tom bi phan trang

Tôm bị phân trắng – Nguyên nhân và cách phòng bệnh

Phân trắng là bệnh thường gặp ở tôm, nhất là đối với tôm nuôi ở mô hình thâm canh có mật độ cao hay nuôi theo quy trình ít thay nước. Bệnh hiện vẫn chưa có phương pháp điều trị triệt để và gây nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển của tôm,  thậm chí có thể khiến tôm chết. Do vậy, bà con nuôi tôm cần nắm các nguyên nhân tôm bị phân trắng và có biện pháp phòng bệnh để hạn chế rủi ro cho ao nuôi.  

Bệnh phân trắng là gì? Những triệu chứng khi tôm bị phân trắng 

Phân trắng (White feces syndrome – WFS) là bệnh tôm thường gặp phải vào giai đoạn 40 – 70 ngày tuổi. Dấu hiệu nhận biết của bệnh này chính là sự xuất hiện của các sợi phân trắng nổi trên bề mặt ao nuôi. Ngoài ra, tôm nhiễm bệnh còn có những triệu chứng sau:

  • Giảm ăn, tăng trưởng chậm 
  • Vỏ mềm, màu sắc tôm chuyển sang sậm hơn
  • Gan tụy mềm nhũn, màu nhợt nhạt
  • Ruột và phân tôm chuyển sang màu vàng hoặc màu trắng
  • Mang tôm chuyển sang màu tối

Khi tôm bị các tác nhân gây bệnh xâm nhập, hệ thống gan tụy và đường ruột sẽ bị tổn thương dẫn đến chức năng hoạt động của các cơ quan này giảm sút, do vậy tôm không hấp thụ được thức ăn, cộng thêm sự tấn công của các nhân tố cơ hội khác khiến tôm chết.

Tham khảo: Bệnh cong thân đục cơ trên tôm

tom bi phan trang 1

Những nguyên nhân khiến tôm bị phân trắng

Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh phân trắng ở tôm, một số tác nhân gây bệnh thường gặp là: 

  • Đặc điểm ao nuôi: Nồng đồ các chất hữu cơ > 100 ppm; Độ kiềm < 80 ppm và > 200 ppm; Nồng độ Vibrio cao > 1 x 102 CFU/ml; Nồng độ DO < 3 ppm trong thời gian dài ; Nhiệt độ cao > 32 độ C; Bị tảo tàn trước đó, nồng độ NH3 cao; Ao nuôi xuất hiện tảo lam 
  • Nhóm vi khuẩn Vibrio
  • Nhóm độc tố có khả năng gây tổn thương hệ thống gan tụy và đường ruột ở tôm: khí độc NH3, H2S, độc tố từ nấm trong thức ăn cho tôm bị ẩm mốc, các loại tảo độc, vi bào trùng tử (EHP), ký sinh trùng Gregarine. 

Để hạn chế tôm bị phân trắng, bà con nên thường xuyên theo dõi, đo đạc các chỉ số nước ao nuôi tôm để đưa ra các điều chỉnh hợp lý khi chỉ tiêu vượt mức.

Xem thêm: Các bệnh đường ruột ở tôm

Phòng trị bệnh phân trắng cho tôm như thế nào? 

Khi phát hiện tôm bị phân trắng, bà con có thể điều trị bằng cách

  • Ngưng cho tôm ăn 1 – 2 ngày, đồng thời chạy quạt để tăng cường oxy đủ cho tôm hô hấp
  • Thay nước 30 – 50% (nước đã được xử lý kỹ, thay chậm để tránh làm tôm bị sốc) 
  • Tìm cách giảm nồng độ các chất hữu cơ trong ao (nếu ao thường xuyên xi phông thì dùng chất lắng tụ rồi xi phông sạch ra ngoài. Trường hợp ao không được xi phông trước đó thì chỉ dùng vi sinh, không được làm xáo trộn đáy ao khiến khí H2S khuếch tán vào nước gây chết tôm)
  • Dùng vi sinh để xử lý nước và đáy ao (liều lượng gấp 3 lần bình thường) 
  • Trộn xen kẽ các nhóm vi sinh tiêu hóa và tỏi (10g/kg)  vào thức ăn để cho tôm ăn (không trộn tỏi cùng vi sinh vì tỏi có thể làm bất hoạt vi sinh)
  • Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên trong vòng 5 ngày liên tục 

Xem thêm: Tôm bị vàng gan nguyên nhân và cách điều trị

tom bi phan trang 2

Các biện pháp phòng bệnh phân trắng cho tôm

  • Bổ sung vitamin, khoáng chất cần thiết để tăng cường sức khỏe cho tôm
  • Bảo quản thức ăn tốt, kiểm tra chất lượng thức ăn thường xuyên (hạn sử dụng, độ ẩm, độ mốc)
  • Kiểm soát tốt các loại tảo độc, độ kiềm trong ao
  • Kiểm soát sự phát triển của vi khuẩn Vibrio bằng cách duy trì nồng độ thấp các chất hữu cơ – nguồn dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của Vibrio. Xi phông loại bỏ chất thải, sử dụng vi sinh phân hủy các chất hữu cơ đáy ao và nước. 
  • Theo dõi nhiệt độ nước và quản lý tốt lượng thức ăn: khi nhiệt độ tăng cao trên 32 độ C, không nên tăng lượng thức ăn của tôm vì lúc này tôm có nhu cầu ăn nhiều hơn nhưng lại không hấp thụ hết các chất dinh dưỡng, quá trình tiêu hóa diễn ra nhanh, tôm ăn nhiều nhưng không hiệu quả, đồng thời còn làm gia tăng lượng chất thải trong ao nuôi. Trong điều kiện nhiệt độ cao cũng làm vi khuẩn phát triển nhanh hơn. (Tham khảo cách quản lý nhiệt độ ao nuôi tôm)
  • Bổ sung vi sinh thường xuyên để duy trì cân bằng hệ vi khuẩn có lợi trong ao
  • Duy trì hàm lượng oxy hòa tan > 5 ppm

Ngoài ra, để phòng bệnh phân trắng ở tôm, bà con nên kiểm tra mầm bệnh của tôm trước khi thả giống bằng kỹ thuật sinh học phân tử PCR. Qua đó, loại trừ những vật chủ có thể mang mầm bệnh trong hệ thống nuôi, vệ sinh nước trước khi cho vào ao nuôi. 

Trên đây là những nguyên nhân tôm bị phân trắng và cách phòng trị bệnh. Biogency hy vọng bà con đã hiểu hơn về loại bệnh này và luôn thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh để tôm khỏe mạnh, phát triển tốt và cho năng suất cao.    

Xem Thêm :

Tài liệu tham khảo:

  • Bệnh phân trắng trên tôm và cách phòng ngừa (camau.gov.vn)
  • HÀ, Nguyễn Thị Thu, et al. BIẾN ĐỔI MÔ BỆNH HỌC Ở GAN TỤY TÔM SÚ NUÔI BỊ BỆNH PHÂN TRẮNG.
  • HOU, Dongwei, et al. Intestinal bacterial signatures of white feces syndrome in shrimp. Applied microbiology and biotechnology, 2018, 102.8: 3701-3709.
  • SRIURAIRATANA, Siriporn, et al. White feces syndrome of shrimp arises from transformation, sloughing and aggregation of hepatopancreatic microvilli into vermiform bodies superficially resembling gregarines. PloS one, 2014, 9.6: e99170.
  • TANGPRASITTIPAP, Amornrat, et al. The microsporidian Enterocytozoon hepatopenaei is not the cause of white feces syndrome in whiteleg shrimp Penaeus (Litopenaeus) vannamei. BMC veterinary research, 2013, 9.1: 1-10.
  • TANG, Kathy FJ, et al. Dense populations of the microsporidian Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) in feces of Penaeus vannamei exhibiting white feces syndrome and pathways of their transmission to healthy shrimp. Journal of invertebrate pathology, 2016, 140: 1-7.

Chịu trách nhiệm nội dung

Phó Giám Đốc - Đồng Thị Tú Anh

Chữ ký