tra hóa chất. Các kiểm tra bao gồm: kiểm tra bồn pha hóa chất, quy trình pha hóa chất và đảm bảo chúng đạt tiêu chuẩn an toàn; kiểm tra số lượng, hạn sử dụng và tồn kho của hóa chất; kiểm tra việc bảo quản hóa chất.
- Kiểm tra điều kiện vận hành của bể sinh học. Các kiểm tra bao gồm: hàm lượng oxy hòa tan (DO), nhiệt độ, độ pH, tỷ lệ F/M, SV30… đảm bảo chúng đạt yêu cầu cho quá trình xử lý sinh học. Ví dụ: pH từ 7.0 đến 8.5, DO bể hiếu khí ≥ 2 mg/l, DO bể thiếu khí < 0.2 mg/l…
Xử lý nước thải là yêu cầu bắt buộc, đặc biệt đối với các đối tượng được yêu cầu phải có hệ thống xử lý nước thải. Vận hành và xử lý các chỉ tiêu ô nhiễm có trong nước thải là một quá trình khó khăn, yêu cầu nhiều chuyên môn và kinh nghiệm. Hãy liên hệ ngay cho Biogency nếu bạn đang gặp bất kỳ khó khăn nào trong quá trình vận hành và xử lý nước thải, chúng tôi sẽ hỗ trợ nhanh nhất! Hotline liên hệ 0909 538 514.
Chịu trách nhiệm nội dung
Phó Giám Đốc - Đồng Thị Tú Anh