Khi mới bắt đầu thả tôm khoảng từ 7 – 35 ngày, các giống tôm sẽ thường bị nhiễm bệnh liên quan đến gan tôm, kéo theo các bệnh về đường ruột, tôm chết sớm... Để tránh tình trạng này, bà con cần có kiến thức quan sát gan tôm để phát hiện sớm, hạn chế những thiệt hại nghiêm trọng.
Vậy tôm thường hay gặp những bệnh nào liên quan đến gan? Quan sát vào những chi tiết nào để phân biệt được gan nhiễm bệnh và gan bình thường? Đọc ngay bài viết dưới đây bà con sẽ tìm được câu trả lời chi tiết nhất.
Các nội dung chính
Chức năng của gan tôm
Gan và tụy là một trong những bộ phận quyết định đến sự hấp thu dinh dưỡng của tôm. Chức năng chính là:
- Dự trữ năng lượng cho cơ thể sau khi tiêu hóa thức ăn.
- Hỗ trợ tạo máu và các chất miễn dịch chống lại bệnh do vi khuẩn gây nên.
- Giải độc và hỗ trợ bài tiết: Phần độc tố sẽ được tích tụ ở gan trước khi được thải ra ngoài.
Nếu tôm bị nhiễm bệnh, các độc tố bị giữ lại ở gan nên có thể dễ dàng quan sát qua sự thay đổi ở phần gan và tụy. Do đó, quan sát kỹ màu sắc gan tôm sẽ đoán được tình trạng bệnh tôm đang mắc phải.
Quá trình phát triển của gan tôm theo từng giai đoạn
Thông thường, để bắt đầu nuôi một lứa tôm mới, người nuôi tôm sẽ thả tôm giống ngay sau khi tôm nở (hay được gọi là tôm bột). Khi thả được thả ở giai đoạn này, tôm dễ thích nghi được môi trường mới.
Bà con cần nắm được quá trình phát triển của gan tôm theo kích cỡ của tôm để dễ nhận ra bệnh khi có biểu hiện bất thường.
- Tôm kích cỡ từ 1 – 2cm: Vào giai đoạn này, các chức năng của gan tôm phát triển chưa hoàn thiện. Thế nhưng khi quan sát bằng mắt thường, bà con có thể dễ dàng thấy được:
- Đối với các giống tôm nuôi trong trang trại: Gan có màu nâu đen hoặc ngả đen.
- Đối với các giống tôm nuôi trong ao: Gan có màu nâu vàng.
- Ở giai đoạn này, gan tôm có hình dạng chưa rõ rệt và sẽ không xuất hiện màng trắng trong gan.
- Tôm giống cỡ 2 – 3cm: Với kích thước này tôm đã có cấu trúc hoàn chỉnh, phần gan có màu nâu đặc trưng. Đồng thời, hình dạng của các sọc gan và màng trắng bao bọc gan đã có thể nhìn thấy rõ ràng.
- Tôm giống cỡ 3 – 5cm: Khi tôm phát triển với kích thước này, gan tôm đã phát triển hoàn thiện với màu nâu đậm, phát triển cấu trúc đầy đủ với phần màng được hiển thị rõ ràng dưới khu vực gan và các sọc gan.
Màu gan tôm đẹp
Màu sắc gan tôm đẹp là dấu hiệu cho các chức năng tiêu hóa của tôm khỏe mạnh, hấp thu tốt các chất dinh dưỡng và lớn mạnh bình thường. Quan sát từ bên ngoài thấy được phần gan tôm khỏe mạnh sẽ có màu nâu đen hoặc nâu vàng.
Phía bên ngoài vỏ giáp tại phần đầu tôm có thể thấy được một màng gan có màu vàng nhạt, màng gan sẽ bọc một nửa gan dưới. Độ rộng của phần màng có thể ước chừng đến hai mép ngang, quan sát rất rõ nét. Một số giống tôm khác có thể quan sát thấy phần dạ dày có màu nâu đen, dạ dày có hình hạt gạo và có thể nhìn thấy rõ ràng.
Ngoài quan sát phần bên trong của gan tôm, bà con cũng có thể thấy phần dịch gan. Dịch của gan tôm khi khỏe mạnh sẽ có màu nâu hơi vàng, chất dịch hơi sệt và khi dùng lực bóp dịch thì dịch sẽ không bị chảy. Chất dịch này có mùi tanh nhẹ đặc trưng thì chứng tỏ các chức năng gan của tôm vẫn hoạt động rất khỏe mạnh.
Một số nguyên nhân dẫn đến các bệnh của gan tôm
Có rất nhiều các nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng gan tôm bị bệnh. Trong đó, một số nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng khiến gan tôm bị bệnh phải kể đến như:
Các loại thức ăn dành cho tôm có hàm lượng chất dinh dưỡng không đồng đều, môi trường ao nuôi bị ô nhiễm xuất hiện tảo độc, sử dụng nhiều thuốc kháng sinh, chịu ảnh hưởng từ thời tiết hoặc vi khuẩn tấn công; trong ao hồ có chứa khí độc H2S, NH3, NO2…
Các bệnh thường gặp trên gan tôm
Các bệnh thường gặp trên gan tôm sẽ được nhận biết chủ yếu qua các màu sắc quan sát được.
Màu sắc gan tôm khi bị nhiễm bệnh
Dựa vào cách quan sát và phân tích màu gan tôm, bà con có thể đoán ra hơn 50% các bệnh mắc phải trên tôm. Nhất là trong giai đoạn khi tôm phát triển từ 2 – 3 cm, các màu sắc gan biến đổi bất thường sẽ cảnh báo một số bệnh hoặc tình trạng tôm đang gặp phải. Cụ thể như:
Gan tôm biến đổi sang màu đỏ:
-
- Khi chuyển màu đỏ là dấu hiệu của phần gan đang gặp tổn thương, hệ miễn dịch bị suy yếu hoặc đang bị vi khuẩn tấn công gây ra tình trạng nhiễm khuẩn.
- Gan tôm màu đỏ là thời gian đầu khi tôm bị tình trạng này, nếu từ màu đỏ chuyển biến thành màu trắng thì tình trạng gan đã bị nhiễm khuẩn hoặc tổn thương trong một thời gian khá dài.
Gan tôm có màu trắng: Một trong những nguyên nhân khác dẫn đến gan tôm chuyển biến sang màu trắng có thể bởi đường ruột bị rối loạn chuyển hóa năng lượng. Hoặc có thể do cơ thể tôm thiếu chất glycogen và protein.
Gan tôm chuyển sang màu vàng: Đây là dấu hiệu của tôm đang gặp tình trạng rối loạn tiêu hóa và dinh dưỡng trong cơ thể. Hoặc có thể đường ruột của tôm đang có vấn đề. (Tham khảo: Tôm bị vàng gan, nguyên nhân và cách điều trị)
Gan tôm có màu đen kịt: Đây là dấu hiệu của gan tôm đang bị tích tụ quá nhiều lượng thuốc kháng sinh hoặc lượng thuốc phòng bệnh trong quá trình nuôi.
Cách quan sát màu sắc gan tôm nhiễm bệnh
Trên cơ sở quan sát, phân biệt được các màu sắc của gan tôm khỏe mạnh (gan tôm có màu đẹp) và màu sắc của gan tôm bị bệnh. Để so sánh và phát hiện các bệnh liên quan đến gan, đường ruột của tôm, bà con có thể chú ý quan sát kĩ các phần như:
- Tại phần gan tụy: Quan sát điểm điểm giữa của khối gan tụy (gần phần đầu của tôm).
- Giáp phần đầu ngực và phần thân tôm.
Thông thường, khi gan tôm có vấn đề sẽ xuất hiện 3 trường hợp bệnh là: bệnh teo gan, bệnh nhũn/vàng gan hoặc hoại tử gan cấp tính. Để đoán chính xác bệnh, bà con có thể dựa vào một số kết quả của quá trình quan sát sau:
Bệnh teo gan ở tôm
Phần gan tôm bị teo sẽ có biểu hiện quan sát thấy gan bị nhỏ, có màu đen và dai, khi tách gan ra thì vẫn còn nguyên khối. Khi bị bệnh này tôm chết ruột sẽ bị rỗng, số lượng chết rải rác không bị hàng loạt.
Bệnh nhũn gan/vàng gan
Khi tôm bị bệnh này sẽ có biểu hiện tôm búng thẳng đứng từ 2 – 4 lần so với mặt nước. Phần gan khi tách ra khỏi đầu sẽ dễ vỡ, có màu vàng nhạt, bị nhũn mềm. Khi gặp hiện tượng này, bà con nên thu tôm không nên để quá lâu có thể dễ bị chết hàng loạt.
Bệnh hoại tử gan tụy cấp tính
Khi quan sát nếu gan và tụy tôm bị teo, xuất hiện màu nhạt và ngày càng trắng. Phần ruột tôm rỗng không chứa thức ăn hoặc đường ruột bị đứt đoạn và vỏ bị mềm rất có khả năng gan tôm bị hoại tử cấp tính. Lúc này nên kiểm tra lại mật độ vi khuẩn để chắc chắn mật số của Vibrio luôn ở mức đảm bảo.
Tham khảo: Trị bệnh gan cho tôm bằng thảo dược
Một số lưu ý để phòng ngừa bệnh gan trên tôm
Để tránh tình trạng bà con phải đau đầu tìm kiếm nguyên nhân các bệnh liên quan đến gan tôm thì nên chú ý một số cách phòng bệnh sau:
- Nên lựa chọn những giống tôm khỏe mạnh để tránh tình trạng nhiễm bệnh khi nuôi. Có thể dựa vào PCR để test giống trước khi mua về thả.
- Áp dụng các phương pháp sinh học và chuẩn bị môi trường thả theo đúng quy trình nuôi tôm an toàn.
- Khi thả tôm cần tính toán trước mật độ nuôi thích hợp.
- Lựa chọn thức ăn hợp lý, đảm bảo chất lượng cho từng giống tôm. Cho ăn lượng vừa phải trong từng giai đoạn phát triển của tôm.
- Trong môi trường nên đảm bảo đạt độ kiềm từ: 100ppm và tăng dần đến 150ppm ở cuối mùa vụ. Độ pH đạt từ 7,8 – 8.0.
Tham khảo: Giải độc gan cho tôm
Hy vọng với những kiến thức về “Cách quan sát và phòng ngừa các bệnh liên quan đến gan tôm” mà Biogency mang đến sẽ hỗ trợ quá trình nuôi tôm của bà con thành công nhất nhé!
Tài liệu tham khảo:
Để gan tụy tôm không bị tổn thương – Tạp chí Thủy sản Việt Nam (thuysanvietnam.com.vn)
Chịu trách nhiệm nội dung
Phó Giám Đốc - Đồng Thị Tú Anh