Dinh dưỡng từ tôm thẻ chân trắng

Dinh dưỡng từ tôm thẻ chân trắng

Tôm thẻ chân trắng là một trong những loại thuỷ sản được nuôi và tiêu thụ phổ biến hiện nay. Bởi vì không những mang hương vị thơm ngon mà chúng còn vô cùng giàu dưỡng chất có lợi cho sức khỏe. Bài viết này cùng Biogency tìm hiểu chi tiết hơn về giá trị dinh dưỡng từ tôm thẻ chân trắng cũng như những lợi ích sức khỏe vượt trội mà loài tôm này mang lại.

Tôm thẻ chân trắng có giá trị dinh dưỡng như thế nào?

Tôm thẻ chân trắng (tên khoa học là Litopenaeus Vannamei) hay còn được gọi là tôm thẻ, tôm bạc. Loài tôm này có nguồn gốc ở bờ biển Thái Bình Dương, môi trường sống chủ yếu ở vùng nước lợ hoặc ven biển. Vốn dĩ được gọi là tôm thẻ chân trắng vì thân và vỏ của chúng màu trắng đục, chân màu trắng ngà. Ngoài ra chúng cũng có thể có màu hơi xanh do các tế bào sắc tố xanh lam trong cơ thể.

Tôm thẻ chân trắng là một trong những loại thuỷ sản được nuôi và tiêu thụ nhiều nhất hiện nay, phần nhiều vì sở hữu giá trị dinh dưỡng cao, đặc biệt là hàm lượng protein, vitamin và khoáng chất dồi dào.

Dinh dưỡng từ tôm thẻ chân trắng
Tôm thẻ chân trắng là loài có giá trị dinh dưỡng cao.

Trong 100g tôm thẻ có chứa các chất dinh dưỡng quan trọng sau:

  • Protein: 24 gram (loại Protein tinh khiết tốt cho sức khỏe)
  • Cholesterol: 189 miligam
  • Natri: 111 miligam
  • Chất béo: 0,3 gram
  • Carbs: 0,2 gram
  • Năng lượng: 99 calo

Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu cho thấy, trong tôm thẻ còn chứa hơn 20 loại vitamin và khoáng chất như I-ốt, vitamin B12, sắt, kẽm, photpho, magie, đồng, kali, canxi, mangan,…

Lợi ích của tôm thẻ chân trắng đối với sức khỏe

Dinh dưỡng cao, thơm ngon lại dễ chế biến, tôm thẻ trở thành thực phẩm được người nội trợ yêu thích sử dụng chế biến thành các món ăn trong thực đơn hằng ngày. Việc bổ sung tôm thẻ chân trắng cho cơ thể mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, điển hình có thể kể đến:

Phát triển cơ bắp, sửa chữa mô, sản xuất enzyme và hormone

Hàm lượng protein dồi dào trong tôm là cần thiết cho sự phát triển của cơ bắp, giúp cơ thể sửa chữa các mô, sản xuất enzyme và hormone hiệu quả. Bổ sung protein đầy đủ hằng ngày là điều kiện để cơ thể duy trì sức khỏe thể chất một cách lành mạnh.

Hỗ trợ quá trình giảm cân

Tôm thẻ ít calo và chất béo bão hoà nên rất thích hợp để kiểm soát cân nặng cũng như duy trì mức cholesterol ổn định. Hàm lượng carbohydrate thấp cũng khiến nó trở thành một lựa chọn tuyệt vời cho những người theo chế độ ăn kiêng low-carb hoặc keto. Bằng cách kết hợp tôm thẻ chân trắng vào bữa ăn của mình, bạn có thể tận hưởng sở thích hải sản mà không ảnh hưởng đến mục tiêu ăn kiêng.

Cải thiện sức khỏe tim mạch

Tôm thẻ giàu omega-3, là chất béo lành mạnh gồm EPA và DHA mang lại nhiều lợi ích, trong đó điển hình là hỗ trợ sức khỏe tim mạch và thúc đẩy chức năng não.

Dinh dưỡng từ tôm thẻ chân trắng
Một số món ăn chế biến từ tôm thẻ chân trắng.

Nếu bạn băn khoăn hàm lượng cholesterol trong tôm cao có thể gây hại cho tim thì những nghiên cứu gần nhất cho thấy, dinh dưỡng từ tôm có lợi cho tim mạch hơn mối lo ngại về cholesterol. Theo đó nghiên cứu chỉ ra những người trưởng thành ăn 300 gram tôm mỗi ngày đã tăng mức cholesterol HDL tốt của họ lên 12% và giảm 13% chất béo trung tính. Đây là yếu tố quan trọng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Nghĩa là những người tiêu thụ tôm thường xuyên không hề có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn những người không ăn chúng.

Tăng cường chức năng miễn dịch

Bên cạnh các dưỡng chất kể trên, tôm thẻ cũng chứa selen, một chất chống oxy hóa mạnh mẽ giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và kẽm, một khoáng chất cần thiết cho sự tăng trưởng, phát triển và chức năng miễn dịch.

Phòng ngừa tình trạng thiếu máu

Tôm thẻ giàu vitamin, đặc biệt là vitamin B12, đóng vai trò quan trọng trong sản xuất các tế bào hồng cầu. Bổ sung tôm thẻ vào thực đơn giúp bạn phòng ngừa thiếu máu, đồng thời vitamin B12 rất tốt cho xương, da, tóc và móng.

Lưu ý quan trọng khi sử dụng tôm thẻ chân trắng

Mỗi thực phẩm dù thơm ngon hay giàu giá trị bao nhiêu thì luôn đi kèm những lưu ý quan trọng khi chế biến, sử dụng mà người nội trợ và tiêu dùng cần nắm bắt. Đối với tôm thẻ chân trắng cũng vậy, dưới đây là 2 lưu ý quan trọng hàng đầu.

Nguy cơ gây dị ứng

Trong tôm có chứa một loại protein là tác nhân gây dị ứng được gọi là tropomyosin. Các triệu chứng dị ứng tôm thường thấy gồm ngứa ran trong miệng, nghẹt mũi, nổi mề đay, nổi ban, rối loạn tiêu hoá, khó thở, choáng váng, ngất xỉu,… Vậy nên nếu cơ thể bạn hoặc người thân bị dị ứng tôm thì cần tránh sử dụng, nếu nghi ngờ cơ thể có nguy cơ dị ứng, cần thận trọng khi sử dụng tôm.

Dinh dưỡng từ tôm thẻ chân trắng
Dị ứng khi ăn tôm.

Hạn chế ăn tôm sống

Vi khuẩn Vibrio thường được tìm thấy trong các sinh vật biển. Nhiều loài vi khuẩn trong nhóm khuẩn Vibrio có thể gây bệnh nặng. Chẳng hạn như Vibrio cholerae, V. parahaemolyticus, V. Vulnificus gây bệnh tả, nhiễm khuẩn đường ruột, rối loạn tiêu hóa, nặng hơn có thể khiến người bệnh rơi vào hôn mê. Do đó nên hạn chế ăn tôm sống, nếu ăn tôm sống cần đảm bảo khâu chế biến an toàn, tốt nhất vẫn nên sử dụng tôm đã nấu chín.

Như vậy có thể thấy, không những thơm ngon mà tôm thẻ chân trắng còn là thực phẩm lành mạnh, giàu giá trị dinh dưỡng, mang lại nhiều lợi ích sức khỏe. Điều này giải thích vì sao tôm thẻ là một trong những loại thuỷ sản được nuôi và tiêu thụ phổ biến hiện nay.

>>> Xem thêm: Nuôi tôm không kháng sinh – giải pháp bền vững với nhà nông

Chịu trách nhiệm nội dung

Phó Giám Đốc - Đồng Thị Tú Anh

Chữ ký