Nuôi cua trong hộp nhựa là mô hình còn khá mới nhưng đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của đông đảo bà con, nhiều mô hình thành công mang lại thu nhập kinh tế cao, hứa hẹn mở ra hướng đi đầy triển vọng cho nghề nuôi trồng thủy sản nước ta.
Thu về hàng trăm triệu nhờ nuôi cua trong hộp nhựa
Với mô hình này cua sẽ được nuôi trong những chiếc hộp nhựa, có cắt lỗ thuận tiện trong quá trình cho ăn, phần đáy hộp được đục lỗ để nước luân chuyển. Thiết kế lỗ thoáng, đáy hình chữ nhật giúp giảm cường độ ánh nắng của mặt trời, hạn chế thức ăn rơi ra ngoài, việc lưu thông nước cũng dễ dàng hơn.
Hiện mô hình nuôi cua trong hộp nhựa đã được áp dụng thành công ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, mang lại thu nhập khủng cho nhiều hộ gia đình. Có thể kể đến trường hợp, anh Trần Xuân Giang (TX Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) thí điểm vào năm 2020 với số vốn hơn 200 triệu đồng. Sau 3 năm tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, đến nay mô hình nuôi cua đã mang đến cho gia đình anh thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Anh Nguyên Vũ sinh năm 1994 tại Sóc Sơn, sau khi học hỏi các mô hình nuôi cua từ Bắc vào Nam đã xây dựng trang trại nuôi cua gồm bằng hệ thống tuần hoàn với diện tích hơn 400m2, trung bình mỗi tháng trại cua xuất ra 300 – 400kg cua cốm (hơn 1000 hộp) đến các siêu thị thực phẩm sạch tại Hà Nội và các khách lẻ thu nhập từ 240 – 360 triệu đồng.
Anh Sơn ở Hà Tĩnh áp dụng mô hình nuôi cua trong hộp nhựa, đầu năm 2023, anh xây dựng trại nuôi gần 600m2, đặt mua 6.000 hộp nhựa từ Cà Mau với số tiền gần 700 triệu đồng về để nuôi cua. Cua giống, anh Sơn thu mua lại từ những người dân khai thác được tại các vùng nước lợ trên địa bàn tỉnh. Khi cua lớn đủ kích thước sẽ tách riêng vào từng hộp để chăm sóc. Việc tách riêng cua khi đã trưởng thành nhằm tránh cua ăn thịt nhau. Lứa đầu tiên, anh thu về khoảng 100 triệu đồng, trừ chi phí, lãi hơn 70 triệu đồng.
Mô hình nuôi cua trong hộp nhựa – nhiều triển vọng, cần nhân rộng
So với các mô hình nuôi cua truyền thống như nuôi cua quảng canh trong hồ nước lợ, mô hình nuôi cua trong hộp nhựa có ưu điểm là không tốn nhiều diện tích và không gian vì nuôi xếp chồng. Điều này có nghĩa với diện tích nhỏ, các hộ gia đình hoàn toàn có thể áp dụng nuôi.
Mô hình này cũng không cần nhiều nước, dễ chăm sóc, ít dịch bệnh lại thu hoạch nhanh và cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Thức ăn của cua dễ tìm, chủ yếu là cá trích, ngao, vẹm, ốc… mỗi ngày chi phí thức ăn rơi vào khoảng 40.000 – 50.000 đồng. Bên cạnh đó, nhiều trang trại đã áp dụng các kỹ thuật công nghệ cao giúp kiểm soát tốt dịch bệnh, hạn chế tỷ lệ tôm chết, mang lại lợi nhuận cao.
Hạn chế lớn có thể nhắc đến là thời gian cho ăn lâu hơn vì phải thả thức ăn vào từng hộp. Bên cạnh đó số vốn đầu tư khá lớn, khi nuôi cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra để đảm bảo môi trường nước ổn định về độ pH, độ mặn, DO,… Về nhiệt độ có thể kiểm soát bằng máy nâng nhiệt khi thời tiết lạnh.
Sau khi nuôi, cứ 15 ngày cua lại lột xác một lần, mỗi lần lột trọng lượng tăng 50-100g (cua lột xác sẽ tách đi bộ mai cũ; bộ mai mới vẫn còn mềm, toàn bộ con vật có thể ăn được, thay vì phải bỏ vỏ để lấy thịt cua). Sau khoảng 2 tháng nuôi, trọng lượng cua đạt 300-400g/con, bắt đầu có thể thu hoạch.
Nói về thị trường tiêu thụ, chỉ sợ “cung không đủ cầu”. Mỗi kg cua thịt được bán với giá dao động từ 600 – 700 nghìn đồng, cua lột có giá 800 – 850 nghìn đồng (có chất dinh dưỡng cao gấp 20% so với cua thịt).
Với nhiều ưu điểm vượt trội điển hình như áp dụng công nghệ cao, tăng tỷ lệ tôm sống, kiểm soát tốt dịch bệnh, mô hình nuôi cua trong hộp nhựa được đánh giá có triển vọng, đáp ứng nhu cầu về sản xuất nông nghiệp sạch và bền vững trong tương lai. Hiện tại số lượng hộ dân áp dụng mô hình này, xây dựng trang trại đang dần gia tăng, kỳ vọng sẽ mở ra hướng đi đầy triển vọng cho nghề nuôi trồng thủy sản nước ta.
>>> Xem thêm: Các bệnh trên cua biển thường gặp và cách phòng trị hiệu quả
Chịu trách nhiệm nội dung
Phó Giám Đốc - Đồng Thị Tú Anh