Những năm gần đây, tình trạng tôm chậm lớn, sụt giảm sản lượng do vi bào tử trùng EHP ngày càng nhiều. Bệnh EHP ở tôm không gây tỷ lệ tử vong cao nhưng có ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh trưởng và phát triển của tôm, là vấn đề đáng lo ngại đối với ngành nuôi tôm.
Dưới đây là nguyên nhân, triệu chứng và các biện pháp phòng trị EHP người nuôi cần nắm để tránh thiệt hại về kinh tế do loại bệnh này.
Các nội dung chính
Bệnh EHP ở tôm và các triệu chứng khi nhiễm bệnh
Vi bào tử trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) chính là nguyên nhân gây bệnh EHP ở tôm, hay còn được gọi là bệnh chậm lớn. Đây là loại bệnh xuất hiện nhiều ở các nước có ngành công nghiệp nuôi tôm phát triển như Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia,…
Tại Việt Nam, bệnh EHP xuất hiện từ năm 2015. Theo Tổng cục Thủy sản, tình hình tôm nhiễm bệnh EHP ở nước lợ đang có chiều hướng gia tăng. Tôm nhiễm bệnh sẽ chậm lớn, thậm chí không lớn mặc dù vẫn tiêu tốn thức ăn. Vỏ tôm mềm, màu sắc gan tụy trở nên nhợt nhạt.
Bệnh vi bào tử trùng EHP không gây tỷ lệ chết cao, tuy nhiên ảnh hưởng trầm trọng đến tốc độ tăng trưởng của tôm và gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho bà con nuôi tôm.
Ở những ao tôm nhiễm bệnh EHP, tốc độ tăng trưởng của tôm chỉ đạt từ 10 – 40% so với những ao không nhiễm bệnh. Tôm bệnh EHP thường có kích cỡ không đồng đều sau 25 ngày thả nuôi và được phát hiện nhiều ở các ao nuôi đã nhiễm bệnh phân trắng – WFS (tỷ lệ nhiễm lên đến 96%) và hội chứng chậm lớn – MSGS ( tỷ lệ nhiễm khoảng 55,5%).
Điểm đáng lo ngại của bệnh EHP chính là chưa có giải pháp điều trị hiệu quả và khó khống chế bệnh do các tác nhân lây truyền theo cả chiều ngang và chiều dọc. Do vậy, để hạn chế sự hình thành và lây lan của bệnh, bà con nuôi tôm được khuyến cáo thực hiện các biện pháp phòng bệnh tổng hợp.
Cơ chế lây nhiễm bệnh EHP ở tôm như thế nào?
Bệnh EHP ở tôm có cơ chế lây nhiễm theo cả chiều dọc lẫn chiều ngang:
- Cơ chế lây nhiễm theo chiều dọc: bệnh truyền từ tôm bố mẹ sang ấu trùng tôm con (Nauplius)
- Cơ chế lây nhiễm theo chiều ngang: môi trường nước nuôi có nhiễm EHP, tôm ăn phải những sinh vật mang mầm bệnh hoặc tiếp xúc trực tiếp với sinh vật nhiễm bệnh.
Với cơ chế lây nhiễm phức tạp và khó kiểm soát nên bệnh EHP được dự báo là thách thức lớn trong ngành công nghiệp nuôi tôm bên cạnh bệnh đốm trắng (WSSV) và bệnh hoại tử gan tụy cấp (Bệnh EMS trên tôm).
Cách phát hiện bệnh EHP ở tôm
Bệnh EHP không có các triệu chứng đặc trưng, do vậy chỉ có thể phát hiện vi bào tử trùng EHP thông qua kính hiển vi hiện đại, quan sát mô học và các phương pháp sinh học phân tử. Một số phương pháp phát hiện EHP ở tôm được các nhà nghiên cứu áp dụng là quan sát bằng kính hiển vi điện tử quét và quang học, quan sát mô học, lai tại chỗ, fist step PCR, real-time PCR, nested PCR, LAMP.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Rajendran và ctv (2016) chỉ khi tôm bị nhiễm bệnh nặng thì mới có thể phát hiện EHP thông qua các phương pháp quan sát. Do vậy, nên áp dụng các phương pháp sinh học phân tử hiện đại như PCR,… để phát hiện bệnh EHP hiệu quả hơn.
Các biện pháp phòng bệnh EHP ở tôm
Như đã nhắc đến ở trên, bệnh EHP ở tôm rất khó phát hiện và kiểm soát khả năng lây lan. Do vậy, bà con nuôi tôm cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh nhằm tránh những thiệt hại do bệnh gây ra.
Kiểm soát con giống chặt chẽ
Trước khi thả nuôi, bà con nuôi tôm cần lựa chọn những con giống tốt từ các công ty/ trại giống uy tín. Chọn tôm đã được xét nghiệm và đảm bảo âm tính với tất cả các bệnh thông thường ở tôm. (Tham khảo cách chọn tôm giống chất lượng)
Mật độ thả nuôi vừa phải
Mật độ thả nuôi phù hợp đối với tôm sú là 15 – 25 com/ m2, đối với tôm thẻ chân trắng là 60 – 70 con/ m2.
Chuẩn bị kĩ ao nuôi
Mô hình nuôi thâm canh và bán thâm canh cần phải xây dựng ao lắng (ít nhất 30% diện tích ao nuôi) để luôn mang lại nguồn nước cấp sạch, chất lượng cho ao nuôi. Ao lắng cũng phải được cải tạo và diệt khuẩn nước kỹ trước khi cấp vào ao nuôi. (Tham khảo quy trình chuẩn bị ao nuôi tôm)
Thực hiện đúng các quy trình cải tạo ao nuôi để loại bỏ tất cả mầm bệnh tồn tại từ vụ mùa trước.
- Những ao nuôi tôm lót bạt cần được chà sạch, phơi nắng và xử lý vôi để loại bỏ các vi khuẩn có thể gây bệnh. Xử lý bằng chlorine với liều lượng ít nhất 30 ppm, diệt khuẩn nước kỹ trước khi gây màu.
- Ao đất cần cày và phơi khô đáy ít nhất 2 – 3 tuần. Sau đó, xử lý bằng vôi, rửa ao, xử lý bằng chlorine ít nhất 30 ppm, diệt khuẩn kỹ trước khi cấp nước và gây màu. Cần xử lý ao và kiểm tra mật độ Vibrio trong nước và trong đất kỹ trước khi gây màu.
Tuân thủ an toàn sinh học trong ao nuôi để tránh lây lan mầm bệnh
Bố trí riêng biệt các vật dụng chăm sóc hoặc kiểm tra tôm nhằm tránh lây bệnh giữa các ao nuôi với nhau. Với những ao bị nhiễm EHP cần quan tâm đến lây lan qua nguồn nước hay do người chăm sóc.
Theo dõi thể trạng và sức ăn của tôm thường xuyên
Cần theo dõi sức ăn của tôm thường xuyên để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp, tránh tình trạng thức ăn dư thừa gây ô nhiễm và biến đổi nguồn nước, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của tôm. Kiểm tra gan tụy, màu sắc, độ cứng vỏ, kích cỡ… thường xuyên để đảm bảo tôm khỏe mạnh, đồng thời có thể phát hiện những biến đổi khác thường ở tôm nhanh chóng.
Tham khảo: Cách xử lý ao nhiễm EPH
Quản lý tốt chất lượng nguồn nước
Thường xuyên theo dõi và duy trì các chỉ tiêu nguồn nước như độ pH, độ kiềm, nhiệt độ, nồng độ oxy hòa tan,… ở mức tối ưu nhằm đảm bảo môi trường phát triển tốt nhất cho tôm. Tránh tình trạng tôm bị sốc và sự hình thành, lây lan của các tác nhân gây bệnh.( Tham khảo cách quản lý chất lượng nước ao nuôi tôm)
Trên đây là những cách phòng bệnh EHP ở tôm mà bà con có thể áp dụng để đẩy lùi sự phát triển của các vi khuẩn gây bệnh nói chung và vi bào tử trùng EHP nói riêng. Với những thông tin về nguyên nhân, triệu chứng, cách phát hiện và phòng bệnh, Biogency hy vọng bà con đã có thêm nhiều kiến thức hơn về bệnh EHP và chủ động hơn trong các biện pháp phòng ngừa, giúp nuôi tôm khỏe mạnh và đạt hiệu quả kinh tế.
Xem Thêm : Bí quyết sử dụng chế phẩm vi sinh nuôi tôm khoẻ mạnh
Chịu trách nhiệm nội dung
Phó Giám Đốc - Đồng Thị Tú Anh