Axit hữu cơ được xem là ứng cử viên sáng giá có thể thay thế hoàn toàn các loại kháng sinh kích thích tăng trưởng trong nuôi trồng thủy sản, điển hình là nuôi tôm. Vậy axit hữu cơ cho tôm là gì? Vai trò của chúng ra sao? Mời bà con cùng đón đọc những chia sẻ dưới đây.
Các nội dung chính
Axit hữu cơ là gì?
Axit hữu cơ là các hợp chất hữu cơ có một hoặc nhiều nhóm -COOH hay còn gọi là nhóm axit cacboxyl. Axit hữu cơ tồn tại trong hầu hết các loại thực vật mà chúng ta tiêu thụ mỗi ngày. Chúng bao gồm axit cacboxyl đơn chức, mạch thẳng và các chất dẫn xuất tương ứng của chúng (axit không bão hòa hydroxylic, phenolic và các axit carboxylic đa chức).
Axit hữu cơ có nhiều loại khác nhau, có thể kể đến các axit phổ biến như Axit lactic, Axit formic, Axit propionic, Axit malic, Axit Citric, Axit fumaric, Axit sorbic,…
Axit hữu cơ tác động lớn đến các nhóm vi khuẩn gây bệnh bằng cách làm giảm độ pH của môi trường xung quanh khiến các vi khuẩn có hại không thể tồn tại. Cụ thể, trong đường ruột vật nuôi thường tồn tại 2 nhóm vi khuẩn (có lợi và có hại gây bệnh), nhóm có lợi thường sống trong môi trường có độ pH thấp hơn nhóm gây bệnh. Khi bổ sung axit hữu cơ vào sẽ làm giảm độ pH, gây ức chế nhóm vi khuẩn gây bệnh như E.coli, Samonella, Clostridium perfringens, Vibrio,… đồng thời tạo điều kiện cho vi khuẩn có lợi phát triển.
Với cơ chế này, các sản phẩm ứng dụng axit hữu cơ được đánh giá có khả năng thay thế các chất kháng sinh tăng trưởng trong nuôi tôm.
Lợi ích khi bổ sung axit hữu cơ cho tôm
Ngoài chăn nuôi gia súc gia cầm, các loại axit hữu cơ ngày nay cũng được ứng dụng phổ biến trong nuôi trồng thủy sản, điển hình là nuôi tôm. Theo đó, axit hữu cơ cho tôm có vai trò ức chế sự tồn tại và phát triển của các vi sinh vật gây bệnh (nấm mốc, nấm men, vi khuẩn gây bệnh), duy trì cân bằng các nhóm vi khuẩn đường ruột tôm. Từ đó, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các bệnh đường ruột trên tôm như bệnh phân trắng, ruột lỏng, phân bị đứt đoạn,…
Bên cạnh đó, axit hữu cơ cũng được xem là nguồn cung cấp năng lượng giúp tăng tỷ lệ chuyển đổi thức ăn cho tôm, gia tăng hấp thụ giúp tôm phát triển nhanh chóng,… Các axit hữu cơ thường được ứng dụng trong nuôi tôm và vai trò của chúng điển hình như:
- Axit lactic: Ức chế vi khuẩn Vibrio spp gây bệnh, cải thiện hệ vi sinh có lợi trong đường ruột.
- Axit formic: Ức chế Vibrio, kích thích tiêu hóa thức ăn, tác động tích cực đến quá trình tăng trưởng của tôm.
- Axit Citric: Cải thiện sự tăng trưởng của tôm, tăng cường miễn dịch, cải thiện tỷ lệ sống trên tôm thẻ chân trắng.
- Axit propionic: Ngăn cản nấm mốc và vi khuẩn xâm nhập vào thức ăn của tôm.
- Axit Butyric: Sử dụng trong sát khuẩn, kích thích vật nuôi ăn nhiều, kích thích hệ miễn dịch ruột.
Việc sử dụng axit hữu cơ sẽ giảm được đáng kể chi phí sản xuất trong nuôi tôm, nhất là các cơ sở và trang trại quy mô vừa và lớn.
Lưu ý khi bổ sung axit hữu cơ cho tôm
Hiệu quả sử dụng axit hữu cơ cho tôm sẽ phụ thuộc vào hiệu năng, nồng độ sử dụng của người. Do đó, việc sử dụng axit hữu cơ cho tôm cần có sự chỉ định của chuyên gia về loại axit sử dụng, liều lượng sử dụng trong từng giai đoạn phát triển của tôm nuôi. Bà con cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất, không nên tự ý phối trộn với các hóa chất khác.
Đặc biệt khi ứng dụng lâu dài cần có nghiên cứu sâu hơn về cơ chế kháng khuẩn của các axit hữu cơ, tránh tình trạng vi khuẩn gây hại dần dần chịu được môi trường pH thấp, từ đó phát sinh chủng gây hại có độc lực cao hơn.
Nuôi tôm không phụ thuộc kháng sinh là hướng đi lâu dài, có tính bền vững nhằm đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng cũng như giảm thiểu các tác động lên môi trường. Các sản phẩm như men vi sinh, axit hữu cơ,… được đánh giá cao và ngày càng được ưa chuộng để hỗ trợ và dần thay thế. Tuy nhiên để ứng dụng rộng rãi hơn các sản phẩm này đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn nữa từ các ban ngành lẫn các hộ nuôi.
Hy vọng những chia sẻ trên đã giúp bà con nắm thêm về axit hữu cơ cho tôm, cơ chế tác động cũng như lưu ý khi sử dụng. Nếu bà con quan tâm đến các giải pháp nuôi tôm bền vững, an toàn liên hệ ngay cho đội ngũ Biogency qua Hotline 0909 538 514.
Chúc bà con vụ mùa thành công!
>>> Xem thêm: Sử dụng khoáng hữu cơ cho tôm như thế nào để đạt hiệu quả cao?
Chịu trách nhiệm nội dung
Phó Giám Đốc - Đồng Thị Tú Anh