Theo Thông tư 41/2020/TT-BCA – Quy định kiểm định nước thải được ban hành ngày 06/05/2020, định nghĩa: “Lấy mẫu nước thải là quá trình lấy một phần nước thải được coi là đại diện cho dòng nước thải và phải đáp ứng được các mục tiêu sử dụng mẫu đó”.
Các nội dung chính
Khi nào cần lấy mẫu nước thải?
Cần lấy mẫu nước thải khi muốn phân tích các thành phần có trong nước thải. Việc phân tích này nhằm mục đích:
- Kiểm soát nồng độ các chất có trong nước thải, đặc biệt là các chất ô nhiễm được quy định về giới hạn xả thải như Amoni, Nitrat, BOD, COD, TSS, Photpho, Coliform,…
- Kiểm tra hiệu quả xử lý chất ô nhiễm của từng bể trong hệ thống xử lý nước thải cũng như tổng thể của hệ thống.
- Nghiên cứu những ảnh hưởng và tác động của việc xả thải đến vùng nước tiếp nhận.
Việc lấy và bảo quản mẫu được thải được quy định như thế nào?
Quá trình lấy mẫu nước thải và bảo quản mẫu được quy định rất rõ trong các Tiêu chuẩn quốc gia sau:
- TCVN 6663-1:2011: Chất lượng nước – Lấy mẫu – Phần 1: Hướng dẫn lập chương trình lấy mẫu và kỹ thuật lấy mẫu. Tiêu chuẩn này đưa ra các nguyên tắc chung khi lấy mẫu, hướng dẫn cách lập chương trình để lấy mẫu cũng như kỹ thuật lấy mẫu cho các loại: nước thải chưa xử lý, nước thải đã qua xử lý, bùn và cặn bùn.
- TCVN 5999-1995: Chất lượng nước – Lấy mẫu – Hướng dẫn lấy mẫu nước thải. Tiêu chuẩn này quy định chi tiết về kế hoạch và kỹ thuật lấy mẫu nước thải, áp dụng cho nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt (bao gồm chưa xử lý và đã qua xử lý).
- TCVN 8880:2011: Chất lượng nước – Lấy mẫu để phân tích vi sinh vật. Tiêu chuẩn này tập trung về hướng dẫn cách lập kế hoạch lấy mẫu nước thải, quy trình lấy mẫu nước thải để tiến hành phân tích vi sinh vật và các yêu cầu về vận chuyển, cũng như xử lý và bảo quản mẫu cho đến lúc bắt đầu phân tích mẫu.
- TCVN 6663-14:2000: Chất lượng nước – Lấy mẫu – Phần 14: Hướng dẫn đảm bảo chất lượng lấy mẫu và xử lý mẫu nước môi trường. Tiêu chuẩn này tập trung đưa ra các hướng dẫn chi tiết về việc lựa chọn và sử dụng kỹ thuật để lấy mẫu nước thủ công, áp dụng cho nước thải, nước mặt, nước uống, nước ngầm và cả nước biển.
- TCVN 6663-3:2016: Chất lượng nước – Lấy mẫu – Phần 3: Bảo quản và xử lý mẫu nước. Tiêu chuẩn này tập trung đưa ra các yêu cầu về việc lấy, bảo quản, xử lý, vận chuyển và lưu trữ mẫu nước thải (bao gồm cả mẫu nước thải được lấy để phân tích sinh học). Và không áp dụng cho mẫu nước thải được lấy để phân tích vi sinh vật theo TCVN 8880:2011.
Hướng dẫn lấy và bảo quản mẫu nước thải
Nội dung được lấy từ Thông tư 41/2020/TT-BCA – Quy định kiểm định nước thải
Bước 1: Lập kế hoạch để lấy mẫu nước thải
Sau khi nhận yêu cầu lấy mẫu nước thải, kỹ sư lấy mẫu cần tìm hiểu về các mục tiêu lấy mẫu, cũng như xác định vị trí, số điểm cần lấy mẫu và các chỉ số cần phân tích trong mẫu để lên kế hoạch và chuẩn bị các dụng cụ cần thiết cho việc lấy và bảo quản mẫu nước thải.
- Vị trí lấy mẫu phải mang tính đại diện cho mẫu nước thải, thường là họng xả thải. Nếu họng xả thải không có vị trí phù hợp để lấy mẫu nước thải, có thể lựa chọn vị trí khác, miễn là đáp ứng được các mục tiêu đặt ra.
- Số điểm lấy mẫu phụ thuộc vào loại hình nước thải và yêu cầu phân tích mẫu nước thải.
- Các chỉ số cần phân tích là những thông số môi trường đặc trưng, có khả năng vượt ngưỡng cho phép.
Bước 2: Chuẩn bị các dụng cụ, hóa chất cần thiết cho việc lấy mẫu nước thải
Bao gồm:
- Hóa chất dùng để bảo quản mẫu nước thải, ví dụ: HNO3 đậm đặc, HNO3 1:1 H2SO4 đậm đặc, HCl đậm đặc, NaOH nồng độ 6M – 10M…, tham khảo thêm ở TCVN 6663-3:2016 – ISO 5667-3:2012.
- Dụng cụ để chứa mẫu nước thải, ví dụ: Bình chứa mẫu nước thải miệng hẹp bằng chất dẻo, bằng thủy tinh trắng/nâu… với dung tích 300ml, 500ml, 1000ml… hoặc lớn hơn; bình tiệt trùng để đựng mẫu vi sinh ≥ 150ml.
- Dụng cụ để lấy và bảo quản mẫu nước thải, ví dụ như: Ca lấy mẫu bằng nhựa (có cán dài ≥ 1,2m), dụng cụ lọc rác, lọc màng, pipet để lấy hóa chất, giấy test pH, xô/thùng chứa mẫu nước thải trung gian, đá lạnh, túi nilon đen, nhãn mẫu, tem niêm phong, các biên bản ghi lại việc lấy mẫu…và các vật dụng cần thiết khác.
Bước 3: Thực hiện lấy và bảo quản mẫu nước thải
- Chuẩn bị cho việc lấy mẫu: Dọn sạch khu vực cần lấy mẫu để loại bỏ cặn, vi khuẩn. Nếu dòng thải không có sự chảy rối thì cần khuấy trộn dòng thải trước khi tiến hành lấy mẫu. Kèm theo đó là kiểm tra lại các vật dụng, đảm bảo chúng đạt yêu cầu để lấy, chứa và bảo quản mẫu. Sau đó là lắp các dụng cụ lấy mẫu, mặc đồ bảo hộ và các thiết bị đảm bảo an toàn khác.
- Thực hiện lấy mẫu: Khi lấy mẫu phải có người đại diện của nguồn thải hoặc người chứng kiến toàn bộ quá trình chuẩn bị và lấy mẫu nước thải. Lưu hình ảnh hoặc video về khu vực lấy mẫu và quá trình lấy mẫu. Lưu ý: Nếu độ sâu của dòng thải < 1m, độ sâu lấy mẫu nước thải bằng ⅓ độ sâu của dòng thải (tính từ mặt nước). Nếu độ sâu dòng thải > 1m, lấy mẫu nước thải cách bề mặt nước từ 20-50cm.
- Đưa mẫu nước thải đã lấy vào bình chứa và xử lý sơ bộ: Việc nạp bao nhiêu nước thải vào bình chứa tùy thuộc vào vào quy định đối với từng loại thông số phân tích. Với những bình mẫu nước thải phải cho hóa chất bảo quản thì chỉ nạp gần đủ lượng nước thải, sau đó nạp hóa chất bảo quản mẫu (xử lý mẫu sơ bộ bằng hóa chất).
- Gắn nhãn cho mẫu nước thải: Việc này cần thực hiện ngay sau khi nạp hóa chất vào bình chứa. Các thông tin trên nhãn thường bao gồm: tên, ký hiệu mẫu, thời gian và điểm thu, chất bảo quản, cơ sở hay địa điểm thu mẫu…
- Niêm phong mẫu nước thải: Có 2 loại niêm phong, là niêm phong mẫu con (sau khi gắn nhãn) và niêm phong mẫu tổng thể (khi vận chuyển). Tem niêm phong phải có chữ ký của đại diện nguồn thải và cán bộ thu mẫu.
- Lập biên bản hoàn tất việc lấy mẫu: Bao gồm biên bản thu và niêm phong mẫu nước thải đã lấy. Biên bản sử dụng phải theo Mẫu 03-MTr: Biên bản thu và niêm phong mẫu vật môi trường ban hành kèm theo Thông tư số 61/2012/TT-BCA-C41 ngày 16/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Công an. Nếu biên bản có nhiều tờ thì cần phải có dấu giáp lai.
- Lưu giữ tạm thời và vận chuyển mẫu nước thải đến đơn vị điểm định: Phải đảm bảo điều kiện bảo quản mẫu nước thải đạt chuẩn quy định trong suốt thời gian vận chuyển.
Nội dung trên đây Biogency đã giải đáp các thông tin liên quan đến việc lấy mẫu nước thải. Nếu bạn có bất kỳ khó khăn nào cần giải đáp hoặc cần tư vấn thêm về các giải pháp sinh học giúp tăng hiệu quả xử lý chất ô nhiễm có trong nước thải, hãy liên hệ ngay cho chúng tôi qua Hotline 0909 538 514 để được hỗ trợ nhanh nhất!
Chịu trách nhiệm nội dung
Phó Giám Đốc - Đồng Thị Tú Anh