Trong nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng, việc sử dụng thuốc sát trùng/thuốc diệt khuẩn là cần thiết để kiểm soát mật độ vi khuẩn gây hại, cải tạo nước ao,… Nhưng sử dụng như thế nào để đạt hiệu quả cao thì không phải ai cũng nắm rõ. Dưới đây là một số lưu ý dùng thuốc sát trùng trong nuôi tôm nước lợ, Biogency xin gởi đến bà con cùng tham khảo!
Các nội dung chính
Các yếu tố tác động đến hiệu quả thuốc sát trùng trong nuôi tôm nước lợ
Không phải lúc nào sử dụng thuốc sát trùng/thuốc diệt khuẩn cũng sẽ đạt hiệu quả tối đa. Bởi vì hiệu quả của thuốc sát trùng còn chịu một số tác động từ những yếu tố sau đây:
Mức độ ô nhiễm của nguồn nước
Mức độ ô nhiễm của nguồn nước ảnh hưởng nhiều tới thời gian cần tiếp xúc và nồng độ cần sử dụng của thuốc sát trùng.
Trên thực tế, liều lượng thuốc diệt khuẩn ao tôm đưa vào sử dụng có thể sẽ có sự khác biệt so với lượng khuyến nghị trên bao bì. Nguyên do là vì có một số loại thuốc bị giảm hiệu quả khi trong nước chứa nhiều cặn bã hữu cơ hoặc nồng độ vi sinh vật, lúc này bà con phải tăng liều lên thì thuốc mới phát huy tác dụng.
Các thông số môi trường
Một số yếu tố hóa lý của môi trường nước có thể ảnh hưởng tới hiệu quả của thuốc sát trùng như:
- Nhiệt độ
- Độ pH
- Hàm lượng oxy hòa tan
- Độ kiềm
- Độ cứng của nước
Ao nuôi nước lợ sẽ có sự khác biệt về thông số so với ao nước ngọt hay nước mặn. Bà con nuôi tôm cần nắm rõ những thông số này và đặc tính của loại thuốc diệt khuẩn mình muốn sử dụng để lựa chọn được loại thuốc sát trùng phù hợp, an toàn và tiết kiệm chi phí nhất.
Mầm bệnh trong ao nuôi
Thuốc sát trùng có nhiều loại, mỗi loại có khả năng tác động lên một số mầm bệnh nhất định. Muốn đạt được hiệu quả cao khi sử dụng thuốc sát trùng, bà con cần tìm hiểu về mầm bệnh mình muốn loại trừ, cũng như khả năng tác động của thuốc để chọn đúng loại mong muốn.
Tính an toàn của thuốc
Một loại thuốc sát trùng tốt không chỉ cần có khả năng diệt khuẩn hiệu quả mà còn phải đảm bảo an toàn cho môi trường, cho người sử dụng. Đây mới là tiêu chí quan trọng hàng đầu khi bà con lựa chọn thuốc sát trùng.
Thuốc sát trùng không đảm bảo an toàn sẽ bị cấm sử dụng, bà con dùng thuốc sát trùng cấm trong nuôi trồng thủy sản có thể phải nhận mức phạt theo quy định của pháp luật.
Sự tương tác
Khi sử dụng thuốc sát trùng trong nuôi tôm nước lợ có thể xảy ra 2 sự tương tác:
- Tương tác giữa thuốc sát trùng với một số thành phần có trong môi trường.
- Tương tác giữa các các loại thuốc sát trùng với nhau (trong trường hợp sử dụng nhiều loại cùng lúc).
Khi có sự tương tác xảy ra, độc tính của thuốc sát trùng có thể tăng lên và gây hại cho môi trường nước, hoặc làm mất đi hoạt tính của thuốc. Cũng có trường hợp sự tương tác khiến cho việc sử dụng thuốc hiệu quả hơn. Bà con khi sử dụng thuốc sát trùng nhớ lưu ý yếu tố này, đặc biệt là khi muốn sử dụng từ 2 loại thuốc sát trùng trở lên trong một ao nuôi.
Lưu ý sử dụng thuốc sát trùng trong nuôi tôm nước lợ
Một số lưu ý không thể bỏ qua khi dùng thuốc sát trùng trong nuôi tôm nước lợ
- Tiến hành sử dụng các loại thuốc sát trùng như Iodine, KMnO4, Chlorine trước khi thả tôm giống khoảng 3 – 5 ngày để hạn chế tối đa mầm bệnh do vi khuẩn, virus có sẵn trong nước. Chỉ chưa tới 48 giờ sau khi sử dụng, dư lượng thuốc sát trùng sẽ phân hủy và bay hơi hết, lúc này bà con tranh thủ gây màu nước bằng men vi sinh Microbe-Lift AQUA C, rồi thả tôm giống vào ao. (Tham khảo cách gây màu nước nuôi tôm)
- Trong giai đoạn tôm còn nhỏ (từ lúc thả con giống đến 45 ngày), bà con nên hạn chế sử dụng thuốc diệt khuẩn, chỉ dùng trong trường hợp cấp thiết. Bởi vì lúc này có nhiều trường hợp tôm giống đã nhiễm Vibrio, tôm lột xác nhanh (1,5 – 4 ngày/lần), hệ miễn dịch kém, dễ nhiễm vi khuẩn, virus (hoại tử gan tụy, đốm trắng, đầu vàng),… nên rất yếu và nhạy cảm với thuốc diệt khuẩn. Mặt khác, thuốc diệt khuẩn còn diệt tảo, động vật phù du và các vi sinh vật có lợi, làm cho rong đáy phát triển, thiếu thức ăn cho tôm.
- Giai đoạn sau 45 ngày đến khi thu hoạch, tôm có sức đề kháng ổn định, đã có thể chống chịu được các loại thuốc sát trùng. Tuy nhiên bà con không nên quá lạm dụng. Cẩn thận với các loại thuốc Chlorine, KMnO4 và Iodine vì những loại này diệt tảo, vi sinh vật có lợi và động vật phù du rất mạnh, có thể làm ảnh hưởng tới sức khỏe tôm.
- Trong điều kiện bình thường bà con không cần sử dụng thuốc sát trùng, vì các chế phẩm vi sinh được dùng định kỳ đã có thể lấn át vi khuẩn gây hại. Nhưng khi dịch bệnh tăng cao, thuốc sát trùng sẽ giúp kiểm soát mật độ vi khuẩn có hại ở dưới mức gây nguy hiểm cho tôm.
- Bà con chỉ nên sử dụng thuốc diệt khuẩn khi xung quanh có dịch bệnh, môi trường nước ao tôm dơ bẩn hoặc giai đoạn gần thu hoạch.
- Tuyệt đối không dùng Chlorine ở tháng cuối.
- Đánh thuốc sát trùng có hoạt tính quá mạnh có thể làm tôm bị sốc thuốc sát trùng, suy giảm miễn dịch, bỏ ăn và dễ nhiễm bệnh. Vì vậy cần lựa chọn loại thuốc có hoạt tính phù hợp và nên bổ sung chế phẩm vi sinh để đảm bảo sức khỏe tôm.
- Sát trùng nước xong, các vi khuẩn gây hại sẽ bùng phát trở lại rất nhanh. Vì vậy bà con cần tranh thủ bổ sung men vi sinh Microbe-Lift AQUA C ngay sau 48 giờ sử dụng. Lúc này lợi khuẩn bacillus sẽ tạo quần thể ưu thế trước, ức chế sự phát triển của hại khuẩn và giữ cho số lượng của chúng ở dưới mức nguy hiểm.
Lưu ý một số tác hại của thuốc sát trùng
Nhiều người nuôi tôm nước lợ chỉ quan tâm tới hiệu quả và giá thành của thuốc diệt khuẩn mà bỏ qua những tác dụng phụ hay mặt trái của chúng. Chẳng hạn như có nhiều thuốc diệt khuẩn sẽ diệt hết tảo trong ao, tảo chết đi và phân hủy tốn rất nhiều oxy, làm cho nồng độ pH trong ao giảm, khí độc tăng lên gây hại cho tôm, làm tôm giảm ăn.
Ngoài ra, nhiều loại thuốc sát trùng quen thuộc cũng có một số hạn chế và tác dụng có hại khác. Cụ thể như:
- Iodine: dùng quá liều lượng cho phép sẽ khiến ao thiếu oxy, gây ra hiện tượng tôm chạy đàn, chết hàng loạt.
- Chlorine: chỉ nên sử dụng Chlorine lúc cải tạo ao, ngoài ra thì Chlorine khó gây màu nước, làm chết tảo, sử dụng lâu dài sẽ khiến đáy ao bị trơ, làm nghèo hệ lợi khuẩn. Bên cạnh đó, hiệu quả của Chlorine giảm khi pH tăng cao (pH > 8). Sử dụng Chlorine cho ao nhiều mùn bã hữu cơ thường phải tăng liều, vừa tốn kém vừa gây độc cho tôm.
- KMnO4 (thuốc tím): không bền, khi kết hợp với nước tạo ra MnO2 gây độc cho tôm. Ngoài ra khả năng diệt trùng của thuốc tím sẽ giảm ở nhiệt độ cao và dưới ánh nắng mặt trời, vì vậy chỉ nên sử dụng khi trời mát.
- Formalin: tác động xấu lên da, cơ quan hô hấp và hệ thần kinh.
Bà con nhớ lưu lại những tác dụng có hại trên đây của các loại thuốc sát trùng để có cách sử dụng hợp lý, tránh lạm dụng nhiều loại thuốc trong quá trình thả nuôi.Trên đây là những lưu ý dùng thuốc sát trùng/thuốc diệt khuẩn trong nuôi tôm nước lợ mà bà con có thể tham khảo để áp dụng cho trang trại nuôi của mình. Nếu có nhu cầu được các chuyên gia trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản tư vấn cặn kẽ hơn, mời bà con liên hệ với Biogency qua Hotline 0909 538 514. Chúc bà con có những vụ nuôi thành công!
Tài liệu tham khảo:
- Kinh nghiệm dùng thuốc sát trùng trong nuôi tôm nước lợ (camau.gov.vn)
- Kinh nghiệm dùng thuốc sát trùng trong nuôi tôm nước lợ – Tạp chí Thủy sản Việt Nam (thuysanvietnam.com.vn)
Chịu trách nhiệm nội dung
Phó Giám Đốc - Đồng Thị Tú Anh