Bảo vệ môi trường đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội, từ những việc làm nhỏ của mỗi cá nhân đến những chính sách lớn, có tính bền vững từ Nhà nước, các cơ quan, đoàn thể.
Các nội dung chính
Môi trường ô nhiễm và các con số báo động
Trước khi nói đến các việc làm bảo vệ môi trường, mỗi cá nhân cần nắm được thực trạng, mức độ ô nhiễm môi trường ở nước ta tại thời điểm hiện tại. Trong đó, ô nhiễm không khí và môi trường nước đang ở mức báo động với vài con số khiến nhiều người không khỏi giật mình.
Nồng độ bụi mịn vượt 4.9 lần
Việt Nam là quốc gia xếp thứ 36 trong tổng số 177 quốc gia có mức độ ô nhiễm không khí cao nhất trên toàn thế giới. Theo các số liệu thống kê của Iqair, nồng độ bụi mịn của nước ta vượt quá 4,9 lần ngưỡng cho phép. Trong đó, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là hai thành phố có mức độ ô nhiễm nghiêm trọng nhất cả nước, chất lượng không khí bị suy giảm.
Trên 60% khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải
Hiện Việt Nam có hơn 183 khu công nghiệp trong cả nước, trong đó có trên 60% khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Ở các đô thị, chỉ có khoảng 60% – 70% chất thải rắn được thu gom. Cơ sở hạ tầng thoát nước và xử lý nước thải, chất thải chưa thể đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Hầu hết nước thải đều bị nhiễm dầu mỡ, hóa chất tẩy rửa, hóa phẩm nhuộm… chưa được xử lý và đổ thẳng ra các sông, hồ tự nhiên.
38.500 tấn rác thải rắn thải ra biển mỗi ngày
Việt Nam đứng thứ tư trên thế giới về ô nhiễm rác thải biển (marine debris), đặc biệt là rác thải nhựa. Theo đó, hiện tại ước tính mỗi ngày số lượng chất thải rắn sinh hoạt thải ra biển ở 28 tỉnh thành ven biển là 38.500 tấn/ngày, tức khoảng 14,3 triệu tấn/ năm.
200.000 người bị ung thư do sử dụng nước ô nhiễm
Ở nước ta, có khoảng gần 20% dân số nước ta đang sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm từ các kênh, rạch để sinh hoạt hằng ngày. Theo Bộ Y Tế và Bộ Tài Nguyên Môi Trường thì hằng năm có đến 9.000 người tử vong trong tổng số 200.000 người bị ung thư do sử dụng nước bị ô nhiễm trong thời gian dài.
Những biện pháp cần thực hiện để bảo vệ môi trường
Bảo vệ môi trường đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội, từ những việc làm nhỏ của mỗi cá nhân đến những chính sách lớn từ các cơ quan, đoàn thể. Chẳng hạn như một vài biện pháp điển hình dưới đây.
Ưu tiên sử dụng chất liệu từ thiên nhiên, sản phẩm tái sử dụng
Những thay đổi nhỏ của mỗi cá nhân mỗi giờ, mỗi ngày, mỗi tháng trong việc lựa chọn sản phẩm sử dụng sẽ góp phần tích cực vào công cuộc bảo vệ môi trường sống. Chẳng hạn như:
- Sử dụng các loại giỏ tre, nứa,… để gói sản phẩm thay vì túi nilon.
- Ưu tiên túi vải dùng nhiều lần thay vì túi nhựa.
- Ưu tiên sử dụng ống hút tre thay vì ống hút nhựa.
- Sử dụng bàn chải tre thay bàn chải nhựa; bông tắm xơ mướp thay thế bông tắm từ sợi tổng hợp.
- Ưu tiên năng lượng mặt trời, gió thay vì năng lượng điện.
- Sử dụng phân bón hữu cơ thay vì phân hoá học, thuốc bảo vệ thực vật,….
Tắt khi không sử dụng, mở khi thực sự cần thiết
Đây là việc làm tuy nhỏ nhưng chỉ cần mỗi cá nhân chú ý thực hiện sẽ góp phần tiết kiệm năng lượng điện, nước vô cùng lớn. Chẳng hạn, thay vì để máy tính hãy tắt khi không sử dụng, tắt điện khi ra ngoài, tắt quạt, tắt tivi khi không dùng,… Bạn có thể tận dụng tối đa ánh sáng ngoài trời, mở cửa sổ, chỉ mở đèn, quạt,.. khi thực sự cần dùng.
Nâng cao chất lượng các hệ thống xử lý nước thải
Ô nhiễm môi trường nước là vấn đề nhức nhối, trong đó nguồn nước thải lớn đến từ các khu công nghiệp, đô thị, nhà máy sản xuất,… Theo Bộ Xây dựng, cả nước hiện có 43 nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung đang vận hành, tổng công suất thiết kế trên 926.000 m3/ngày đêm, nhưng tỷ lệ nước thải được thu gom, xử lý chỉ đạt khoảng 13%.
Chính vì vậy, bên cạnh việc xử lý nghiêm các tình trạng xả thải nước thải trái phép ra môi trường, đầu tư mở rộng quy mô thì việc phát triển khoa học, áp dụng công nghệ nâng cao chất lượng hoạt động của các hệ thống xử lý nước thải cần được chú trọng nhiều hơn. Tránh tình trạng đầu tư xây dựng nhưng hiệu suất xử lý không cao vừa tốn kém mà tình trạng ô nhiễm nguồn nước không được cải thiện.
Bảo vệ môi trường đã và đang giành được sự quan tâm của toàn xã hội, tuy nhiên để mang lại hiệu quả cao, cần có các biện pháp quan tâm đúng cách và bền vững. Đối với các cá nhân bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao ý thức cần đi kèm với hành động, thay đổi thiết thực hơn nữa.
>>> Xem thêm: Tác hại của rác thải sinh hoạt với con người và môi trường
Chịu trách nhiệm nội dung
Phó Giám Đốc - Đồng Thị Tú Anh