Xuất khẩu ngành thủy sản luôn là một trong những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam và chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu của nước ta. Hiện nay, các sản phẩm thủy sản của Việt Nam đã được xuất khẩu sang gần 170 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm cả thị trường khó tính như EU, Hoa Kỳ,… Để tìm hiểu cụ thể về số liệu xuất khẩu ngành này trong 6 tháng đầu năm 2024, mời bà con theo dõi bài viết sau của Biogency nhé!
Ngành thủy sản xuất khẩu của Việt Nam có xu hướng tăng trong 6 tháng đầu năm
Theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của nước ta đạt 190,08 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, trong nửa đầu năm nay, Việt Nam có tới 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu lớn hơn 1 tỷ USD là nhiên liệu và khoáng sản, công nghiệp chế biến, thủy sản, nông lâm sản,…
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), trong nửa đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ngành thủy sản đạt 4,4 tỷ USD, tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta là cá tra, cá ngừ, cua ghẹ, tôm, mực và bạch tuộc.
Dưới đây là thông tin chi tiết về cơ cấu xuất khẩu ngành thủy sản nước ta trong nửa đầu năm 2024:
- Tôm: Kim ngạch xuất khẩu tôm đạt khoảng 1,6 tỷ USD, tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, tôm chân trắng đạt gần 1,2 tỷ USD (tăng 3%), tôm sú đạt hơn 200 triệu USD (giảm 10%), tôm hùm đạt hơn 130 triệu USD (tăng gấp 57 lần),…
- Cá tra: Kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 918 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặt hàng này có sự tăng lên về nhu cầu nhưng mặt bằng giá khi xuất khẩu sang EU, Anh, Trung Quốc,… vẫn tương đối thấp. Tuy nhiên, cá tra xuất khẩu sang Mỹ có sự chuyển biến tích cực cả về khối lượng và giá.
- Cua ghẹ và giáp xác: Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này đạt 125 triệu USD, tăng mạnh 75% so với cùng kỳ năm 2023.
- Cá ngừ: Kim ngạch xuất khẩu cá ngừ 472 triệu USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tỷ trọng xuất khẩu cá ngừ phần lớn vẫn đến từ phân khúc cà ngừ đóng hộp, đóng túi.
- Mực và bạch tuộc: Kim ngạch xuất khẩu mực và bạch tuộc đạt 289 triệu USD, giảm nhẹ 1% so với nửa đầu năm 2023. Đây là nhóm hàng xuất khẩu ngành thủy sản chủ lực duy nhất có kim ngạch giảm. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu bạch tuộc vẫn tăng và sự sụt giảm này đến từ các mặt hàng mực.
- Thủy sản khác: Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thủy sản khác đạt 951 triệu USD, giảm 3% so với năm ngoái. Kim ngạch cá chẽm tăng 27% (đạt 36 triệu USD), cá chỉ vàng tăng 14% (đạt 29 triệu USD), cá cam tăng 96%, cá thu tăng 6%, lươn tăng 93%,…
Như vậy, so với nửa đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu ngành thủy sản nước ta đang dần phục hồi và có xu hướng tăng. Cụ thể, hầu hết nhóm hàng thủy sản đều có xu hướng tăng về kim ngạch, trừ nhóm bạch tuộc và mực.
Cũng theo VASEP, kim ngạch xuất khẩu ngành thủy sản nước ta trong tháng 7/2024 đạt 885 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng có kim ngạch xuất khẩu và mức tăng trưởng cao nhất trong 7 tháng đầu năm nay. Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều ghi nhận mức tăng trưởng tích cực.
>>> Xem thêm: Nuôi trồng thủy sản và những ứng dụng AI hữu ích
6 thị trường xuất khẩu là tâm điểm của ngành thủy sản trong 6 tháng đầu năm 2024
Hiện nay, Việt Nam đã xuất khẩu ngành thủy sản sang gần 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo VASEP, trong 6 tháng đầu năm 2024, 6 thị trường xuất khẩu của ngành thủy sản lớn nhất tại Việt Nam là Mỹ, Trung Quốc & Hồng Kông, Australia, Anh, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường này đạt 3,247 tỷ USD, chiếm tỷ trọng gần 73,8% tổng kim ngạch. Cụ thể như sau:
- Mỹ: Đây là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của nước ta, với kim ngạch đạt 771 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2023. Ngay từ đầu năm, kinh tế Mỹ đã có những dấu hiệu lạc quan với lạm phát giảm từ 9% xuống còn 3%. Dự kiến, Chính phủ nước này sẽ sớm giảm lãi suất để kích cầu tiêu dùng. Đây cũng là một tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
- EU: Kim ngạch xuất khẩu ngành thủy sản sang EU đạt 502 triệu đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này đến từ xu hướng ổn định của thị trường EU với lạm phát thủy sản giảm, giá cả và tiêu dùng cũng được phục hồi. Theo dự báo, giá và lượng nhập khẩu thủy sản của khu vực này sẽ còn tăng lên sau kỳ nghỉ hè năm 2024.
- Trung Quốc & Hồng Kông: Kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường này đạt 763 triệu USD, tăng 6% so với nửa đầu năm 2023. Thị trường này có nhu cầu thủy sản phục hồi mạnh nhưng trả giá thấp và rất khó cạnh tranh.
- Australia: Kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Úc đạt 153 triệu USD, tăng 6% so với nửa đầu năm ngoái.
- Hàn Quốc: Trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ngành thủy sản của Việt Nam sang nước này đạt 363 triệu USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.
- Nhật Bản: Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thủy sản sang Nhật Bản đạt 695 triệu, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2023. Đây cũng là thị trường duy nhất trong 6 thị trường chủ lực có kim ngạch xuất khẩu giảm trong giai đoạn này.
Nhìn chung, tình hình xuất khẩu ngành thủy sản nửa đầu năm 2024 đã cho thấy sự tăng trưởng tích cực cả về nhu cầu và giá cả. Theo dự báo của các chuyên gia, kim ngạch xuất khẩu ngành này sẽ có xu hướng tăng lên vào cuối năm nay. Ngoài ra, để tìm hiểu các thông tin liên quan đến ngành thủy sản nói riêng và nông nghiệp nói chung, bà con đừng quên theo dõi Biogency hoặc liên hệ Hotline 0909 538 514 nhé!
>>> Xem thêm: Làm thế nào để bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản?
Chịu trách nhiệm nội dung
Phó Giám Đốc - Đồng Thị Tú Anh