giam nguy co mac cac benh do vi khuan trong nuoi tom 1

Các phương pháp giảm nguy cơ mắc bệnh do vi khuẩn trong nuôi tôm

Bà con nuôi tôm không chỉ ở Việt Nam mà toàn thế giới nghe nhắc đến Vibrio có lẽ chính là nỗi ám ảnh lớn nhất. Vibrio là một chi vi khuẩn gây ra các bệnh nguy hiểm như hội chứng tôm chết sớm (EMS), gây ra tỉ lệ chết lên tới 100% và khiến ngành tôm tiêu tốn hàng tỷ đô-la mỗi năm. Có thể nói bệnh do Vibrio gây ra là một trong những bệnh do vi khuẩn nghiêm trọng nhất trong nuôi tôm. Tuy nhiên vẫn có nhiều cách để giảm thiểu rủi ro của bệnh này, cùng Biogency tìm hiểu những phương pháp giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh do vi khuẩn trong nuôi tôm thông qua bài viết dưới đây nhé!

Tìm hiểu về Vibrio

Vibrio là một chi vi khuẩn tồn tại trong môi trường nước, xuất hiện phổ biến trong các ao nuôi tôm thương phẩm. Nhiều loài Vibrio vẫn có thể xuất hiện trên tôm khỏe mạnh và không gây bệnh cho tôm. Tuy nhiên, trong một số điều kiện môi trường nhất định, vi khuẩn Vibrio có thể chuyển từ trạng thái bình thường sang gây ra dịch bệnh nghiêm trọng cho tôm trong ao.

vi khuẩn Vibrio

Các thông số môi trường quan trọng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển và hoành hành của Vibrio bao gồm: nhiệt độ nước, oxy hòa tan, amoniac, chất hữu cơ và hàm lượng kim loại nặng. Tuy nhiên trong từng trường hợp phát bệnh rất khó xác định được nguyên nhân chính, bởi vì bản chất của chi vi khuẩn Vibrio này rất năng động, phức tạp và thay đổi liên tục. Thậm chí ở một số loài và chủng, chỉ cần có sự hiện diện đơn thuần của nó là đã dẫn đến việc tôm trong ao chết hàng loạt, con số có thể lên tới 100%.

Theo như thống kê thì ở các trang trại nuôi tôm giống, các bệnh do nhiễm trùng liên quan đến Vibrio xảy ra thường xuyên hơn, điều này là do tôm còn nhỏ có hệ thống miễn dịch tương đối kém. Nhưng các ao nuôi tôm thương phẩm cũng được ghi nhận xảy ra nhiều trường hợp dịch bệnh do nhiễm khuẩn Vibrio. 

Tham khảo: Phòng ngừa vi khuẩn Vibrio trên TTCT

Một số dấu hiệu chẩn đoán tôm bị nhiễm khuẩn Vibrio:

  • Lờ đờ, ngừng hoạt động
  • Bỏ ăn
  • Gan tụy dần mất màu và hoại tử, xuất hiện các u cục
  • Cơ thể chuyển dần sang màu đỏ
  • Vàng mô mang 
  • Cơ bụng xuất hiện các mảng trắng 
  • Melanin hóa (cơ thể xuất hiện đốm đen)
  • Xuất hiện các đốm, khối u hạt trên cơ thể tôm
  • Nhiều cơ quan bị hoại tử và tổn thương, ví dụ như cơ quan lympho, mang, tim…
  • Có hiện tượng phát sáng

Tham khảo: Các bệnh trên tôm do vi khuẩn gây ra

Vi khuẩn Vibrio có liên quan đến một số bệnh nguy hiểm nhất trong nuôi tôm thẻ chân trắng. Vibrio harveyi có liên quan đến bệnh phát sáng, là mầm bệnh chính tấn công ấu trùng tôm và gây chết hàng loạt. V. vulnificus, V. fluvialis, V. parahaemolyticus, V. alginolyticus, V. damselae (Photobacterium damselae), V. mimicus và V. cholera đều là những loài có liên quan đến bệnh phân trắng (WFD) – bệnh đã gây ảnh hưởng nặng nề lên nhiều quốc gia sản xuất tôm. Ngoài ra V. parahaemolyticus cũng chính là nguyên nhân hàng đầu của EMS/AHPND – hội chứng tôm chết sớm hay hoại tử gan tụy cấp tính.

Phương pháp giảm nguy cơ mắc bệnh do nhiễm khuẩn Vibrio trong nuôi tôm

Tùy vào mức độ rủi ro và khả năng của người chủ chăn nuôi mà tìm đến những biện pháp hạn chế, khắc phục tình trạng nhiễm khuẩn Vibrio phù hợp. Dưới đây là một số phương pháp hữu hiệu mà Biogency tổng hợp được:

Giữ mật độ Vibrio thấp hơn ngưỡng tối đa

Vi khuẩn Vibrio sống phổ biến trong nước ao nên việc bà con theo dõi mật độ Vibrio và duy trì chúng ở trong một ngưỡng nhất định là một cách hữu hiệu để ngăn ngừa tôm nuôi bị nhiễm Vibrio. Ngưỡng tối đa có sự chênh lệch và khác nhau tùy thuộc vào lịch sử trang trại nuôi, điều kiện và hoàn cảnh môi trường. Dưới đây là một số ngưỡng tối đa được ghi nhận nhiều nhất:

giam nguy co mac cac benh do vi khuan trong nuoi tom 3
Bà con tham khảo bảng nồng độ Vibrio trên đây để duy trì nồng độ Vibrio phù hợp với ao nuôi tôm của mình nhé!

Sử dụng giống SPF

Ưu tiên hàng đầu trong việc nuôi cũng như phòng ngừa bệnh do nhiễm khuẩn ở tôm chính là việc lựa chọn giống và trại giống tôm. Tôm post (PL) đến từ các trại giống có thể là chính nguồn lây nhiễm mầm bệnh phổ biến trong ao nuôi. Để phòng ngừa ngay từ đầu, bà con nên sử dụng PL sạch bệnh (SPF), cụ thể là các ấu trùng SPF từ các trại giống có chứng nhận minh bạch để đảm bảo an toàn và chất lượng.

Thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn sinh học

Trong các phương pháp phòng tránh nguy cơ mắc bệnh do vi khuẩn Vibrio ở tôm, một điều quan trọng không thể thiếu là phải đảm bảo rằng trại được bảo vệ không cho các vật trung gian mang mầm bệnh xâm nhập vào, đồng thời trại phải luôn được duy trì sạch sẽ. Một số biện pháp an toàn sinh học mà bà con có thể áp dụng cho ao tôm của mình:

  • Phơi ao và khử trùng ao trước khi bắt đầu chu kỳ chăn nuôi mới
  • Thường xuyên làm vệ sinh sạch sẽ dụng cụ nuôi
  • Khử trùng, làm sạch nguồn nước trước khi bơm vào ao
  • Lắp đặt các thiết bị vệ sinh cho người ra vào trại, bao gồm các thiết bị rửa tay, ngâm chân và vệ sinh xe cộ
  • Người ra vào trại phải luôn mang ủng khi di chuyển và làm việc
  • Sử dụng lót ao bằng vật liệu chuyên dụng như HDPE
  • Duy trì và kiểm soát lượng chất hữu cơ trong ao bằng cách thường xuyên hút đáy

Còn một điều hết sức quan trọng nữa là phải khử trùng nước nuôi bằng Clo trước khi chu kỳ nuôi mới bắt đầu. Clo giúp làm giảm tải lượng vi khuẩn trong nước. Cần kết hợp thêm với việc vệ sinh sạch đáy ao thường xuyên và sử dụng chế phẩm sinh học.

giam nguy co mac cac benh do vi khuan trong nuoi tom 4
Ảnh hưởng của quá trình khử trùng nước bằng Clo đến sự phát triển của vi khuẩn Vibrio

Sử dụng chế phẩm sinh học

Biogency đã đề cập đến chế phẩm sinh học và lợi ích của nó đối với việc nuôi tôm. Đối với trường hợp gặp phải trong bài viết này, vi khuẩn probiotic có thể được đưa vào sử dụng để loại trừ các chủng Vibrio gây bệnh cơ hội khỏi hệ thống. Các vi khuẩn có lợi probiotic có thể cạnh tranh với Vibrio gây bệnh trong việc hấp thụ chất dinh dưỡng và chiếm không gian phát triển. Chúng còn có thể tạo ra các chất khiến cho sự phát triển của vi khuẩn Vibrio gây bệnh trong hệ thống bị hạn chế. Một nghiên cứu cho thấy rằng ứng dụng vi khuẩn probiotic làm giảm mật độ vi khuẩn cũng như tổng số vibiro (TVC) được tìm thấy thấp hơn.

Sử dụng probiotic cũng có hiệu quả giúp duy trì chất lượng nước tốt thông qua việc các khuẩn probiotic hấp thụ hoặc phân hủy trực tiếp các chất hữu cơ trong nước. Một số chủng được sử dụng phổ biến cho mục đích này có thể kể đến Nitrosomonas sp., Nitrobacter sp., Nitrosococcus sp., Bacillus sp., Aerobacter sp. Pseudomonas sp.

Thực hiện những hệ thống sản xuất thay thế

Các hệ thống được phát triển thời gian gần đây để giúp người nuôi tôm vượt qua những khó khăn, trở ngại và các bệnh do vi khuẩn trong nuôi tôm bao gồm hệ thống Biofloc (BFT) và công nghệ nước xanh (GWT). Các hệ thống này có công dụng hữu hiệu trong việc giảm mật độ Vibrio trong nước ao và tăng cường hệ thống miễn dịch cho tôm.

  • Biofloc (BFT) là một hệ thống không có sự trao đổi nước hoặc trao đổi rất ít, nhằm kích thích sự phát triển của vi sinh vật thông qua việc bổ sung carbon và sục khí cực mạnh trong nước. Các cộng đồng vi sinh vật từ đó sẽ được hình thành và kết tụ lại thành các hạt “Flocs” hay còn gọi là bông, chúng ăn chất hữu cơ và cạnh tranh mạnh mẽ với các mầm bệnh, điều này khiến cho chất lượng nước ao tốt hơn và giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra hệ thống BFT đã làm giảm thiểu đáng kể lượng Vibrio cũng như các bệnh nhiễm trùng liên quan đến Vibrio trong nuôi tôm. Phương pháp này đã được chứng minh là có hiệu quả trong ngăn ngừa AHPND – bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (bệnh EMS ở tôm). Tuy nhiên, BFT cũng có những điểm hạn chế nhất định. Hệ thống này thuộc loại khó bảo trì, nhu cầu tiêu thụ điện cao và yêu cầu phải có các kỹ thuật viên được đào tạo lành nghề để vận hành và bảo trì hệ thống.
  • Công nghệ nước xanh (GWT) được tìm ra và phát triển bởi những người nuôi tôm ở Philippines. Cách hoạt động của nó là tận dụng nước nuôi cá trong các ao nuôi tôm thương phẩm. Nhiều loài cá có thể được sử dụng cho việc này nhưng cá rô phi đã được một nghiên cứu chứng minh rằng nó nhiều khả năng là giải pháp tốt nhất. Một hệ thống GWT với sinh khối cá rô phi > 300g/m3 trên 80g/m3 sinh khối tôm được các nhà nghiên cứu báo cáo là có chứa nồng độ Vibrio thấp hơn. Hệ thống này được chứng minh là có hiệu quả cao trong việc chống lại EMS/AHPND và giúp cho tôm khỏe mạnh, tỷ lệ sống được cải thiện, nâng cao hơn. Tác dụng này có thể đến từ ảnh hưởng đối kháng của chất nhầy và các chất chuyển hóa vốn có trong cá rô phi chống lại Vibrio spp.

Một số lượng lớn vi tảo cũng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống GWT, chẳng hạn như ChlorellaNannochloropsis, chúng tạo ra các chất và hợp chất kháng khuẩn, hoạt động như các chất cảm biến QS có khả năng ức chế sự phát triển của Vibrio và làm suy giảm độc lực của chúng. GWT có mặt hạn chế là nếu không được quản lý đúng cách, nó có thể khiến cho nước ao tôm của bà con cạn kiệt oxy, giá trị pH không ổn định dẫn đến tôm chết hàng loạt. Hệ thống này cũng không còn tác dụng khi sinh khối tôm cao hơn. 

Vibrio có thể là nỗi ám ảnh với những bà con mới bước vào ngành nuôi tôm, nhưng với những ai đã nắm vững kiến thức về chủng Vibrio thì hẳn sẽ nắm được các mẹo khắc phục. Với những phương pháp giảm nguy cơ mắc các bệnh do vi khuẩn trong nuôi tôm mà Biogency vừa cung cấp, mong rằng bà con sẽ có được những chu kỳ nuôi thành công và bội thu. Để được tư vấn thêm về cách phòng ngừa tôm mắc bệnh do nhiễm khuẩn Vibrio, hãy liên hệ ngay với Biogency theo Hotline: 0909 538 514

Chịu trách nhiệm nội dung

Phó Giám Đốc - Đồng Thị Tú Anh

Chữ ký