Trong quá trình nuôi tôm, bà con cần bổ sung nhiều loại chất khoáng khác nhau để giúp tôm sinh trưởng và phát triển thuận lợi. Cụ thể những khoáng chất nào là cần thiết cho quá trình sinh trưởng, phát triển của tôm? Và khi bổ sung khoáng chất cho tôm cần lưu ý những gì? Mời bà con hãy cùng Biogency tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Các nội dung chính
Khoáng chất là gì?
Hiểu đơn giản, khoáng chất là những chất cần thiết cho động vật để thực hiện quá trình sinh trưởng và phát triển của chúng. Khoáng chất nói chung được chia thành 2 loại chính, là khoáng đa lượng và khoáng vi lượng:
- Khoáng đa lượng bao gồm 6 loại khác nhau, là: Canxi (Ca), Magie (Mg), Photpho (P), Kali (K), Chloride (Cl), và Lưu huỳnh (S).
- Khoáng vi lượng bao gồm 16 loại khác nhau, là: Sắt (Fe), Đồng (Cu), Kẽm (Zn), Nhôm (Al), Chrom (Cr), Mangan (Mn), Niken (Ni), Thiếc (Sn), Asen (As), Coban (Co), Flo (F), Iod (I), Molypden (Mo), Selen (Se), Silic (Si) và Vanadi (V).
Thông thường, động vật thường có nhu cầu bổ sung ít lượng khoáng, nhưng lại có yêu cầu đa dạng chất khoáng.
Động vật thủy sản nói chung và tôm nói riêng có đặc thù sống trong môi trường nước, do đó mà chúng có thể hấp thu khoáng qua mang hoặc qua da. Nhu cầu khoáng chất cho tôm cũng như động vật thủy sản thường phụ thuộc nhiều vào nồng độ khoáng của môi trường nước, thành phần khoáng và hàm lượng khoáng có trong thức ăn cũng như tình trạng dinh dưỡng của tôm và động vật thủy sản.
Đối với tôm, ngoài hỗ trợ cho quá trình sinh trưởng và phát triển, khoáng chất còn đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình tôm lột xác. Cụ thể, khi tôm được bổ sung đủ khoáng chất chúng sẽ lột vỏ nhanh hơn và tôm mau cứng vỏ sau khi lột. Khoáng chất cũng giúp ổn định các chỉ tiêu của môi trường nước nuôi như độ kiềm, pH, tảo,… giúp tôm khỏe và giảm nhiễm bệnh cong thân đục cơ.
Những loại khoáng chất cần thiết cho tôm
Trong quá trình nuôi tôm cần bổ sung nhiều loại chất khoáng khác nhau để giúp tôm sinh trưởng và phát triển thuận lợi. Trong các loại khoáng đa lượng và vi lượng kể trên, tôm có nhu cầu nhiều hơn về khoáng Ca, Mg, P, K, Cu, và Zn.
- Ca – Canxi: Là thành phần khoáng chất giúp hình thành nên lớp vỏ của tôm. Canxi cùng với Magie tham gia vào quá trình tôm lột xác. Do đó, nếu thiếu Canxi tôm sẽ không lột xác được, bị mềm vỏ, dẫn đến chậm lớn. Những loại muối Canxi được dùng phổ biến trong nuôi tôm là Canxi Lactate (C6H10O6), Tri Canxi Phosphate (Ca3(PO4)2), Canxi Cacbonate (CaCO3).
- Mg – Magie: Bên cạnh tham gia vào quá trình tôm lột xác cùng với Canxi, Magie còn đóng vai trò là chất xúc tác để Enzyme trong tôm hoạt động hiệu quả hơn. Nếu tôm thiếu Magie sẽ ăn kém, khả năng chết cao. Những loại muối Magie được dùng phổ biến trong nuôi tôm là MgSO4.7H2O, K2SO4.2MgSO4.
- P – Photpho: Là thành phần khoáng chất cho tôm tham gia vào quá trình trao đổi năng lượng, phát triển và sinh sản. Nếu tôm thiếu Photpho sẽ ăn yếu, bị mềm vỏ trong quá trình lột xác. Photpho cũng là thành phần khoáng giúp ổn định độ pH của môi trường ao nuôi. Những loại muối Photpho được sử dụng phổ biến trong nuôi tôm là: KH2PO4, NaH2PO4…
- K – Kali: Là thành phần quan trọng hỗ trợ cho quá trình trao đổi chất của tôm. Nếu tôm thiếu Kali sẽ có biểu hiện bơi lờ đờ, hoạt động chậm chạp, biếng ăn và thậm chí là chết. Muối Kali được sử dụng phổ biến trong nuôi tôm là Potassium DiFormate (C2H3KO4).
- Cu – Đồng: Là thành phần cấu tạo nên Hemocyanin – một loại Protein chịu trách nhiệm vận chuyển oxy trong huyết tương của động vật chân đốt và động vật thân mềm, trong đó có tôm. Hemocyanin cũng được xem là góp phần quan trọng trong việc hình thành nên sắc tố Melanin cho tôm, giúp tôm bóng đẹp mà bắt mắt. Khi lượng Đồng trong máu và gan tụy giảm sẽ khiến tôm sinh trưởng chậm, chức năng gan tụy cũng hoạt động kém đi và khiến tôm dễ nhiễm bệnh. Loại muối Đồng được sử dụng phổ biến trong nuôi tôm là Đồng (II) Sulfat – CuSO4.
- Zn – Kẽm: Là thành phần khoáng chất giúp tôm vận chuyển CO2 trong cơ thể. Kẽm cũng giúp tôm kích thích sản sinh Acid Chlohyride (HCl). Nếu tôm thiếu kẽm sẽ ảnh hưởng đáng kể đến khả năng sinh sản và đồng thời sự sinh trưởng của tôm cũng giảm. Loại muối Kẽm phổ biến dùng trong nuôi tôm là Kẽm Sulfat – ZnSO4.
Tham khảo: Tại sao phải bổ sung khoáng cho tôm
Lưu ý khi sử dụng khoáng chất cho tôm
Tôm có thể hấp thu khoáng bằng nhiều cách khác nhau, như qua mang và qua thức ăn. Do đó, khi bổ sung khoáng chất cho tôm, bà con cần tìm hiểu về sản phẩm khoáng và cách sử dụng để bổ sung cho phù hợp. Hiện nay, bà con ưu tiên sử dụng khoáng tạt nhiều hơn (để tôm hấp thụ qua mang) vì không những giúp bổ sung khoáng cho tôm mà còn giúp ổn định môi trường nước nuôi.
Việc sử dụng khoáng chất cho tôm sẽ không đem lại nhiều hiệu quả nếu bà con không hiểu rõ về cách sử dụng khoáng. Dưới đây là 3 lưu ý bà con cần quan tâm khi bổ sung khoáng chất cho tôm:
- Tùy thuộc vào mỗi giai đoạn phát triển của tôm và nhu cầu bổ sung khoáng chất cho tôm cũng khác nhau. Ví dụ, trong giai đoạn lột xác, tôm cần nhiều khoáng hơn so với bình thường, do đó bà con cần theo dõi sự phát triển của tôm để tăng khoáng khi tôm lột xác.
- Thời gian bổ sung khoáng cho tôm tốt nhất là vào buổi chiều tối hoặc ban đêm (từ 10 – 12h đêm) vì thời gian này tôm thường lột xác nhất.
- Lựa chọn sản phẩm khoáng chất lượng đến từ đơn vị uy tín, còn hạn sử dụng, các loại muối khoáng dễ tan sẽ giúp tôm hấp thu dễ dàng hơn.
Tham khảo: Nhu cầu khoáng của tôm thẻ chân trắng
Có thêm kiến thức về khoáng chất cho tôm cũng như những lưu ý khi sử dụng khoáng sẽ giúp bà con tối ưu được hiệu quả và chi phí khi sử dụng khoáng chất. Hy vọng bài viết trên đây sẽ hữu ích cho bà con trong quá trình nuôi tôm của mình. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào bà con hãy liên hệ Hotline 0909 538 514, chúng tôi sẽ hỗ trợ giải đáp nhanh nhất!
Chịu trách nhiệm nội dung
Phó Giám Đốc - Đồng Thị Tú Anh