Nuôi cá rô phi đơn tính là một trong những mô hình khá phổ biến trong nuôi trồng thủy sản. Hãy cùng Biogency tìm hiểu sâu hơn về mô hình nuôi này cũng như những ưu điểm mà nó mang lại qua bài viết dưới đây.
Các nội dung chính
Nuôi cá rô phi toàn đực là gì?
Nguồn gốc của cá rô phi đến từ Châu Phi. Hiện nay người ta đã phát hiện khoảng hơn 80 loài cá rô phi khác nhau, tuy nhiên trong số đó chỉ có khoảng 10 loài là mang lại giá trị kinh tế trong nuôi trồng thủy sản. Cá rô phi thường sống ở nước ngọt, tuy nhiên cũng có một số loại sống được ở nước lợ hoặc nước mặn. Phân loại khoa học của cá rô phi như sau:
- Giới: Animalia.
- Ngành: Chordata.
- Lớp: Actinopterygii.
- Bộ: Perciformes.
- Họ: Cichlidae.
- Phân họ: Pseudocrenilabrinae.
- Tông: Tilapiini.
- Chi: Oreochromis (khoảng 30 loài), Sarotherodon (trên 10 loài), Tilapia (khoảng 40 loài).
Cá rô phi là một trong những loài cá được đưa vào nuôi đầu tiên trên thế giới. Hiện nay, mô hình nuôi cá rô phi công nghiệp cũng đang phát triển mạnh mẽ vì loài thủy sản này mang lại giá trị kinh tế cao. Đối với cá rô phi, con đực thường có xu hướng phát triển nhanh hơn con cái từ 15-18% sau 4 tháng nuôi vì con cái trong suốt quá trình ấp trứng không bắt mồi nên sự phát triển giảm. Cũng dựa trên lý do này mà hiện nay người ta đã nhân giống và tiêm hoocmon để chỉ nuôi cá rô phi toàn đực – gọi là mô hình nuôi cá rô phi đơn tính.
Trong mô hình nuôi cá rô phi đơn tính, người ta thường dùng hormon (17α- methyltestosterone) để “chuyển giới” cho cá rô phi, hoặc sử dụng giống cá rô phi đơn tính phương pháp di truyền. 2 phương pháp này đều có tỷ lệ thành công khoảng 95%, do đó khi nuôi cá rô phi đơn tính nhưng chúng vẫn đẻ là chuyện rất bình thường.
Một số ưu điểm của nuôi cá rô phi đơn tính
Mô hình nuôi cá rô phi đơn tính có nhiều ưu điểm hơn so với việc nuôi cá rô phi thông thường. Đó là:
Năng suất và chất lượng khi nuôi cá rô phi đơn tính cao hơn:
Vì cá rô phi đực có tốc độ lớn nhanh hơn so với con cái, cụ thể là nếu con cái dùng toàn bộ lượng thức ăn hấp thụ vào cho việc tăng trưởng và phát triển để cho kích thước đồng đều, chất lượng thịt ngon thì con cái lại dùng một phần thức ăn trong số đó để phục vụ cho quá trình sản – mang trứng và ấp trứng làm chậm đi quá trình phát triển của chúng. Thêm vào đó, trong quá trình ấp trứng cá rô phi cái còn nhịn năng nên chất lượng thịt của chúng cũng giảm đi ít nhiều. Và đặc thù của cá rô phi là sinh sản quanh năm nên khi so với con đực chúng không có nhiều ưu thế để nuôi thương phẩm. Người ta đã chứng minh được rằng, nếu đem 2 con cá rô phi đực và cái có kích thước bằng nhau ra so sánh thì tỷ lệ thịt cá ở mô hình nuôi cá rô phi đơn tính toàn đực sẽ cao hơn khoảng 10-20%.
Khả năng kháng bệnh tốt hơn và giảm tỷ lệ FCR cho người nuôi:
Khi nuôi theo kiểu đơn tính, cá rô phi (đực) có tốc độ phát triển đồng đều, khả năng tiêu thụ và chuyển hóa thức ăn tốt hơn, từ đó giúp giảm tỷ lệ chuyển đổi FCR (tỷ lệ chuyển đổi thức ăn) giúp bà con tối ưu chi phí. Khi cá rô phi đơn tính phát triển khỏe thì khả năng kháng bệnh của chúng cũng cao hơn.
Nhu cầu của thị trường nhiều hơn:
Thị trường của cá rô phi đa dạng từ trong nước đến xuất khẩu, do đó cá rô phi đơn tính cho chất lượng thịt nhiều và cao hơn, mang lại giá trị kinh tế tốt hơn giúp người nuôi gia tăng lợi nhuận mùa vụ.
Mô hình nuôi cá rô phi đơn tính thành công của ông Vân, Sóc Trăng
Ông Vân được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ và bắt đầu nuôi cá rô phi đơn tính từ năm 2020. Với diện tích đất khoảng 2,8 hecta và được chia làm 8 ao nuôi, tương đương 3.500 m2/ao. Ông Vân đã áp dụng biện pháp nuôi cá rô phi đơn tính 2 giai đoạn cho các ao nuôi của mình (giai đoạn 1 là mua cá giống về ương, và giai đoạn 2 là sang các các ao khác để nuôi thương phẩm). Trong quá trình nuôi, ông Vân cũng xi-phông và làm sạch đáy ao thường xuyên để giữ môi trường ao sạch cho cá phát triển tốt.
Thời gian nuôi một mùa vụ của cá rô phi đơn tính là khoảng từ 5-6 tháng, với trọng lượng đạt từ 500 gram – 600gram/con. Theo ông, đây là loài cá dễ nuôi, không tốn quá nhiều công chăm sóc. Và qua 2 đợt thả nuôi, ông đã thu về lợi nhuận tốt khi nuôi loài thủy sản này. Ở đợt nuôi đầu tiên, các ao nuôi của ông Vân thu hoạch với sản lượng cá đạt 235 tấn cá, được công ty bao tiêu đầu ra giá bán 26.000 đồng – 28.000 đồng/kg cá, trừ chi phí lợi nhuận hơn 1,5 tỷ đồng. Và ở đợt nuôi thứ 2, tổng sản lượng cá ông thu về là hơn 400 tấn, công ty bao tiêu thu mua giá 29.000 đồng – 30.000 đồng/kg cá, ông cũng thu được lợi nhuận hàng tỷ đồng. (theo nguồn soctrang.dcs.vn).
Tham khảo: Bệnh thường gặp trên cá rô phi
Có thể thấy rằng mô hình nuôi cá rô phi đơn tính mang đến nhiều lợi ích về kinh tế cho người nuôi. Tuy nhiên, để áp dụng hiệu quả, bà con cần tìm hiểu sâu về loài thủy sản này, cũng như kỹ thuật và kinh nghiệm nuôi từ những người đi trước để gia tăng khả năng thành công cho mùa vụ. Chúc bà con thành công.
Chịu trách nhiệm nội dung
Phó Giám Đốc - Đồng Thị Tú Anh