Tôm là loài giáp xác có thân nhiệt thay đổi theo nhiệt độ môi trường nước. Do vậy, nhiệt độ ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng sinh trưởng và phát triển của tôm. Nhất là vào những thời điểm nắng nóng, nhiệt độ nước tăng cao, bà con nên thực hiện các biện pháp chống nóng cho tôm nhằm tránh tình trạng tôm bị stress hay suy yếu do sốc nhiệt độ.
Ao nuôi bị ảnh hưởng như thế nào khi trời nắng nóng?
Nhiệt độ nước trong ao nuôi thường sẽ tăng lên khi thời tiết trở nên nắng nóng. Lúc này bà con cần theo dõi và kiểm tra nhiệt độ nước thường xuyên bằng nhiệt kế thủy ngân hay các loại bút đo nhiệt độ thông dụng. Nếu nhiệt độ nước tăng cao vượt mức nhiệt tối ưu, cần thực hiện các biện pháp chống nóng kịp thời cho tôm.
Nhiệt độ tối ưu trong nuôi tôm sú là 28-30℃, nhiệt độ thích hợp cho tôm thẻ là 25-30℃. Nếu nhiệt độ tăng cao vượt quá giới hạn (trên 32℃), tôm sẽ bị stress, suy giảm sức đề kháng và dễ bị các virus, vi khuẩn gây bệnh xâm nhập.
Trong điều kiện nhiệt độ tăng cao, quá trình trao đổi chất của tôm diễn ra nhanh hơn, chúng tăng cường hô hấp để cung cấp oxy, đồng thời tiêu thụ lượng thức ăn nhiều hơn bình thường. Tuy nhiên, với lượng men tiêu hóa trong cơ thể có giới hạn, tôm không có khả năng hấp thụ hết các chất dinh dưỡng, quá trình tiêu hóa diễn ra nhanh và không mang lại hiệu quả. Hơn nữa, còn làm gia tăng lượng chất thải trong ao nuôi.
Các chất thải trong ao nuôi khi gặp nhiệt độ cao sẽ bị phân hủy nhanh chóng và làm tiêu tốn một lượng lớn oxy hòa tan trong nước, gây thiếu oxy cục bộ ở tầng đáy và đồng thời, sinh nhiều khí độc (H2S) và vi khuẩn gây bệnh cho tôm.
Tham khảo: Tôm bị sốc nhiệt, cách phòng ngừa và điều trị
Khi thời tiết nắng nóng cũng là thời điểm dễ gây hiện tượng tôm bị đục cơ. Nguyên nhân chính gây ra hiện tượng này chính là thói quen kiểm tra tôm bằng sàng, vó của người nuôi vào lúc nhiệt độ cao.
Mỗi lần nhấc tôm lên khỏi mặt nước, chúng thường có phản xạ búng mạnh lên và một số con sẽ bị cong thân khi gặp phải mức nhiệt độ cao. Phần đuôi tôm uốn cong chạm đến giáp ngực, cơ chạy dọc cơ thể trở nên trắng đục. Khi trở lại nước, chúng không thể tự duỗi thẳng nên sẽ bị chết. Do vậy, chỉ nên kiểm tra tôm trong điều kiện thời tiết mát mẻ, tránh lúc nắng nóng.
Xem thêm: Cách quản lý nhiệt độ ao tôm hiệu quả
Những biện pháp chống nóng cho tôm hiệu quả
Khi trời nắng nóng, bà con có thể dùng màn lưới đen, chống nắng căng phía trên mặt ao để hạn chế những tia nắng chiếu trực tiếp xuống mặt ao, làm giảm khả năng tăng nhiệt độ và tránh gây sốc cho tôm. Ngoài ra, trong quá trình nuôi cần thực hiện tốt các công tác chăm sóc, quản lý ao tôm:
- Điều chỉnh liều lượng thức ăn: Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, bà con cần theo dõi sức ăn của tôm thường xuyên và cần giảm lượng thức ăn hàng ngày chỉ còn khoảng 60 – 70% so với ngày thường để kiểm soát tình trạng thức ăn dư thừa trong ao nuôi. Ngoài ra, cần kiểm tra chất lượng thức ăn cẩn thận, tránh tình trạng cho tôm ăn thức ăn ẩm mốc, không đảm bảo chất lượng.
- Tăng cường sức đề kháng cho tôm bằng cách bổ sung các loại khoáng chất, men vi sinh đường ruột, chất bổ gan, vitamin C
- Chạy quạt nước liên tục để cung cấp đủ oxy cho tôm hô hấp, tránh gây hiện tượng nước bị phân tầng trong ao. Tốt nhất nên duy trì mực nước trong ao nuôi thấp nhất từ 1,4 – 1,5m.
- Luôn trữ sẵn nguồn nước chất lượng trong ao chứa nhằm cung cấp nước kịp thời cho ao nuôi, giúp duy trì độ sâu và độ mặn phù hợp. Nên cấp nước vào ban đêm vì cấp nước vào ban ngày sẽ rất dễ làm tảo phát triển mạnh.
- Kiểm soát tảo tốt: trong quá trình nuôi, không nên để màu nước quá đậm, cần duy trì độ trong ở mức 30 – 35cm. Nếu tảo trong ao phát triển mạnh, có thể xử lý bằng cách thay một phần nước vào ban đêm hoặc dùng vôi CaCO3 10kg/1000m3 hòa với nước và tạt đều trong ao, đánh liên tục trong thời gian 3 đêm, khoảng 20h – 22h. Sau đó dùng chế phẩm sinh học để ổn định lại nước ao
- Quản lý khí độc NH3, H2S bằng cách dùng men vi sinh xử lý khí độc và xi phông loại thải các chất thải định kỳ, duy trì nồng độ pH ổn định
- Hạn chế dùng sàng, vó để kiểm tra tôm vào lúc nắng nóng để tránh khả năng tôm bị đục cơ và chết.
Trên đây là những biện pháp chống nóng cho tôm nhằm hạn chế sự ảnh hưởng của nhiệt độ đến khả năng phát triển và sinh trưởng của chúng. Trong quá trình chăn nuôi, bà con nên thực hiện tốt các công tác theo dõi, quản lý ao nuôi để tạo điều kiện môi trường tốt nhất cho tôm phát triển. Đồng thời, luôn trang bị sẵn sàng các biện pháp xử lý khi môi trường ao nuôi bị biến đổi do các yếu tố thời tiết.
Tham khảo: Giải pháp nuôi tôm mùa nắng nóng
Tài liệu tham khảo:
- Mùa nắng nóng: Cẩn trọng thả nuôi thủy sản
- Đảm bảo an toàn nuôi thủy sản mùa nắng nóng
- Giải pháp chống nóng cho thủy sản
- https://tepbac.com/tin-tuc/full/bien-phap-ky-thuat-phong-chong-nang-nong-cho-tom-ca-25460.html
- https://khuyennonghaiphong.gov.vn/huong-dan-cac-bien-phap-phong-chong-nang-nong-cho-tom-ca-nuoi-vu-he-nam-2021-tt14040.html
Chịu trách nhiệm nội dung
Phó Giám Đốc - Đồng Thị Tú Anh