Lượng rác thải sinh hoạt ngày càng tăng do sự gia tăng về số lượng dân số và các hoạt động sản xuất, sinh hoạt đã gây ra nhiều tác động đối với con người và môi trường (đất, nước và không khí) do hệ thống xử lý rác thải chưa đáp ứng được nhu cầu xử lý rác phát sinh.
Các nội dung chính
Nguồn gốc của rác thải sinh hoạt
Rác thải sinh hoạt là loại chất thải được phát sinh từ các hoạt động sinh hoạt hằng ngày của con người, có thể là trong gia đình, khu dân cư, trường học, nhà hàng – khách sạn, quán ăn, bệnh viện, doanh nghiệp, nhà máy sản xuất… Chúng thường là thực phẩm thừa, túi nilon, giấy, nhựa, kim loại, thủy tinh… và các chất độc hại khác.
Theo các số liệu thống kê về môi trường, bình quân mỗi năm cả nước phát sinh thêm khoảng 25.000 tấn rác thải sinh hoạt và lượng rác thải sinh hoạt phát sinh từ các khu vực đô thị có xu hướng tăng hằng năm, trung bình từ 10% – 16%. Trong đó, tỷ lệ thu gom rác thải tại nông thôn chỉ đạt khoảng 55% và tại các đô thị trên cả nước bình quân chỉ đạt khoảng 70% – 85% (theo tapchicongsan.org.vn).
Rác thải sinh hoạt chứa nhiều độc tố, chất thải nguy hại và khó phân hủy, nếu bị thải ra môi trường một cách bừa bãi sẽ dẫn đến nhiều tác động tiêu cực cho môi trường và con người.
Tham khảo: Xử lý mùi hôi bãi rác
Tác hại của rác thải sinh hoạt
Có thể thấy rằng, lượng rác thải sinh hoạt chưa được xử lý là khá nhiều, là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường ở nhiều khu vực, chúng tác động đến cả môi trường đất, nước và không khí, cũng là nguyên nhân gây ra nhiều dịch bệnh cho con người.
Đối với môi trường
Rác thải ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của người dân tại khu vực, tác động lên cả 3 môi trường trong tự nhiên là đất, nước và không khí.
Đối với môi trường đất, các loại rác thải khó phân hủy và chứa nhiều chất độc khi bị lẫn vào trong đất sẽ tiêu diệt các vi sinh vật có lợi cho đất, từ đó làm giảm tính đa dạng sinh học của đất, cản trở đến quá trình tổng hợp chất dinh dưỡng, đất trở nên chua và kém phì nhiêu, đồng thời cũng làm phát sinh nhiều sâu bọ phá hoại cây trồng. Ví dụ như túi nilon, ở môi trường đất chúng phải mất từ vài chục đến hàng trăm năm để phân hủy, là nguyên nhân ngăn cản sự phát triển của nhiều loại thực vật, đặc biệt là các thực vật thân mềm.
Với Việt Nam, là một quốc gia lấy nông nghiệp làm nguồn phát triển kinh tế chính, đất đai đóng vai trò quan trọng bậc nhất đối với người nông dân. Việc rác thải sinh hoạt thải ra và làm giảm chất lượng dinh dưỡng của đất đã tác động không nhỏ đến hoạt động canh tác, làm chất lượng mùa vụ bị mất ổn định, chưa kể sâu bệnh hại phát triển còn làm giảm sản lượng mùa vụ nghiêm trọng.
Đối với môi trường nước, rác thải sinh hoạt gây tác động tiêu cực mạnh mẽ đến môi trường nước, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của các loại sinh vật sống trong nước, làm giảm đa dạng sinh học.
Rác thải sinh hoạt khi bị trôi xuống sông, biển sẽ tác động đến đời sống của động vật biển (điển hình là tôm, cua, cá), chúng gây ra ô nhiễm nguồn nước và làm tôm cá chết hàng loạt. Hậu quả là số lượng tôm cá giảm, ngoài làm giảm đa dạng sinh học biển còn tác động tiêu cực đến những người dân sống nhờ nghề đánh bắt thủy hải sản.
Không chỉ tác động tiêu cực đến nguồn nước mặt và các loài sinh vật biển, rác thải sinh hoạt còn tác động mạnh mẽ đến nguồn nước ngầm. Nguyên nhân của việc này là do việc vứt rác bừa bãi làm rác qua quá trình phân hủy sẽ thấm vào trong đất và tiến đến là thấm vào trong các mạch nước ngầm. Với lượng chất độc lớn từ rác, chúng làm ô nhiễm nguồn nước ngầm nghiêm trọng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nước sử dụng, đồng thời còn gây ra nhiều bệnh nguy hiểm.
Có thể thấy rằng nguồn nước bị ô nhiễm tác động đến mọi mặt và mọi ngành nghề của đời sống, từ hoạt động sinh hoạt, sản xuất, nông nghiệp và thậm chí là nuôi trồng thủy sản, ảnh hưởng xấu đến kinh tế và đời sống tại địa phương.
Đối với môi trường không khí, rác thải sinh hoạt làm ô nhiễm nguồn không khí nghiêm trọng khi quá trình phân hủy của rác thải phát sinh nhiều mùi hôi thối. Đặc biệt là tại các khu vực đô thị, dân cư đông, nhà cửa nhiều, mùi hôi thối còn bốc lên nồng nặc hơn và làm giảm chất lượng không khí đáng kể. Quá trình đốt để tiêu hủy rác thải sinh hoạt cũng phát sinh khói bụi làm suy giảm chất lượng không khí.
Rác thải sinh hoạt tác động tiêu cực lên môi trường đất, nước và không khí làm suy thoái môi trường và giảm dần tính đa dạng sinh học ở mỗi loại môi trường. Điều này đã gây nên sự mất cân bằng sinh thái tổng thể của môi trường, là nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng sinh thái trong chuỗi thức ăn tự nhiên, làm giảm khả năng chống chọi với dịch bệnh và từ đó dần làm giảm sức bền của hệ sinh thái.
Ngoài những tác động tiêu cực kể trên, rác thải sinh hoạt được thải ra bừa bãi còn gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến chất lượng đời sống con người tại khu vực và khách du lịch. Chưa kể vứt rác sinh hoạt bừa bãi còn gây lãng phí vì trong rác thải sinh hoạt có nhiều loại rác thải như rác thải hữu cơ có thể tái sử dụng (qua quá trình ủ phân).
Đối với con người
Rác thải sinh hoạt gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe con người. Điển hình là tại các khu tập trung nhiều rác thường sẽ phát triển nhiều ruồi, muỗi, gián, chuột và các vi khuẩn gây bệnh truyền nhiễm cho con người và vật nuôi trong gia đình. Chưa kể rác thải không được xử lý lâu ngày sẽ phân hủy và phát sinh mùi hôi thối, tồn đọng trong không khí, ảnh hưởng đến hoạt động và đời sống sinh hoạt thường ngày của người dân. Điều này càng phổ biến hơn tại những khu vực đô thị khi bãi tập kết rác thường đặt ngay tại khu vực dân cư đông.
Có thể thấy rằng con người và môi trường sống có mối liên quan chặt chẽ với nhau, chất lượng môi trường đất, nước, không khí bị suy giảm do rác thải sinh hoạt cũng tác động gián tiếp lên con người. Cụ thể là: Đất ô nhiễm tác động lên hoạt động canh tác và kinh tế, nước ô nhiễm tác động đến sức khỏe, hoạt động sản xuất và sinh hoạt, không khí ô nhiễm tác động đến sức khỏe con người.
Tác hại của rác thải sinh hoạt đối với con người và môi trường là rất dễ nhận thấy. Mặc dù việc loại bỏ hoàn toàn rác thải sinh hoạt là điều không thể, tuy nhiên mỗi người dân có thể góp phần làm giảm tác hại của rác thải sinh hoạt đối với môi trường và chính cuộc sống của chúng ta bằng cách nâng cao ý thức hơn thông qua những việc làm nhỏ như không vứt rác bừa bãi, hãy tận dụng rác nếu còn có thể (ví dụ như túi nilon, rác hữu cơ…) để
góp phần hạn chế thải rác ra môi trường và bảo vệ cuộc sống của chính mình ngày một tốt hơn.
Tham khảo: Các biện pháp xử lý rác thải sinh hoạt
Nếu bạn quan tâm đến việc tái sử dụng rác thải hữu cơ thông qua quá trình ủ phân Compost, hãy liên hệ đến Biogency qua Hotline 0909 538 514 để được tư vấn chi tiết hơn nhé!
Chịu trách nhiệm nội dung
Phó Giám Đốc - Đồng Thị Tú Anh