Nuôi tôm không kháng sinh là giải pháp phát triển bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi. Hãy cùng Biogency tìm hiểu sâu hơn về chủ đề này qua bài viết dưới đây.
Các nội dung chính
Tác hại của việc dùng kháng sinh trong nuôi tôm
Sử dụng kháng sinh trong nuôi tôm đã được bà con áp dụng từ lâu. Biện pháp này được không ít bà con xem là “thần dược” trong điều trị bệnh cho tôm. Thậm chí tôm không bệnh cũng dùng kháng sinh để phòng bệnh.
Khi dùng kháng sinh, một số bà con còn kết hợp nhiều loại kháng sinh khác nhau với mong muốn điều trị bệnh nhanh cho tôm. Thế nhưng, khi không nắm rõ cơ chế phối hợp giữa các nhóm kháng sinh và những tác dụng phụ khi kết hợp đã làm hiệu quả sử dụng kháng sinh bị giảm. Chưa kể đến là khi sử dụng nhiều kháng sinh, tôm sẽ sinh ra khả năng kháng lại kháng sinh, do đó liều dùng của bà con cũng thường tăng dần theo thời gian.
Việc sử dụng kháng sinh “vô tội vạ” như vậy đã vô tình gây ra tác động tiêu cực đến tôm nuôi, điển hình nhất là sinh ra các biểu hiện tôm chậm lớn, còi cọc, phân đàn, dị hình dị tật, tỷ lệ sống của tôm bị giảm, từ đó làm gia tăng rủi ro cho bà con trong quá trình nuôi.
Chưa kể đến việc lạm dụng kháng sinh còn làm tăng khả năng phát triển các chủng vi khuẩn gây bệnh mới do dư lượng kháng sinh làm nước nuôi bị ô nhiễm. Ví dụ như chủng vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây bệnh tôm chết sớm (EMS) có khả năng kháng lại nhóm kháng sinh β – Lactam (trong đó, khả năng kháng Amoxicillin là 97,06%, Ceftazidime là 100% và Cephalexin là 44,12%).
Kháng sinh bị tồn dư trong cơ thể tôm còn làm giảm giá trị tôm thương phẩm, khó tiến đến thị trường tôm xuất khẩu và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người sử dụng.
Xu thế nuôi tôm không kháng sinh đang phát triển mạnh
Nhằm hướng đến mục tiêu “nuôi tôm bền vững – nuôi tôm không kháng sinh”, nhiều thí nghiệm thay thế kháng sinh đã được nghiên cứu. Có thể kể đến một thí nghiệm điển hình đến từ một nhóm nghiên cứu của Đại học Hải Dương Đài Loan (NTOU) với sự dẫn dắt của Giáo sư Han-Jia Lin và Giáo sư Chih-Ching Huang nhằm phát triển công nghệ “vật liệu nano carbon trị liệu” để thay thế cho kháng sinh trong nuôi tôm (theo thuysanvietnam.com.vn).
Ở nghiên cứu này, nhóm đã phát triển được nhiều vật liệu mới – phụ gia Prawn Balance có tác dụng kháng virus, vi khuẩn và chống viêm hiệu quả cho tôm. Và cũng trong dự án nghiên cứu, có 2 nghiên cứu về ứng dụng sản phẩm này vào phòng trị bệnh đốm trắng và bệnh hoại tử gan tụy cấp tính. Kết quả nghiên cứu đã khẳng định Prawn Balance có khả năng ngăn chặn được sự lây lan của virus và nâng cao hệ miễn dịch cho tôm.
Đó là ở thế giới.
Còn tại Việt Nam, cũng đã có không ít bà con bắt đầu hướng đến xu thế nuôi tôm hạn chế kháng sinh (chỉ sử dụng kháng sinh khi đã xác định chính xác bệnh của tôm) và tiến đến nuôi tôm không kháng sinh bằng cách thay đổi mô hình nuôi như nuôi tôm với giải pháp Biofloc, nuôi tôm sử dụng vi sinh, nuôi tôm theo mô hình tuần hoàn nước… và đã cho thấy những hiệu quả đáng ghi nhận.
Nuôi tôm không kháng sinh mang đến nhiều lợi ích cho bà con, cụ thể như:
- Giúp giảm thiểu tình trạng tồn dư kháng sinh làm ô nhiễm môi trường nước nuôi.
- Góp phần hạn chế các chủng vi khuẩn mới xuất hiện trong ao nuôi tôm và giảm thiểu tình trạng vi khuẩn kháng kháng sinh.
- Giúp nâng cao tỷ lệ sống của tôm, tôm phát triển đồng đều hơn, màu sắc, ngoại hình của tôm cũng được cải thiện, từ đó giúp nâng cao giá trị tôm thương phẩm, đem lại lợi ích kinh tế cho bà con nông dân.
Giải pháp thay thế kháng sinh để nuôi tôm bền vững
Nhằm hướng đến xu thế “nuôi tôm không kháng sinh”, nhiều giải pháp thay thế kháng sinh trong nuôi tôm đã được ra đời.
Đầu tiên là phải đảm bảo an toàn sinh học khi nuôi tôm.
Nghĩa là con giống phải sạch bệnh. Tôm giống sạch bệnh là tôm đã được xét nghiệm âm tính với các bệnh như: WSSV, YHV, TSV, IHHNV…Mặc dù con giống sạch bệnh không giúp hoàn toàn việc tôm tránh được bệnh trong quá trình nuôi, nhưng nó quyết định đến 50% tỷ lệ thành công của mùa vụ – giúp việc nuôi tôm thương phẩm thuận lợi hơn, giá bán cao hơn.
Tiếp theo, nước cung cấp cho ao nuôi tôm cũng cần được đảm bảo sạch, trải qua quá trình xử lý như lọc cơ học, xử lý sinh học, hóa học,… để đảm bảo chất lượng nước phù hợp cho nuôi tôm. Và hệ thống ao nuôi, ao trữ nước… cần phải được che chắn để tránh xâm nhập của địch hại (giáp xác, ấu trùng, cá tạp…) vào ao nuôi.
Thêm vào đó, các thiết bị, dụng cụ dùng trong quá trình nuôi cũng cần được chà rửa, vệ sinh thường xuyên để giảm thiểu mầm bệnh lây nhiễm vào ao nuôi. Bà con nên sử dụng các dụng cụ riêng cho từng ao, ví dụ như: lưới, xô chứa thức ăn, dụng cụ lấy mẫu… để tránh tình trạng lây nhiễm chéo giữa các ao.
Xi-phông ao nuôi tôm định kỳ để loại bỏ thức ăn thừa, phân tôm, xác tảo, vỏ tôm lột… gây ô nhiễm nước ao và hình thành nên các loại khí độc NH3, NO2, H2S làm ảnh hưởng trực tiếp đến tôm.
Thứ hai là bổ sung chế phẩm sinh học vào ao nuôi tôm.
Sử dụng các chế phẩm sinh học trong nuôi tôm đang rất được ưa chuộng bởi nó có thể giúp tôm hạn chế được việc nhiễm bệnh, hạn chế việc dùng kháng sinh trong nuôi tôm. Các chế phẩm sinh học khi được đánh xuống ao nuôi tôm, môi trường nước ao nuôi được cải thiện rõ rệt nhờ tạo ra được hệ vi sinh vật có lợi cho ao nuôi, điển hình là:
- AQUA C, AQUA SA: cung cấp cho ao nuôi tôm hệ vi sinh vật làm sạch nước và đáy ao nuôi. Hệ vi sinh vật này có khả năng phân hủy thức ăn thừa, phân tôm, tảo tàn… ở tầng nước và tầng đáy ao, giúp nước ao luôn ổn định cho tôm phát triển.
- AQUA N1: cung cấp cho ao nuôi tôm hệ vi sinh vật xử lý khí độc NH3, NO2. Hệ vi sinh vật này có khả năng chuyển hóa khí độc (NH3, NO2) thành dạng không độc cho tôm (NO3-).
Thứ ba là sử dụng thảo dược để phòng bệnh cho tôm.
“Nuôi tôm không kháng sinh” với thảo dược cũng đang được bà con ngày càng quan tâm. Vì khi sử dụng thảo dược sẽ khắc phục được các tình trạng tôm chậm lớn, giúp hệ tiêu hóa của tôm ổn định, các chức năng của tôm được diễn ra bình thường, tôm khỏe mạnh, bóng bẩy…
Một trong những thảo dược được bà con sử dụng nhiều là tỏi. Khi tỏi được đập dập sẽ tạo nên Allicin – đây là hợp chất có khả năng giúp tôm kháng khuẩn, kháng nấm hiệu quả. Hay một thảo dược khác là cây chó đẻ (diệp hạ châu), được chứng minh là có khả năng ức chế DNA polymerase ở virus, giúp tôm phòng được các bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp.
Tham khảo: Sản phẩm thay thế kháng sinh trong nuôi tôm
Kết luận, nuôi tôm không kháng sinh là giải pháp phát triển bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi. Do đó, để tồn tại và thu được lợi nhuận kinh tế cao từ nghề nuôi tôm, bất kỳ bà con nào cũng nên học hỏi các phương pháp nuôi mới, các giải pháp thay thế kháng sinh để tôm phát triển khỏe, về size lớn. Cần tư vấn thêm về các giải pháp giúp nuôi tôm không kháng sinh hiệu quả, bà con liên hệ ngay đến Biogency qua Hotline 0909 538 514, chúng tôi sẽ hỗ trợ nhanh nhất!
Tài liệu tham khảo:
- https://thuysanvietnam.com.vn/giai-phap-nuoi-tom-khong-khang-sinh/
- https://tepbac.com/tin-tuc/full/nhung-loi-ich-khi-nuoi-tom-the-han-che-dung-khang-sinh-34917.html
- https://contom.vn/giai-phap-nuoi-tom-khong-khang-sinh-article-24744.tsvn
Chịu trách nhiệm nội dung
Phó Giám Đốc - Đồng Thị Tú Anh