Tom Lua dinh huong uu tien phat trien tai Dong bang song Cuu Long

Định hướng phát triển mô hình “Tôm – Lúa” tại Đồng bằng sông Cửu Long

Phát triển mô hình “Tôm – Lúa” theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn là cách giúp nâng cao hiệu quả canh tác, hướng đến tính bền vững, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa các bên và không ảnh hưởng tới an ninh lương thực của vùng cũng như của Quốc gia.

Sự trở lại của “sản xuất lúa kiểu mới” sau 23 năm

Nghị quyết số 09/2000/NQ-CP của Chính phủ về Một số chủ trương và chính sách về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cách đây 23 năm đã cho phép người dân chuyển đổi hình thức canh tác ở những vùng đất xấu, sản xuất lúa kém hiệu quả. Ví dụ như đất khô hạn không thể trồng lúa thì chuyển sang trồng hoa màu, đất trũng hay đất ven biển nhiễm mặn không thể trồng lúa thì chuyển sang nuôi trồng thủy sản… Vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng nằm trong phạm vi chuyển đổi này.

Với địa thế là vùng sông nước, trũng và gần biển, nước nhiễm mặn, nhiều vùng đất tại Đồng bằng sông Cửu Long không thể trồng lúa đã chuyển sang nuôi trồng thủy sản, điển hình là nuôi tôm và đã đạt được những kết quả tích cực.

Trong vài năm trở lại đây, Nhà nước và nhiều tổ chức đã cùng nhau nghiên cứu để phát triển mô hình “Tôm – Lúa” cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm chi phí đầu tư và hạ giá thành tôm nguyên liệu để tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Xét về khía cạnh kinh tế, mô hình “Tôm – Lúa” được xem là có hiệu quả vì:

  • Chi phí đầu tư vào mô hình thấp, ít rủi ro hơn so với các mô hình nuôi khác như thâm canh và bán thâm canh.
  • Giá thành tôm bán ra thấp hơn so với các mô hình nuôi tôm công nghệ cao, làm tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm “Tôm – Lúa”.
  • Sản phẩm từ mô hình “Tôm – Lúa” là sản phẩm sạch (Organic) có tính ưa chuộng cao.

Do đó, vào ngày 30/03/2023 vừa qua tại Bạc Liêu, Trung tâm ICAFIS (Hội Thủy sản Việt Nam), Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bạc Liêu, OXFAM Việt Nam và MCD đã phối hợp cùng nhau tổ chức hội thảo nhằm thúc đẩy mô hình “Tôm – Lúa” và liên kết doanh nghiệp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

01 Tom Lua dinh huong uu tien phat trien tai Dong bang song Cuu Long
Hội thảo Thúc đẩy mô hình “Tôm – Lúa” và liên kết doanh nghiệp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Mô hình “Tôm – Lúa” hiện đã được một số bà con ở Đồng bằng sông Cửu Long áp dụng trong canh tác. Sau hội thảo này, dự kiến mô hình “Tôm – Lúa” sẽ được thúc đẩy và phát triển hơn nữa.

3 mô hình “Tôm – Lúa” phổ biến ở Đồng bằng sông Cửu Long

Trong nuôi “Tôm – Lúa”, tôm sú là loài được nuôi chủ yếu. Ngoài ra còn có tôm càng xanh và tôm thẻ chân trắng. Mô hình “Tôm – Lúa” ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay khá đa dạng, nhưng trong đó phải kể đến 3 mô hình phổ biến sau đang được nhiều bà con áp dụng:

Mô hình 1: Mô hình “Tôm – Lúa” quảng canh truyền thống

Đây là mô hình nuôi tôm trong ruộng lúa. Mương được thiết kế xung quanh ruộng lúa với diện tích chiếm khoảng 20%, bờ bao và trảng trồng lúa; vuông nuôi với diện tích trung bình khoảng 2ha/hộ. Đối với mô hình này, tôm ăn thức ăn từ tự nhiên là chủ yếu, do đó người nuôi sẽ không tốn nhiều chi phí cho thức ăn.

Năng suất đạt được: Ví dụ trường hợp thả nuôi tôm sú PL15, mật độ 2 – 5 con/mét vuông, năng suất tôm thu hoạch đạt khoảng 200 – 300 kg/ha/vụ, năng suất thu hoạch lúa đạt khoảng 3,5 – 4 tấn/ha/vụ.

Mô hình 2: Mô hình “Tôm – Lúa” quảng canh cải tiến

Tương tự như mô hình quảng canh truyền thống, mô hình “Tôm – Lúa” quảng canh cải tiến cũng nuôi tôm trong ruộng lúa. Tuy nhiên, có những điểm khác biệt là: Mương được thiết kế xung quanh với diện tích có thể chiếm đến 30% diện tích ruộng lúa, vuông nuôi với diện tích trung bình khoảng 1ha/hộ, có thể thả tôm nuôi với mật độ cao hơn và cần phải bổ sung thêm thức ăn công nghiệp trong quá trình nuôi.

Năng suất đạt được: Ví dụ trường hợp thả nuôi tôm sú PL15, mật độ 5 – 10 con/mét vuông, năng suất tôm thu hoạch đạt khoảng 400 – 600 kg/ha/vụ, năng suất thu hoạch lúa đạt khoảng 5 – 6 tấn/ha/vụ.

Mô hình 3: Mô hình “Tôm – Lúa” luân canh

Đặc trưng của mô hình này là trong một năm sẽ luân canh 1 vụ trồng lúa và 1 vụ nuôi tôm, áp dụng chủ yếu cho nuôi tôm sú:

  • Đối với vụ nuôi tôm: Thường bắt đầu vào mùa khô, từ tháng 2 – 7, khi có nước lợ, mặn (độ mặn >5‰), mật độ nuôi từ 10 – 15 con/mét vuông, sử dụng thức ăn công nghiệp, năng suất thu hoạch tôm đạt khoảng 3 – 5 tấn/ha/vụ.
  • Đối với vụ lúa: Bắt đầu vào khoảng tháng 9 – 10, sau khi thu hoạch vụ tôm và rửa mặn cho ao khoảng 1 – 2 tháng. Trong vụ lúa có thể ghép nuôi tôm càng xanh hay cá nước ngọt để tăng hiệu quả sử dụng đất.

Hiệu quả sản xuất theo mô hình “Tôm – Lúa” tại Đồng bằng sông Cửu Long

Nhìn chung, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có điều kiện tự nhiên thuận lợi để tiến hành mô hình nuôi “Tôm – Lúa”.

Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản vào năm 2022, diện tích nuôi tôm lúa ước đạt khoảng 25% tổng diện tích nuôi tôm tại Đồng bằng sông Cửu Long (190/747 ha), tập trung nhiều ở các tỉnh ven biển như: Kiên Giang (khoảng 110.038 ha), Bạc Liêu (khoảng 41.540 ha), Sóc Trăng (khoảng 7.914 ha), Bến Tre (khoảng 5.360 ha) và Trà Vinh (khoảng 3.164 ha). Sản lượng “Tôm – Lúa” đạt khoảng 120 nghìn tấn trên tổng sản lượng tôm nuôi đạt 1.080,6 triệu tấn.

02 Tom Lua dinh huong uu tien phat trien tai Dong bang song Cuu Long
Thu hoạch “Tôm – Lúa” (Ảnh: Tạp chí Thủy sản Việt Nam)

Đồng bằng sông Cửu Long: Định hướng ưu tiên phát triển mô hình “Tôm – Lúa” trong thời gian tới

Thực trạng biến đổi khí hậu đã gây không ít khó khăn cho việc phát triển mô hình “Tôm – Lúa” tại Đồng bằng sông Cửu Long. Biến đổi khí hậu đã làm cho độ mặn của nước thay đổi, tôm chậm lớn, giảm sức đề kháng và dễ nhiễm dịch bệnh; nhiều vùng sản xuất theo mô hình “Tôm – Lúa” bị chậm thời vụ do thời tiết thay đổi, dẫn đến năng suất “Tôm – Lúa” thấp…

Để khắc phục vấn đề này, phát triển mô hình nuôi “Tôm – Lúa” theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm phát huy lợi thế về điều kiện địa lý tự nhiên và phù hợp kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương cũng như toàn vùng, nhiều giải pháp đã được đưa ra:

  • Nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào nuôi “Tôm – Lúa” để gia tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm tôm sạch – lúa thơm.
  • Chú trọng nhiều hơn vào kỹ thuật nuôi “Tôm – Lúa”: Lựa chọn con giống chất lượng cao, đạt từ 1,5 – 2,0 cm trước khi đưa ra ruộng nuôi; tỷ lệ mương/vuông nuôi phù hợp; độ sâu mực nước trên trảng vuông nuôi đảm bảo yêu cầu kỹ thuật; mật độ thả nuôi, số lần thả và thay nước cần được kiểm soát chặt chẽ; dùng vôi, phân Zeolite và chế phẩm vi sinh định kỳ; quản lý tốt điều kiện môi trường và sức khỏe tôm.
  • Nghiên cứu tạo giống lúa có khả năng chịu mặn cho vùng nuôi “Tôm – Lúa” và thuốc bảo vệ thực vật gốc sinh học phù hợp cho canh tác lúa trong mô hình.
  • Hệ thống hóa các kết quả nghiên cứu, kỹ thuật nuôi “Tôm – Lúa” thành tài liệu, sổ tay và đào tạo, tập huấn kiến thức cho người nuôi.
  • Tiến hành áp dụng mô hình nuôi “Tôm – Lúa” cải tiến: Là mô hình nuôi có sử dụng ao lắng, ao ương, ao nuôi bán thâm canh bậc thấp, mương + trảng nuôi tôm quảng canh cải tiến.
  • Ưu tiên áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào nuôi “Tôm – Lúa” để đảm bảo chất lượng tôm sạch – lúa thơm và giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường.

Bên cạnh đó, nhằm hướng đến mục tiêu phát triển nhiều hơn mô hình “Tôm – Lúa” tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ngành Thủy sản cũng đang tập trung xây dựng thương hiệu “Tôm – Lúa” tại đây, bao gồm: Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất “Tôm – Lúa” theo hướng sản xuất hữu cơ; phát triển thị trường tiêu thụ tôm sú và tôm càng xanh trong mô hình “Tôm – Lúa” trên thị trường nội địa và quốc tế; thành lập Hiệp hội Tôm Việt Nam, hỗ trợ người nuôi tôm và các bên liên quan gắn kết chặt chẽ trong quá trình sản xuất – xuất khẩu; thúc đẩy hội nhập với ASEAN và tổ chức WTO nhằm tạo môi trường thông thoáng cho các doanh nghiệp tham gia chế biến, xuất khẩu tôm.

Tham khảo: Các mô hình nuôi tôm công nghệ cao

Mục tiêu trong năm 2023, mô hình nuôi “Tôm – Lúa” khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đạt diện tích trên 200 nghìn ha và sản lượng 125 nghìn tấn. Phát triển mô hình “Tôm – Lúa” theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn là cách giúp nâng cao hiệu quả canh tác, hướng đến tính bền vững, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa các bên và không ảnh hưởng tới an ninh lương thực của vùng cũng như của Quốc gia.

Theo: tongcucthuysan.gov.vn

Chịu trách nhiệm nội dung

Phó Giám Đốc - Đồng Thị Tú Anh

Chữ ký