Thuần dưỡng tôm giống có thực sự cần thiết?

Thuần dưỡng tôm giống có thực sự cần thiết?

Hình thức thuần dưỡng tôm giống trước khi thả ao ngày càng được bà con áp dụng phổ biến. Vậy thuần dưỡng giống có vai trò gì trong nuôi tôm? Bước này có thực sự cần thiết? Bài viết này bà con cùng Biogency hiểu chi tiết hơn về kỹ thuật thuần dưỡng tôm giống.

Thuần dưỡng tôm giống là gì?

Thuần dưỡng tôm giống hiểu đơn giản là làm cho môi trường sinh trưởng và phát triển của tôm trong bể tương đồng với môi trường ao nuôi. Điều này sẽ giúp tôm thả xuống ao nuôi không bị sốc, ngược lại có thể dễ dàng thích nghi ngay với môi trường mới, thuận lợi phát triển.

Thuần dưỡng tôm giống có thực sự cần thiết?
Thuần dưỡng tôm giống được thực hiện trước khi thả tôm.

Vì sao cần thuần dưỡng tôm giống?

Quá trình thuần dưỡng tôm giống thực hiện khá ngắn, chỉ từ vài giờ đến vài ngày nhưng lại đóng vai trò vô cùng quan trọng, góp phần quyết định thành bại của quá trình nuôi.

Mục đích của hình thức thuần dưỡng là giúp tôm từ môi trường ao trại giống vốn rất khác biệt có thể dễ dàng thích nghi khi thả vào môi trường ao nuôi thương phẩm. Đặc biệt với các ao nuôi ngoài trời, dưới tác động của thời tiết, môi trường ao thay đổi liên tục hoặc khó đoán khiến tôm dễ bị sốc, stress khi thả. Dù điều này không đến mức gây chết tôm nhưng sẽ tác động làm tôm chậm lớn, làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Chính vì vậy, sau khi đưa tôm từ trại giống về, bà con nên tiến hành thuần dưỡng tôm giống trước khi thả xuống ao.

Quy trình thuần dưỡng tôm giống

Có nhiều phương pháp nhưng quy trình thuần dưỡng cơ bản được công bố trong nhiều năm, bao gồm những bước cơ bản sau đây:

  • Tăng/giảm độ mặn không quá 3 ppt mỗi giờ.
  • Mật độ vận chuyển: 1.000-5.000 PL/gallon (khoảng 260-1.300 PL/lít).
  • Tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột (hơn 3-4°C).
  • Duy trì nồng độ oxy hòa tan ở mức 6-7 ppm.

Dưới đây là chi tiết các bước thuần dưỡng trên bể và dưới ao, bà con có thể tham khảo:

Thuần dưỡng trên bể

  • Bước 1: Chuẩn bị một bể phù hợp với mật độ thả tôm giống 300 – 500 PL/lít nước.
  • Bước 2: Cho toàn bộ tôm giống vào bể thuần, cung cấp đầy đủ oxy, sục khí liên tục.
  • Bước 3: Thêm nước từ ao nuôi vào bể từ từ để cân bằng nhiệt độ hai môi trường, giúp tôm thích nghi dần với môi trường mới.
  • Bước 4: Để tôm nhanh khoẻ bà con nên bổ sung thêm các sản phẩm khoáng, vitamin tổng hợp. Thời gian thuần tôm giống sẽ phụ thuộc vào sức khỏe của tôm giống, mức độ chênh lệch giữa môi trường túi giống và môi trường ao nuôi.
  • Bước 5: Khi các yếu tố môi trường nước trong bể cân bằng với nước ao, tôm bơi lội khỏe thì tiến hành thả giống. Tôm giống có thể được thả qua van xả tôm, hoặc bằng vợt.

Quá trình thuần cũng có thể thực hiện trong quá trình vận chuyển, nếu tôm giống được chuyển trong các thùng chứa lớn, bằng cách thêm nước và điều chỉnh các yếu tố môi trường giống với nước ao nuôi. Kết thúc thuần dưỡng khi tôm giống vừa đến khu nuôi.

Thuần dưỡng dưới ao

Đối với dưới ao, bà con đo độ mặn, nhiệt độ, độ pH, kiềm trong ao và nước trong bao chứa giống. Nếu mức chênh lệch không lớn (độ mặn chênh 1-2 ppt, nhiệt độ chênh từ 1-2 độ C) thì bắt đầu tiến hành công đoạn thuần dưỡng theo các bước sau:

  • Bước 1: Cho túi tôm giống xuống nước và ngâm ít nhất từ 15 – 30 phút để cần bằng nhiệt độ nước trong túi và ngoài ao.
  • Bước 2: Trong thời gian chờ đó thì bà con tạt vitamin C chống sốc cho tôm.
  • Bước 3: Khi nhiệt độ đã cân bằng thì bà con mở túi tôm giống và thả xuống ao, chú ý làm nhẹ tay tránh làm tôm sốc. Ngoài ra để tôm khoẻ bà con có thể bổ sung thêm khoáng và vitamin tổng hợp sau khi thả. Xem chi tiết: Cách thả tôm giống an toàn giúp tôm khỏe mạnh
Thuần dưỡng tôm giống có thực sự cần thiết?
Thả tôm giống.

Quá trình thuần dưỡng dưới ao nên được thực hiện từ 30-60- phút. Để thuận tiện hơn, hiện nay nhiều bà con thường có các ao vèo (ương vèo) để ương thả trong thời gian đầu.

Nhìn chung, quy trình thuần dưỡng tôm giống không quá phức tạp, thời gian thực hiện chỉ vài giờ đến vài ngày, điều quan trọng bà con cần chú ý đến các điều kiện gồm:

  • Môi trường nước cần được kiểm soát tốt các chỉ số.
  • Dụng cụ và thiết bị cần được rửa sạch, phơi nắng.
  • Vị trí tôm thả cần đầu hướng gió, gần quạt nước để tôm đủ oxy, thích nghi nhanh.
  • Nên thả tôm ở nhiều điểm, cách bờ 2-3m để tạo sự phân tán.
  • Nên thả vào những ngày nắng nhẹ, lúc mát trời vào sáng sớm (trước 8 giờ sáng) và chiều muộn (sau 4 giờ chiều).

Để được hỗ trợ tư vấn chi tiết và giải đáp nhanh chóng bà con gọi ngay cho chúng tôi theo số HOTLINE 0909 538 514, đội ngũ Biogency trân trọng cảm ơn và chúc bà con có một vụ mùa thật bội thu!

>>> Xem thêm: Vì sao tôm giống chất lượng quyết định đến 50% sự thành công của vụ nuôi?

Chịu trách nhiệm nội dung

Phó Giám Đốc - Đồng Thị Tú Anh

Chữ ký